Thời gian qua, công nghiệp của Hải Phòng có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng. Cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện đại, giảm dần tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều lao động, nhưng có giá trị gia tăng thấp, ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, nhiên liệu, như sản xuất giày dép, đóng tàu, vật liệu xây dựng, sản xuất kim loại,... tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, như sản xuất hàng điện tử, điện gia dụng, máy móc, thiết bị,... Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trong giá trị sản xuất và trong GRDP công nghiệp ngày càng tăng qua các năm.
Nhiều ngành công nghiệp đã tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa trong sản xuất, như sản phẩm điện tử, điện lạnh, xi-măng, cơ khí, đóng tàu, luyện cán thép, may mặc, hóa chất, cao-su, nhựa, sản xuất bia,... nhất là trong các dự án FDI. Sản phẩm do công nghệ cao tạo ra có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.
9 tháng 2024, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của Hải Phòng ước tăng 15,14% so với cùng kỳ. Những ngành có tốc độ tăng IIP cao như: sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính (+106,17%); sản xuất xe có động cơ (+56,38%); sản xuất đồ điện dân dụng (+21,87%); đóng tàu và cấu kiện nổi (+27,74%); sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) (+28,42%); sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện (+26,12%); sản xuất linh kiện điện tử (+14,50%); … Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26.351,9 triệu USD, tăng 26,77% so với cùng kỳ, đạt 79,8% kế hoạch năm (9 tháng/2023 đạt 20.786,7 triệu USD).
Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền
Kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp dần hoàn thiện đồng bộ, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 14 KCN và 6 cụm công nghiệp đang hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy của các khu, cụm công nghiệp khá cao, một số khu, cụm công nghiệp đã cơ bản đạt 100% tỷ lệ lấp đầy, như KCN Nomura, KCN Tràng Duệ (1 + 2), KCN Đình Vũ (1 + 2), KCN Đồ Sơn; cụm công nghiệp Vĩnh Niệm, cụm công nghiệp Tân Liên, cụm công nghiệp An Lão.
Trong thời gian qua, hệ thống giao thông kết nối bên ngoài các KCN, cụm công nghiệp đã được quan tâm đầu tư, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, tạo ra hệ thống công trình kết cấu hạ tầng có giá trị lâu dài, đóng góp vào sự phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics và các hoạt động xúc tiến thương mại.
Tổ hợp KCN DEEP C Hải Phòng nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải
Theo đà phát triển, Hải Phòng sẽ đầu tư, mở rộng KKT Đình Vũ - Cát Hải, triển khai xây dựng thêm 15 KCN mới (tổng diện tích 6.200 ha) và thành lập KKT phía Nam thành phố (20.000 ha, thuộc địa bàn Đồ Sơn, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão) nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và khu vực sân bay Tiên Lãng, kết nối với các KKT Thái Bình, Quảng Yên, Vân Đồn. Từ đây, Hải Phòng và các địa phương sẽ tạo thành chuỗi KKT ven biển, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hải Phòng cùng các sở, ban, ngành luôn nỗ lực, sát cánh cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tạo mọi điều kiện thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn, số hóa cụ thể. Đặc biệt, thành phố tổ chức nhiều hội nghị, tháo gỡ, gặp gỡ các doanh nghiệp FDI, hội nghị hỗ trợ các cơ quan thuế và doanh nghiệp được tổ chức, qua đó các doanh nghiệp, doanh nhân được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng để thành phố, các cơ quan liên quan giải đáp, kịp thời tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp vượt khó. Tất cả sự thay đổi, dám nghĩ, dám làm sẽ tạo nên sức bật cho Hải Phòng, hướng đến trở thành một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp hàng đầu cả nước và khu vực.
PV