Hoạt động của máy soi container di động. Nguồn: TCHQ
Tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại
Bên cạnh việc tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ chế chính sách, trong năm 2022, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính. Ban hành kế hoạch công tác CCHC, kiểm soát TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia lĩnh vực hải quan năm 2022 và theo dõi quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm việc triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ đề ra. Tăng cường công tác tuyên truyền về CCHC, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ số CCHC và nghiên cứu sửa đổi các tiêu chí, chỉ số chấm điểm CCHC ban hành kèm theo Quyết định số 1500/QĐ-TCHQ ngày 24/5/2019 về ban hành Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả CCHC của Tổng cục Hải quan.
Tập trung tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, tạo nền tảng cho xây dựng hải quan số, hải quan thông minh; Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động cải cách, hiện đại hóa trọng tâm ngành Hải quan sau khi Kế hoạch cải cách phát triển hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2021-2025 được Bộ Tài chính ban hành với các nội dung về chuyển đổi số toàn diện trong các lĩnh vực Hải quan, cụ thể một số nội dung cơ bản: (i) Hoàn thiện hệ thống thể chế đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai Hải quan số và ứng dụng công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4; (ii) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy trình nghiệp vụ hải quan theo hướng đơn giản, số hóa và tự động hóa tối đa các khâu nghiệp vụ; (iii) Thực hiện số hóa dữ liệu nghiệp vụ và quản lý nội ngành phục vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu chung đảm bảo quản lý nghiệp vụ và quản lý nội ngành trên môi trường số; (iv) Tái thiết kế hệ thống CNTT theo hướng tập trung thống nhất, tích hợp các hệ thống nghiệp vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 nhằm tự động hóa quản lý hải quan số hiệu quả; (v) Rà soát và hoàn thiện tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung tại Tổng cục, đáp ứng triển khai mô hình hải quan số; (vi) Đẩy mạnh trang bị các thiết bị hiện đại, ứng dụng tối đa công nghệ 4.0 trong hoạt động kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan.
Triển khai Khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành và thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; Tổ chức đánh giá năng lực lãnh đạo cấp Phòng, Chi cục, cấp Đội và tương đương thuộc 08 lĩnh vực nghiệp vụ chính. Tổ chức chuyển giao mô hình đánh giá năng lực công chức 02 cấp; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực đại lý hải quan. Triển khai xây dựng ký kết Văn bản ghi nhớ hợp tác giữa Hải quan với các Doanh nghiệp lớn về dự báo nguồn thu; Văn bản ghi nhớ hợp tác giữa Hải quan với Hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề về phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN
Thực hiện tốt vai trò điều phối trong việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; đôn đốc các Bộ, ngành triển khai nhiệm vụ theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 về Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo 1899. Thời gian hoàn thành triển khai chính thức 35 TTHC theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chậm nhất vào quý I/2022.
Về trao đổi các chứng từ điện tử theo cam kết trong ASEAN và các đối tác ngoài ASEAN, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung của ASEAN. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai kết nối các chứng từ điện tử khác thông qua Cơ chế một cửa ASEAN. Tiếp tục đàm phán và triển khai kết nối với các đối tác ngoài ASEAN. Thời gian thực hiện cụ thể: (i) Chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật với các nước ASEAN (phối hợp với Bộ NN&PTNT) trong năm 2022; (ii) Hoàn thành trao đổi thử nghiệm thông tin tờ khai xuất khẩu qua kênh kết nối an toàn với EAEU: dự kiến quý II/2022; Dự kiến kết nối trao đổi thử nghiệm thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc, chứng thư điện tử với New Zealand trong năm 2022.
Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai: (i) Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống CNTT phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung trên cơ sở thuê tư vấn lập đề án như đã đề cập ở trên, thời hạn trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2022; (ii) Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, thời gian trình Chính phủ ký ban hành Nghị định trong quý II/2022.
Ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Tiếp tục triển khai Quyết định số 97/QĐ-BTC ngày 26/01/2021 của Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số, cụ thể:
Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng Thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số. Dự kiến thời gian thực hiện từ tháng 12/2021 đến tháng 03/2022. Phối hợp với nhà thầu xây dựng Hệ thống CNTT trong thời gian 12 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng.
