Từng bước đưa công nghiệp hỗ trợ Bắc Ninh phát triển

Đăng ngày: 02/06/2023 , 11:14 GMT+7

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được xác định là ngành đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh, vì thế Bắc Ninh đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển CNHT, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Về vấn đề này, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại đã có buổi làm việc với ông Phạm Khắc Nam – Phó giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh, xin được giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Đồng chí có đánh giá như thế nào về sự phát triển và những kết quả đã đạt được của ngành CNHT trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Phạm Khắc Nam: UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 30/6/2015, về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành CNHT tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu cụ thể về phát triển CNHT và trọng tâm vào 3 ngành chính là: điện - điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao. Đồng thời, tỉnh đã định hướng quy hoạch thành lập, chuyển một số cụm công nghiệp thành cụm CNHT và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc 3 ngành CNHT nêu trên.

Đến nay, tỉnh đã quy hoạch và thành lập một số cụm công nghiệp định hướng với ngành nghề sản xuất chính là CNHT. Ngoài ra, UBND tỉnh đã bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển CNHT cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Ninh, trực thuộc Sở Công thương Bắc Ninh, nhằm tham mưu, tư vấn thực hiện chương trình CNHT trên địa bàn tỉnh. 

Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 31/8/2021, về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu thúc đẩy phát triển các ngành CNHT thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp CNHT, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước; tăng cường thu hút đầu tư các thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT, nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp CNHT. Đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp CNHT với doanh nghiệp lắp ráp; thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp. Ngày 22/9/2020, UBND tỉnh đã ký Biên bản ghi nhớ với Bộ Công thương và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Samsung) về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Mục tiêu đặt ra hàng năm tăng tỉ lệ đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vào giá trị sản xuất công nghiệp do Samsung tạo ra. Để thực hiện mục tiêu này, Samsung sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT tại Bắc Ninh cải thiện sản xuất, quản lý chất lượng và ưu tiên cung ứng các sản phẩm, dịch vụ bao gồm các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh cho Samsung.

Đến nay, CHHT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực với khoảng trên 500 doanh nghiệp CNHT tham gia chuỗi cung ứng, tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực lắp ráp sản phẩm điện tử và cơ khí và chiếm khoảng 10% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh.

PV: Từ thực tế của tỉnh, ngành Công Thương Bắc Ninh đã tham mưu UBND tỉnh, đề xuất, xây dựng cơ chế để thu hút và tạo điều kiện như thế nào cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào địa phương?

Ông Phạm Khắc Nam: Tận dụng lợi thế về vị trí địa lý trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và sự phát triển của công nghiệp liên tục trong nhiều năm qua, ngành Công Thương Bắc Ninh đã tham mưu cho tỉnh trong việc quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, điện lực bám sát thực tiễn và định hướng của Chính phủ, để đưa công nghiệp của tỉnh vươn lên tầm cao mới. Đặc biệt, từ năm 2000, Sở Công Thương tích cực phối hợp với các sở nghiên cứu quy hoạch các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp và thu hút nhiều tập đoàn lớn, đa quốc gia đầu tư tại tỉnh. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Kết luận số 29-KL/TU ngày 07/11/2011, theo đó xác định mục tiêu ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai. Tỉnh luôn tạo điều kiện và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, CNHT...; ưu tiên các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao trên địa bàn, năm 2021, Sở Công Thương đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh tiến hành điều chỉnh Quy hoạch điện lực tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2035. Đồng thời, thường xuyên phối hợp, chỉ đạo Công ty Điện lực Bắc Ninh xử lý kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp trong vận hành, cung ứng điện. 

Năm 2022, tỉnh Bắc Ninh tiến hành lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở Công thương được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng quy hoạch ngành công nghiệp, thương mại, điện lực. Dự thảo quy hoạch tập trung ưu tiên thu hút vào các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiện đại thân thiện với môi trường như: điện tử, viễn thông, cơ điện tử, hóa dược, thiết bị y tế; CNHT; Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; Phát triển các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0. Dự thảo đang được các cấp, ngành thẩm định.

Trong thu hút đầu tư, định hướng xuyên suốt của Bắc Ninh là ưu tiên và tạo điều kiện tối đa đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, CNHT. Sở Công Thương cũng tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung quản lý, các giải pháp, chương trình, đề án hỗ trợ các doanh nghiệp như: chương trình hỗ trợ phát triển CNHT; chương trình hỗ trợ cải tiến doanh nghiệp, chương trình phát triển nhà máy thông minh…, nhằm từng bước đưa CNHT của tỉnh phát triển.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ mục tiêu phát triển CNHT của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới?

Ông Phạm Khắc Nam: Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, tỉnh Bắc Ninh xác định phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cung ứng. Tỉnh ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp dựa trên lợi thế sẵn có và tiềm năng phát triển cao, những ngành có quy mô tương đối lớn, tốc độ phát triển vượt bậc, có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Cụ thể, tỉnh ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Sản xuất thiết bị điện tử; Sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành phụ tùng hàng không; Sản xuất thiết bị công nghệ cao; Dược phẩm & Thiết bị CN Y khoa; Công nghiệp công nghệ thông tin. Bắc Ninh phấn đấu trở thành Trung tâm sản xuất sản phẩm điện tử hoàn thiện hàng đầu Việt Nam.

 Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu nêu trên, lĩnh vực CNHT của tỉnh sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực có lợi thế phát triển, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp và CNHT như: Sản xuất, lắp ráp sản phẩm linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, CNHT cho các ngành công nghệ cao, chế biến thực phẩm – đồ uống. Cụ thể, tỉnh xác định một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực CNHT bao gồm:

Một là: Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là CNHT thông qua các chính sách, cơ chế hỗ trợ tạo thuận lợi cho các yếu tố đầu vào như công nghệ - đất đai – nguyên vật liệu và vốn.

 Hai là: Đẩy mạnh công tác phát triển CNHT, khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.

Ba là: Tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển CNHT, Chương trình khuyến công quốc gia, tập trung vào những nội dung hỗ trợ: Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến sản xuất, khuyến khích nghiên cứu phát triển; liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực CNHT, nắm bắt nhanh công nghệ, kỹ thuật và trình độ quản trị.

Bốn là: Hình thành Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, tổ chức kết nối cung ứng sản phẩm CNHT trong nước với các dự án FDI, hướng tới xuất khẩu trực tiếp linh kiện, phụ tùng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mai Phương

Đăng ngày: 02/06/2023 , 11:14 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác