Thái Lan triển khai biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đăng ngày: 02/08/2021 , 17:17 GMT+7

Cục Khuyến công – Bộ Công nghiệp đánh giá làn sóng mới của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế và công nghiệp Thái Lan trên diện rộng.

 

 Nguy cơ suy thoái kinh tế kép

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lây nhiễm cao, căng thẳng chính trị gia tăng và hy vọng về sự hồi sinh của ngành du lịch ngày càng giảm, các nhà kinh tế tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm của Thái Lan chỉ còn 1,8%, theo đó nước này sẽ là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á trong năm nay.

Đây là kết quả khảo sát từ 36 chuyên gia kinh tế được Bloomberg thực hiện. Chỉ số tăng trưởng trên là cực kỳ thấp vì năm ngoái, nền kinh tế Thái Lan đã giảm 6,1%, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ.

Bangkok và 12 tỉnh khác, chiếm tỷ trọng hơn một nửa nền kinh tế Thái Lan, đã bị phong tỏa một phần kể từ trung tuần tháng 7 do số ca nhiễm mới ngày càng tăng cao. Theo dự báo mới của Bộ Tài chính Thái Lan, GDP sẽ dao động trong khoảng 0,8% -1,8%, với giả định rằng Thái Lan sẽ đón 300.000 khách du lịch trong năm nay, giảm 96% so với năm 2020 và dự kiến việc phong tỏa một phần chỉ kéo dài một tháng với sự bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 8/2021. Đợt bùng phát dịch Covid-19 ngày càng trầm trọng ở Thái Lan sẽ đẩy nền kinh tế vào cuộc suy thoái kép trong quý 3/2021.

Các biện pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ và bán lẻ của Thái Lan là đối tượng được nhận hỗ trợ

Đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện tổng mức hỗ trợ 3,1 nghìn tỷ bạt đem lại hiệu quả chưa nhiều, bởi cơ cấu nền kinh tế Thái Lan gồm hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ và bán lẻ. Vì vậy, 05 biện pháp hỗ trợ mới được đưa ra bao gồm:

(i) Đào tạo kiến ​​thức và trao đổi kinh nghiệm cho các doanh nhân quản lý cơ sở để giúp các doanh nghiệp được an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19;

(ii) Tập trung mở rộng thị trường bằng nhiều hình thức, trong đó tăng cường quảng bá theo hình thức trực tuyến;

(iii) Biến chi phí thành vốn bằng cách đưa công nghệ và đổi mới sáng tạo để điều chỉnh chi phí hoạt động kinh doanh.

(iv) Xây dựng mạng lưới liên kết thông qua các dự án quan trọng như dự án liên kết mạng lưới nông dân và nhà chế biến, dự án liên kết công nghệ để hình thành sản phẩm mới, dự án liên kết máy chế biến (i-Aid).…

(v) Điều chỉnh để mô hình kinh doanh theo kịp tình hình kinh tế; phát triển các nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh công nghiệp và nâng cao kỹ năng tài chính cho các doanh nghiệp SME, bao gồm cả việc hỗ trợ chuẩn bị các kế hoạch quản lý rủi ro kinh doanh và tạo ra các phương thức kinh doanh phù hợp.

PV.

Đăng ngày: 02/08/2021 , 17:17 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác