Quyết tâm biến tiềm năng, lợi thế thành hiện thực…
Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo điều hành các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp, các khâu đột phá đúng hướng, hiệu quả theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra nên tình hình KTXH chuyển biến tích cực trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 9,4%, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước và xếp thứ 02/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; trong đó 14/18 chỉ tiêu được HĐND tỉnh giao đạt và vượt kế hoạch.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu, tầm nhìn khát vọng đến năm 2025, là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước; đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao.
Để đạt mục tiêu này tỉnh Ninh Thuận xác định tập trung vào 05 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng: (1) Năng lượng, Năng lượng tái tạo; (2) Du lịch chất lượng cao; (3) Công nghiệp chế biến, chế tạo; (4) Nông nghiệp công nghệ cao; (5) Xây dựng và kinh doanh bất động sản; 02 động lực phát triển: Kinh tế biển; Kinh tế đô thị; 01 hạt nhân phát triển: Con người; 04 khâu đột phá: (1) Nâng cao năng lực cạnh tranh; (2) Hoàn thiện cơ sở hạ tầng khung; (3) Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý và sản xuất, đổi mới sáng tạo và (4) Phát triển nguồn nhân lực.
Qua đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt Danh mục các dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 với tổng số 58 dự án, trong đó có 19 dự án trong các Khu công nghiệp và 39 dự án thu hút đầu tư vào các địa điểm ngoài khu, cụm công nghiệp; đồng thời tập trung kêu gọi một số dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa cao. Tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị gia tăng cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để có sức cạnh tranh cao, tạo sản phẩm hàng hoá đặc trưng cho tỉnh như cây nho, táo, tỏi…. Phát triển mạnh ngành chăn nuôi vốn là thế mạnh của tỉnh với các loại vật nuôi như bò, dê, cừu; xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao của cả nước, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực.
Đồng thời tỉnh Ninh Thuận cũng tập trung phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm, động lực phát triển. Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: ưu tiên phát triển các loại hình công nghiệp sạch, sản xuất sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghiệp năng lượng,công nghiệp chế biến....; tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án tạo đột phá trong tăng trưởng ngành công nghiệp như: Tổ hợp nhà máy hóa chất sau muối; Dự án Nhà máy sản xuất Hydrogen, các ngành sản xuất chế biến luyện nhôm và sản phẩm sau nhôm gắn với nguồn năng lượng tại chỗ… Cùng với đó là Mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước, với hệ thống các nhà máy năng lượng tái tạo đã đi vào hoạt động và đang triển khai xây dựng, trong đó một số dự án lớn đang triển khai như Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 - 1.500MW, nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái 1.200MW, dự án nhà máy thủy điện tích năng Phước Hòa 1.200MW đã chấp thuận cho khảo sát, bổ sung quy hoạch. Phát triển nguồn năng lượng Hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh phù hợp với cam kết tại COP26.
Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, độc đáo và hấp dẫn, có giá trị cao về du lịch, bờ biển dài 105km trải dài từ Bắc tới Nam, những dãy núi cao đâm ra biển tạo nên những vũng vịnh với biển xanh - cát trắng - nắng vàng như: Ninh Chữ, Bình Tiên, Cà Ná, đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh, Hang Rái,... Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam và là một trong 9 vùng sinh quyển của thế giới. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Ninh Thuận các vùng sinh thái đặc thù, là lợi thế để phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, trong đó có Vườn quốc gia Phước Bình, Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc hệ thống các khu rừng đặc dụng của quốc gia, là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, biển Nam Trung Bộ với các loài động, thực vật quý hiếm và cũng là nơi bảo tồn loài rùa biển trong nước. Các bãi rạn san hô biển với trên 356 loài phân bố ở vùng ven biển Vĩnh Hy - Thái An, Nam Cương - Phú Thọ cũng đang được bảo tồn, khai thác phát triển du lịch.
Ninh Thuận có đủ những điều kiện và khả năng vượt trội để phát triển du lịch, từ yếu tố khác biệt tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao tính cạnh tranh phát triển du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển. Trong những năm qua, ngành du lịch Ninh Thuận chú trọng phát triển theo hướng xanh, sạch và bền vững, thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch với quy mô lớn. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng tăng về số lượng, chất lượng; nhiều loại hình du lịch được đẩy mạnh, thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm khám phá vùng đất mới. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, hiện có các khu Resort, tổ hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, như: Bình Tiên, Vĩnh Hy, Long Thuận Hoàn Mỹ, Sailing Bay Ninh Chữ…
Năm 2023, Tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức thành công Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp" và khai mạc Lễ hội Nho-Vang Ninh Thuận vào tháng 6/2023 tạo được dấu ấn tốt trong lòng nhiều du khách trong và ngoài nước.
Với tầm nhìn, hướng đi mới, Ninh Thuận tập trung khai thác tài nguyên du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, độc đáo, mới lạ, xây dựng các điểm du lịch của tỉnh kết nối với các tỉnh lân cận, ưu tiên phát triển 04 sản phẩm du lịch đặc thù: du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa (đặc biệt di sản văn hóa Chăm); nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa; 04 sản phẩm mới lạ: khám phá và vui chơi giải trí cát - muối; săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe; 04 sản phẩm bổ trợ: du lịch cộng đồng; vui chơi giải trí và ẩm thực; tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại du lịch.
Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá du lịch, xây dựng hệ thống du lịch thông minh; chú trọng công tác hướng nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực du lịch và nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch và các ngành dịch vụ hỗ trợ; triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, bình đẳng, khẳng định du lịch Ninh Thuận là điểm đến an toàn, chất lượng, thân thiện và mến khách…
Với những tiềm năng và lợi thế của mình cùng với tư duy và cách làm mới đầy sáng tạo của tỉnh Ninh Thuận, hy vọng Ninh Thuận sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới đưa Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, trở thành “Miền đất của những giá trị khác biệt”.
Mai Phương