Tổ chức thực hiện Đề án chuyển đổi số ngành Hải quan theo nội dung quy định tại Quyết định số 1874/QĐ-BTC ngày 27/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thực hiện Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số; Triển khai Kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT của Tổng cục Hải quan giai đoạn 2021-2025 (sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt).
Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Triển khai cung cấp DVCTT đối với các TTHC mới ban hành, sửa đổi bổ sung; Tích hợp DVCTT lên Cổng DVC quốc gia: Hiện tại, lĩnh vực hải quan có 111 DVCTT mức độ 3,4 chưa tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia do có sự khác biệt về kỹ thuật. Trong quá trình triển khai Kế hoạch thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số, Tổng cục Hải quan sẽ lựa chọn các DVCTT có sự phù hợp về kỹ thuật để tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Xây dựng hệ thống CNTT phục vụ triển khai Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục KTCL và KTATTP đối với hàng hóa nhập khẩu với các chức năng hệ thống cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Nghị định khi được Chính phủ phê duyệt ban hành và có hiệu lực. Thời gian hoàn thành theo thời gian hiệu lực của Nghị định (dự kiến tháng 7/2022)
Kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng dịch vụ công quốc gia: Thống nhất giải pháp kỹ thuật với Văn phòng Chính phủ, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng dịch vụ công quốc gia. Dự kiến thực hiện kết nối trong năm 2022. Triển khai xây dựng kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, thúc đẩy công nghiệp logistic và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2022-2026.
Tiếp tục đảm bảo các công tác: quản lý, vận hành hệ thống CNTT tiếp tục hoạt động ổn định, an ninh, an toàn, hỗ trợ kịp thời và đắc lực cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan; công tác đảm bảo hạ tầng; công tác quản lý an ninh, thông tin.
Cải cách toàn diện công tác kiểm tra giám sát hải quan
Tiếp tục triển khai công tác cải cách toàn diện công tác quản lý và KTCN, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia theo nhiệm vụ phân công tại các Nghị quyết của Chính phủ; Tổ chức triển khai Nghị định quy định về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Đẩy mạnh công tác giám sát, quản lý về hải quan trong các lĩnh vực kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa, thực thi bảo vệ quyền sơ hữu trí tuệ: Rà soát đề xuất sửa đổi văn bản QPPL; làm việc với các Bộ ngành có liên quan để giải quyết các nội dung vướng mắc liên quan đến các quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa tiêu thụ nội địa quy định về ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; triển khai cập nhật thông tin về hồ sơ liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên website Hải quan; xây dựng triển khai kế hoạch về chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn không đúng định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp trong tình hình Covid; Rà soát các quy tắc xuất xứ hàng hóa tại các Hiệp định thương mại tự do để ban hành văn bản hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án thử nghiệm kết nối trao đổi về hệ thống quản lý nguyên liệu, vật tư, sản phẩm, máy móc thiết bị của doanh nghiệp gia công, sản xuất, xuất khẩu, chế xuất theo đề nghị của Công ty Intel; nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung, xây dựng các mô hình thể hiện các yêu cầu quản lý hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất của mô hình hải quan hiện đại giai đoạn 2021-2030; Nghiên cứu phương án kết nối, định dạng thông điệp dữ liệu trao đổi hệ thống camera của doanh nghiệp chế xuất với cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan; Tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra đối với các doanh nghiệp có hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu.
Triển khai có hiệu quả công tác giám sát hải quan: về giám sát tự động đường hàng không, đường bộ; Về quản lý hải quan đối với kho, bãi, cảng; Về thủ tục hải quan đối với hoạt động thương mại biên giới; Kịp thời đề xuất và phối hợp thực hiện công tác trang bị, quản lý, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị kiểm tra giám sát hải quan, nâng cao hiệu quả trong công tác soi chiếu.
Chủ động rà soát và phối hợp với các đơn vị, bộ ngành đề xuất các giải pháp cải cách trong công tác kiểm tra chuyên ngành; xử lý, giải đáp những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện của doanh nghiệp, của bộ, ngành và các đơn vị hải quan;
Bám sát tình hình dịch bệnh và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Tài chính để tham mưu và có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động XNK trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Trước mắt thực hiện rà soát văn bản hiện hành và văn bản ban hành ứng phó với tình hình dịch Covid-19 để hệ thống hóa lại đảm bảo tập trung và có đủ cơ sở pháp lý thực hiện.
PV.