Hà Nội tăng cường các giải pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa trong phòng, chống dịch

Đăng ngày: 30/07/2021 , 14:00 GMT+7

Ngày 28/7, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 2419/UBND-KT, tăng cường các giải pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa và công tác phòng, chống dịch trong lưu thông phân phối khi thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND trên địa bàn.

 

Ảnh minh họa: VH

Hỗ trợ tối đa cho các hệ thống phân phối vận chuyển, lưu thông hàng hóa

Theo đó, các sở, ngành, quận, huyện và thị xã chủ trì, tổ chức các giải pháp bảo đảm hoạt động của các hệ thống bán hàng hóa thiết yếu diễn ra bình thường, thực hiện đầy đủ các phương án phòng, chống dịch theo quy định, không để lây nhiễm dịch bệnh tại các hệ thống; chỉ đạo cơ quan y tế địa phương nhanh chóng phun khử khuẩn, điều tra dịch tễ đối với các hệ thống phân phối liên quan đến trường hợp F0 để sớm mở cửa trở lại bán hàng phục vụ nhân dân. Khuyến khích các điểm bán hàng thiết yếu mở cửa 24/24 giờ nếu cần thiết và phù hợp với quy định chống dịch, sẵn sàng phục vụ nhân dân, nhằm giãn cách không tập trung đông người vào một thời điểm; đẩy mạnh bán hàng qua thương mại điện tử.

Đối với các chợ trên địa bàn, thực hiện giãn cách các quầy bán hàng thiết yếu, bảo đảm khoảng cách và yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế; các chợ đầu mối phải bố trí địa điểm trung chuyển hàng hóa, yêu cầu tiểu thương giãn thời gian giao nhận hàng với các đầu mối để tránh tập trung đông người, hàng hóa ùn lại trong các giờ cao điểm; đồng thời, triển khai rà soát vị trí các khu đất trống để sẵn sàng bố trí cho các tiểu thương trong chợ dân sinh di chuyển địa điểm khi chợ bị dừng hoạt động.

UBND Thành phố giao các sở, ngành: Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố hỗ trợ tối đa cho các hệ thống phân phối vận chuyển lưu thông hàng hóa trong và ngoài thành phố; trong trường hợp xe vận chuyển của các doanh nghiệp chưa đăng ký được vào “luồng xanh” thì yêu cầu các lái xe xuất trình hợp đồng hoặc hóa đơn giao nhận hàng hóa, các giấy tờ chứng minh việc giao nhận, vận chuyển hàng hóa cho các hệ thống phân phối được phép lưu thông từ các tỉnh vào thành phố và trong địa bàn thành phố; hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký “luồng xanh” theo quy định. Bên cạnh đó, thống nhất các chốt kiểm tra trên địa bàn thành phố về thành phần giấy tờ kiểm tra đối với nhân viên, người lao động thuộc các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND thành phố.

Các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu chấp hành nghiêm túc và bảo đảm công tác phòng, chống dịch đối với các cơ sở kinh doanh, vận chuyển hàng hóa khi tham gia lưu thông theo quy định; tăng cường khai thác, dự trữ hàng hóa về các kho, điểm bán của doanh nghiệp; bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa; chấp hành nghiêm việc điều tiết, cung ứng hàng hóa của thành phố khi có yêu cầu.

Huy động lực lượng thu hoạch, tiêu thụ nông sản, hàng hóa

Bên cạnh đó, ngày 28/7, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 7921/VP-KT về chủ động rà soát kế hoạch sản xuất và cụ thể hóa danh mục vật tư nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19.

Công văn nêu rõ, UBND thành phố nhận được văn bản của Bộ NN&PTNT về việc chủ động rà soát kế hoạch sản xuất và cụ thể hóa danh mục vật tư nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19. Về việc này, UBND TP giao Sở NN&PTNT Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Công Thương Hà Nội và đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện, tham mưu, báo cáo UBND thành phố theo quy định.

Cụ thể, rà soát tình hình, kế hoạch sản xuất các loại nông sản trên địa bàn; có phương án cụ thể, phù hợp đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bảo đảm thúc đẩy sản xuất. Đối với các loại nông sản vào vụ thu hoạch, cần thiết huy động các lực lượng tham gia thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ, tuyệt đối không để đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, hàng hóa nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân và phục vụ xuất khẩu.

Thường xuyên rà soát, cập nhật danh mục các mặt hàng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, lâm nghiệp và chế biến nông sản, phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; đồng thời, cần linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và phương tiện vận chuyển các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản.

PV.

Đăng ngày: 30/07/2021 , 14:00 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác