Khánh Hòa: Khát vọng đổi mới, trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước

Đăng ngày: 04/10/2024 , 11:10 GMT+7

Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Khánh Hòa được định hướng đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển. Trước khát vọng này, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển với kinh tế biển là nền tảng, đồng thời ra sức tăng cường hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa 2023

Tiềm năng phát triển kinh tế biển vượt trội 

Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ nước ta, Khánh Hòa sở hữu những ưu thế vượt trội về địa thế: tựa vào thế núi Trường Sơn hùng vĩ ở phía Tây, hướng ra biển ở phía Đông, là cửa ngõ giúp cho Tây Nguyên vươn ra biển lớn kết nối với thế giới. Khánh Hòa tiếp cận trực tiếp với biển khơi và đại dương, nằm gần tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, có cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế Vân Phong, cảng Cam Ranh mang lại lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế biển rất lớn. Ngoài ra, Khánh Hòa còn sở hữu hệ thống 200 hòn đảo lớn, nhỏ và các vịnh ven bờ nổi tiếng: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, cùng vị thế địa chiến lược đặc biệt của huyện đảo Trường Sa. Vùng biển, đảo và vùng ven biển Khánh Hòa có hệ sinh thái biển đa dạng, giàu tiềm năng. 

UBND tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển của địa phương. Khánh Hòa tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn như đánh bắt, nuôi trồng, chế biến sâu các loại thủy, hải sản. Chỉ trong tháng 5/2024, sản lượng thủy sản khai thác biển được 10.575 tấn, tăng 1,75% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.825,4 tấn, tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước. Với chính sách khai thác theo hướng bền vững, các trung tâm nghề cá lớn được đầu tư xây dựng đã góp phần thúc đẩy đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm nghề cá lớn của cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ, khát vọng trở thành tỉnh đi đầu trong cả nước về kinh tế công nghiệp tàu biển, đánh bắt xa bờ trong tương lai. 

Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng tập trung phát triển ngành du lịch biển, đặc biệt là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại các vịnh như Nha Trang, Cam Ranh,... Tỉnh đã thu hút hàng trăm dự án xây dựng những tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng, quần thể vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2023, du lịch phục hồi sau đại dịch rất mạnh mẽ, tỉnh Khánh Hòa đã đón 7 triệu lượt khách lưu trú, tăng 170,5% so với năm 2022, doanh thu du lịch toàn tỉnh đạt trên 31.800 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư, khu kinh tế Nam Vân Phong hiện đang là một trong những điểm đến đầu tư lớn của tỉnh, với các dự án công nghiệp có quy mô lớn như: Nhà máy đóng tàu Hyundai - Việt Nam, Tổng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong,…

Hướng tới phát triển kinh tế biển xanh 

Trước những lợi thế thiên nhiên ban tặng, khai thác tiềm năng tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững luôn được tỉnh Khánh Hòa đặt vào vị trí ưu tiên xuyên suốt, mang tầm chiến lược. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang và nhiều dự án bảo tồn như: Khu Bảo tồn Hòn Mun ở Vịnh Nha Trang, Dự án mô hình Rạn Trào và nhân rộng ở cấp cộng đồng; triển khai công tác quản lý khu bảo tồn biển đảo Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa gắn với hoạt động quốc phòng - an ninh. Những dự án này được kỳ vọng sẽ giúp quản lý tốt hệ sinh thái, rạn san hô ven bờ, qua đó phục hồi lại nguồn lợi thủy sản, tạo điều kiện cải thiện đời sống người dân. Ngoài ra, địa phương cũng đang nghiên cứu tiến hành “Quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ”, bao gồm kiểm soát chất thải, trong đó có rác thải nhựa. 

Bên cạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, tỉnh Khánh Hòa cũng chú trọng các nhóm giải pháp tạo sinh kế bền vững cho người dân. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các ngành kinh tế thân thiện với môi trường như năng lượng biển tái tạo, dược liệu biển, nghề cá giải trí, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái cấp cộng đồng. Qua đó, các cộng đồng dân cư không chỉ được trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo tồn mà còn được sử dụng các giá trị có được từ bảo tồn để cải thiện sinh kế bền vững.

Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng trên các lĩnh vực 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở bám sát đặc điểm, điều kiện cụ thể của tỉnh. Kế hoạch số 1731/KH-UBND ngày 09/11/2023 thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do UBND tỉnh ban hành đã đề ra các mục tiêu: cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực thi hiệu quả các FTA; Hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, an ninh quốc phòng…

Khu kinh tế Vân Phong là điểm đến của nhiều doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới

Công tác xúc tiến đầu tư mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận được nhiều kết quả tốt. Tỉnh đã tiếp và làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội, tham gia đầu tư một số dự án lớn đang được xúc tiến tại tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Khánh Hòa đã tổ chức các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư quốc tế như: Hội nghị công bố Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045; Hội nghị gặp gỡ Indonesia; lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tiếp và làm việc với đoàn lãnh đạo tỉnh Hiroshima (Nhật Bản); tổ chức Đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ… Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đã thu hút được 111 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,825 tỷ USD. Trong đó có 6 dự án FDI Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,652 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng vốn FDI.

Trong thời gian tới, Khánh Hòa sẽ tiếp tục nỗ lực chuẩn bị đầy đủ, hoàn thiện về cơ sở pháp lý và nguồn nhân lực để thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế biển và du lịch bền vững. UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế của tỉnh đã tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nhằm đảm bảo phù hợp với chủ trương, cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh… Qua đó, tiến tới đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp quốc tế đầu tư các dự án tại tỉnh nhà. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết cho các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh. Ngày 16/5/2024 vừa qua, gần 100 học viên là cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đối ngoại của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham dự Hội nghị phổ biến, quán triệt và bồi dưỡng công tác hội nhập quốc tế, ngoại giao kinh tế do Sở Ngoại vụ Khánh Hòa tổ chức. 

Với sự quyết tâm mạnh mẽ, sự chỉ đạo của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân, Khánh Hòa đã sẵn sàng đón nhận những thách thức và cơ hội mới, hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu ở châu Á vào năm 2050. 

Kim Hồng

(Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại - Số 9/2024)

Đăng ngày: 04/10/2024 , 11:10 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác