Phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP.
Các chỉ tiêu về xã hội: Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 67 năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28 - 30%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó có 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Các chỉ tiêu về môi trường: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100% và nông thôn là 93 - 95%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.
Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Kế hoạch xác định tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH. Quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm bốn tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo; ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả công nghệ; khẩn trương triển khai chiến lược vắc-xin toàn diện, hiệu quả, tổ chức chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho nhân dân, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc vướng mắc, nhất là về quy hoạch, đầu tư, kinh doanh, đất đai, tài chính, ngân sách, tài sản công, thuế.... Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật phát triển hạ tầng số tiến tới chuyển đổi số quốc gia. Xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao; mô hình kinh tế chia sẻ; giao dịch, quản lý các tài sản kỹ thuật số; đầu tư mạo hiểm; các phương thức thanh toán mới; hệ thống xác thực và định danh điện tử. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu theo cam kết quốc tế. Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hoà giữa các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu. Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống gian lận thương mại. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; phát triển thương mại điện tử hài hòa với thương mại truyền thống.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động; tập trung phát triển sản phẩm quốc gia. Hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, bảo đảm chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc. Phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng; ưu tiên công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh; chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Nâng cao năng lực thiết kế, thi công xây lắp, quản lý xây dựng theo hướng tiên tiến, hiện đại; phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn và nông nghiệp hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, ưu tiên những ngành có lợi thế, hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng kiên quyết khắc phục tình trạng dàn trải, manh mún, kéo dài; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, kết nối vùng và liên vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa, gia tăng động lực tăng trưởng. Đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước bảo đảm tiến độ, hiệu quả. Quyết liệt và hiệu quả hơn nữa trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán.
Tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng, các đô thị lớn, các ngành mũi nhọn, các công trình trọng điểm quốc gia. Phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư còn tồn đọng, kéo dài của mọi thành phần kinh tế để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, tạo nguồn lực cho phát triển. Thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo hướng ưu tiên các dự án có công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, giá trị gia tăng cao, có mô hình quản trị hiện đại, có chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng lan tỏa phát triển và kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước. Tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn, quan trọng để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia.
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đối với một số tuyến đường ven biển cấp thiết từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, Chính phủ rà soát, tính toán kỹ việc bố trí vốn đầu tư, có giải pháp phù hợp để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư. Tiếp tục xây dựng các cảng biển quan trọng theo quy hoạch; sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị vào hoạt động; trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao; tăng cường kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực; đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết giữa vùng trung du và miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội; đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Nâng cấp và hiện đại hoá kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Quan tâm đầu tư thúc đẩy phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước; phấn đấu tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam. Triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, ưu tiên nguồn lực để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh công nghệ mới thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị theo hướng nâng cao chất lượng quy hoạch và tích hợp, đa ngành, phát huy vai trò động lực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới. Đa dạng hóa, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển đô thị và kinh tế đô thị, đổi mới tài chính đô thị. Phấn đấu có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; thực hiện cải cách tiền lương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo. Phát triển KT-XH gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
PV.
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại – Tháng 8/2021