Hội chẩn các ca bệnh thông qua nền tảng Telehealth
Đến nay, sau hơn 01 năm triển khai (từ tháng 4/2020), nền tảng khám chữa bệnh từ xa đã có hơn 200 bệnh viện thường xuyên tham gia hội chẩn với gần 600 buổi hội chẩn; hơn 200 buổi đào tạo chuyên môn đã được tổ chức; 35 ca tư vấn phẫu thuật từ xa; hơn 1.600 hồ sơ bệnh án được gửi lên hệ thống.
Các y, bác sĩ tại các bệnh viện đang tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 cho biết, nền tảng hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ.
Tại lễ công bố kết nối "Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth)" tới 100% tuyến huyện và ra mắt trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết về lâu dài, Bộ sẽ áp dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến cho tất cả người dân, đẩy mạnh áp dụng các thành tựu công nghệ về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… vào quản lý và khám chữa bệnh.
Ngay từ khi dịch bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, Viettel đã đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác phòng, chống Covid-19. Trong đó, nền tảng Telehealth đã và đang phát huy hiệu quả khi cho phép hội chẩn từ xa cho các ca bệnh khó, đặc biệt là các ca bệnh Covid-19 đang chuyển biến nặng. Bên cạnh đó, Viettel cũng đã triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia với khả năng đáp ứng 5 triệu mũi/ngày phục vụ yêu cầu tiêm chủng tăng cường, mở rộng của Bộ Y tế.
PV.