Thái Nguyên: Phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Đăng ngày: 09/11/2024 , 16:23 GMT+7

Với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, chủ động phòng, chống thiên tai, bão lũ, kịp thời triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng đầu năm 2024 duy trì ổn định; GRDP đạt mức 5,56%; nông – lâm – thủy sản giảm 0,49%; công nghiệp – xây dựng tăng 5,41%; dịch vụ tăng 7,89%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,75%.

Duy trì tốc độ tăng trưởng
 Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đạt được mức tăng trưởng ấn tượng, xếp thứ hai ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và thứ sáu trong khu vực Vùng Thủ đô, sau Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Vĩnh Phúc.
Thái Nguyên cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong việc xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ then chốt, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là địa phương được xem là trung tâm công nghiệp và kinh tế hiện đại của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. 
Năm 2024, trước bối cảnh thiên tai, bão lũ, tình hình kinh tế thế giới, trong nước và địa phương có nhiều diễn biến phức tạp, tuy nhiên với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của các cấp lãnh đạo, sự chia sẻ, cố gắng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của Thái Nguyên duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.
Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng 7% so với cùng kỳ và đạt 67,4% kế hoạch. Giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 8,35% so với cùng kỳ và đạt 74,7% kế hoạch. Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2024 tăng 11,2% so với cùng kỳ, đạt 78,1% so với dự toán Chính phủ giao; đạt 64,5% so với dự toán HĐND tỉnh giao.

Khu Công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên

Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Thái Nguyên đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 43 dự án trong và ngoài ngân sách với số vốn 21,82 nghìn tỷ đồng; cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 37 lượt dự án FDI với số vốn 590,35 triệu USD. 
Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đến hết tháng 9/2024, kết quả giải ngân đạt 54,1% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 32,7% kế hoạch vốn địa phương giao.
Lĩnh vực sản xuất  nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 118/126 xã đạt chuẩn NTM (đạt 93,65%), 28 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 08 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; Thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thành phố Phổ Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; các huyện Phú Bình, Đại Từ, Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới.
9 tháng năm 2024 toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ nhà ở cho 280 hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua Đề án xóa nhà dột nát của tỉnh, nguồn xã hội hóa và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác đối ngoại được tăng cường, an ninh quốc phòng tiếp tục được giữ vững.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5% trong năm 2024
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5% trong năm 2024, tỉnh Thái Nguyên bám sát quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Khẩn trương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung hoàn thiện các dự án xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm, mang tính liên vùng, khu vực.

Đoạn đường qua huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cơ bản hoàn thành. Đoạn đường thuộc Dự án tuyến đường liên kết vùng có tổng chiều dài 42,55km. Điểm đầu tuyến là cầu Hòa Sơn (tỉnh Bắc Giang), kết nối với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên tại nút giao Yên Bình (TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) và kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc tại đèo Nhe, xã Thành Công, TP Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên). 

Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, xúc tiến phát triển du lịch. Thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế trọng yếu, còn dư địa phát triển lớn; đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI), nâng cao hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương.
Cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và tăng cường ứng dụng công nghệ số. Phát triển nhà ở xã hội theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các chủ trương lớn của Chính phủ về bảo đảm an sinh xã hội.
Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực cho các lĩnh vực tiềm năng của Tỉnh. Chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững hài hòa theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn...
Với những kết quả Thái Nguyên đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội cùng tinh thần quyết tâm phấn đấu nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp để Thái Nguyên đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 đã đề ra./.

                                                                                                                                                                                                      Tuấn Thành

Đăng ngày: 09/11/2024 , 16:23 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác