Tham dự tại Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và hơn 100 đại biểu đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan quản lý tại địa phương, các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp dịch vụ logistics và xuất nhập khẩu, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trao đổi bên lề Diễn đàn
Logistics là những “mạch máu” của nền kinh tế
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ logistics phát triển; ban hành nhiều nghị định, quyết định, chỉ thị, kế hoạch và văn bản chỉ đạo nhằm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành logistics phát triển, hạn chế tối đa sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh chịu sự tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ; sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 14-16%, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2021 duy trì mức tăng trưởng hai con số, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới sụt giảm do tác động của dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 là Diễn đàn lần thứ 9 được tổ chức, có tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Qua 8 lần tổ chức, Diễn đàn đã trở thành một thương hiệu uy tín và quen thuộc đối với cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, là địa chỉ tập hợp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp dịch vụ logistics, doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu để cùng trao đổi, đối thoại về những vấn đề thời sự của lĩnh vực logistics tại Việt Nam và đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền những giải pháp để hoàn thiện môi trường kinh doanh đối với ngành dịch vụ này.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là chủ thể cho phát triển ngành logistics bền vững
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh
Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn, Uỷ viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, phát triển ngành logistics nói chung và nhân lực ngành logistics nói riêng không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Công Thương mà cần có sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giao một số nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Công Thương và các Bộ, ngành cần lưu ý quan tâm triển khai trong thời gian tới:
Một là, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan sớm cụ thể hóa và tham mưu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistics…
Hai là, Bộ Công Thương cần đẩy nhanh tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam để không bỏ lỡ các cơ hội phát triển, nhất là trong bối cảnh các nước đang phục hồi mạnh mẽ sau khi chuyển sang trạng thái bình thường mới hiện nay.
Ba là, cần tận dụng và khác thác có hiệu quả quá trình chuyển đổi số để phát triển ngành logistics trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Bốn là, cần đặc biệt chú trọng và phát huy tối đa nguồn lực con người với vai trò là trung tâm, chủ thể cho phát triển ngành logistics bền vững. Bộ Công Thương và các Bộ, ngành cần bám sát Văn kiện Đại hội XIII và các nghị quyết, kết luận của Đảng để xây dựng chiến lược, chương trình và các đề án phát triển nhân lực logistics, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Năm là, cần chú trọng thúc đẩy liên kết và mở rộng hợp tác quốc tế có hiệu quả trong phát triển dịch vụ logictic và đào tạo nhân lực logistic.
Tại Diễn đàn, bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ những khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến giá cước vận chuyển logistic tăng cao trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng gia tăng việc thanh toán trên nền tảng số. Bà Carolyn Turk cho biết, việc Việt Nam hội nhập thị trường toàn cầu và khu vực, tham gia các hiệp định thương mại tự do đã tăng thêm động lực để xây dựng và phát triển ngành logistics. Bên cạnh đó, dòng chảy thương mại cao cũng sẽ làm tăng nhu cầu và giúp dịch vụ logistics cạnh tranh tích cực hơn.
Tham luận tại Diễn đàn về Phát triển nhân lực logistics - yếu tố then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam Nguyễn Thanh Chương cho biết, về lâu dài, nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế.
Chia sẻ thêm về vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong logictics, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, với sự tích cực phối hợp, triển khai của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong thời gian qua. Theo đó, các công tác đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế trong hoạt động logistics được đẩy mạnh và tạo được nhiều hiệu quả tích cực. Cơ chế đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước về logistics với doanh nghiệp cũng như công tác thông tin tuyên truyền nhằm phát triển dịch vụ logistics được tăng cường.
5 nhiệm vụ để ngành logistics phát triển nhanh và bền vững
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận xét, nhìn chung, các tham luận và ý kiến phát biểu tại Diễn đàn đều thống nhất nhận định: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và quá trình dịch chuyển, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, ngành logistics Việt Nam được đánh giá là ngành kinh tế tiềm năng, có vai trò quan trọng, mang tính nền tảng trong nền kinh tế quốc dân và đang đứng trước những cơ hội lớn để bứt phá vươn lên, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại quốc tế phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2021
Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ; sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, duy trì mức tăng trưởng 2 con số, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nâng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 vượt mốc 660 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến phát biểu cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém nổi lên của ngành logistics Việt Nam, đặc biệt là trong năm 2021 dưới tác động của đại dịch Covid-19. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, có cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là: Các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động dịch vụ logistics chưa đầy đủ, đồng bộ; Cơ sở hạ tầng phục vụ logistics tuy đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp nhưng còn thiếu tính kết nối và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; Hầu hết các doanh nghiệp logistics có quy mô nhỏ cả về lao động, tài chính, kinh nghiệm hoạt động, chưa vươn ra được thị trường logistics quốc tế; Việc chuyển đổi số trong các khâu của logistics còn hạn chế; Việc đào tạo chuyên sâu về logistics tại các cơ sở đào tạo chưa được quan tâm đúng mức...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để ngành dịch vụ logistics Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp với xu thế của quốc tế, trên tinh thần quán triệt nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Diễn đàn đã thảo luận và thống nhất tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng về kinh tế đối ngoại để hoàn thiện các cơ chế chính sách và quy định pháp luật về logistics…
Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng Công nghệ lần thứ Tư trong lĩnh vực logistics nhằm thúc đẩy tự động hóa tối đa các quy trình hoạt động, giúp hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu suất và cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng trong điều kiện nhân lực hạn chế và thị trường có nhiều biến động.
Thứ ba, triển khai các giải pháp nhằm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi; kết nối các phương thức vận tải; xúc tiến thành lập các khu thương mại tự do, tạo điều kiện cho các địa phương có lợi thế phát triển thành các trung tâm dịch vụ logistics lớn …
Thứ tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, nhất là nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc gia, khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ năm, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về giảm chi phí, nâng cao hiệu quả logistics đã được đề ra tại các Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics theo hướng giảm thiểu thủ tục kiểm tra tại khâu nhập khẩu, tăng cường hậu kiểm và minh bạch trong vấn đề thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành logistics Việt Nam phát triển.
“Sau Diễn đàn này, với trách nhiệm là Cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics trong nước và quốc tế để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics tiếp tục đổi mới và phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân
Trong khuôn khổ Diễn đàn logistics Việt Nam 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trao tặng Bằng khen cho 14 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021.