Phiên Tọa đàm tại Diễn đàn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh tham dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn. Diễn đàn thu hút sự tham dự trực tiếp của hơn 150 đại biểu và sự theo dõi trực tuyến (trên kênh youtube của VBCSD, link website VCCI và nền tảng Workplace của Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó COVID-19) của gần 1000 đại biểu trong nước và quốc tế.
VCSF 2021 diễn ra trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang lan rộng và tác động nặng nề tới tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam: Sức khỏe, sự an toàn của người dân bị đe dọa; Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị đình trệ, đứt gãy; Biến đổi khí hậu, thiên tai làm suy giảm sinh kế của người dân… Sự phát triển bền vững (PTBV) của Việt Nam trên cả 03 trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường đều đang bị thách thức.
Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được tại 07 kỳ diễn đàn tổ chức thường niên từ năm 2014 đến nay, trải dài trong năm 2021, Ban Tổ chức đã tổ chức chuỗi các hội thảo chuyên đề.
Hội thảo chuyên đề số 01 với Chủ đề “Doanh nghiệp PTBV thực hiện mục tiêu kép” đã mang đến thông điệp “Bền để vững”, trong bối cảnh làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 đang gây ra những hệ quả hết sức nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, vượt lên trên những thách thức, những DN có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược PTBV trong nhiều năm qua đã thể hiện sự chống chịu, khả năng thích ứng và tự tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh, đóng góp tích cực trong việc thực hiện mục tiêu kép.
Hội thảo chuyên đề số 2 về “Kinh tế Tuần hoàn - Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững” cung cấp một góc nhìn mới về sử dụng các nguồn nguyên vật liệu theo chiều hướng hiệu quả, tiết kiệm hơn, đồng thời không ngừng nhắc nhở chúng ta có thể sử dụng nguồn lực hữu hạn về nước, năng lượng, nguyên vật liệu và cả thực phẩm với vòng đời dài hơn, đạt giá trị cao hơn so với phương thức hiện tại. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu PTBV và ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp cận chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần đạt được trực tiếp 8 trong 17 mục tiêu PTBV và sẽ tiếp tục lan tỏa để thúc đẩy đạt được các mục tiêu khác.
Hội thảo chuyên đề số 3 về “Tái thiết nền tảng quản trị DN trong bối cảnh bình thường mới và tương lai số hóa” nhấn mạnh vào 3 trụ cột tăng trưởng bền vững của công ty bao gồm "Chuyển đổi số", "Đổi mới - Định hướng người tiêu dùng" và "Phát triển bền vững". Trong đó, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của chuyển đổi số là tư tưởng lãnh đạo và lộ trình phát triển công nghệ rõ ràng kết hợp với việc nâng cao năng lực của nhân viên để thích ứng với sự chuyển đổi của DN;
Hội thảo chuyên đề số 4 với chủ đề: “Phòng ngừa, giải quyết tranh chấp phát sinh từ các dự án hợp tác công-tư (PPP) trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng theo khuôn khổ các quy định pháp luật mới về PPP tại Việt Nam” hướng dẫn, cung cấp, hỗ trợ các đối tác công – tư những kiến thức pháp lý, công cụ giảm thiểu rủi ro và giải quyết tranh chấp khi có phát sinh trong quá trình thực hiện các các dự án PPP.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu cũng lắng nghe các chia sẻ hữu ích về các nội dung: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021 – 2030: “Hiện thực hóa mục tiêu kép Tăng trưởng nhanh và bền vững trong thập kỷ mới” từ đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; “Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC): từ các cam kết đến hành động đóng góp của DN thông qua các mô hình kinh doanh bền vững” từ đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường; “Định hướng chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số” từ đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông; “Những thông lệ quốc tế, nguyên tắc hoạt động, cơ chế phối hợp trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững toàn cầu” do Chủ tịch Liên minh Tăng trưởng Bền vững Hà Lan – Nguyên Thủ tướng Hà Lan chia sẻ...
Phần tọa đàm với chủ đề “Xây dựng một thập kỷ bền vững tốt đẹp hơn thông qua kinh doanh bền vững” có sự tham dự của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), VBCSD, Công ty Nestlé, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO). Các diễn giả đã cùng nhau thảo luận về các chính sách và kế hoạch tăng cường vai trò và sự tham gia của DN trong các hoạt động PTBV, các thông lệ tốt từ các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo, cũng như đưa ra các kiến nghị chính sách để thúc đẩy PTBV DN, chung sống an toàn với dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu...
CSI 2021, Chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam được VCCI phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức thường niên từ năm 2016 theo sự chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 398/TB-VPCP ngày 15/12/2015, Chương trình CSI đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ và sức lan tỏa trong cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam.
Bước sang năm thứ 6 triển khai, dù gặp nhiều thách thức từ đại dịch COVID-19, CSI 2021 vẫn ghi nhận số lượng hồ sơ tham gia đông đảo của DN từ các lĩnh vực khác nhau, không phân biệt quy mô và thành phần kinh tế. Từ hơn 600 DN lọt qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 100 DN tiêu biểu nhất, đi đầu trong thực hiện PTBV.
Bộ chỉ số CSI do VBCSD - VCCI xây dựng từ năm 2014 đang ngày càng chứng minh được tính hữu dụng, thuận tiện, phù hợp với quản trị DN PTBV. Bộ chỉ số CSI 2021 với 119 chỉ số bao gồm các chỉ số đo đếm về hiệu quả kinh doanh, các chỉ số về quy trình quản trị, các chỉ số về bảo vệ môi trường và các chỉ số về xã hội được DN coi như một bộ công cụ hướng dẫn, đo đếm kết quả hoạt động kinh doanh và tuân thủ pháp luật nhằm tạo điều kiện cho DN quản trị các rủi ro, tăng cường khả năng chống chịu cũng như tuân thủ các thông lệ quốc tế trong thực tiễn kinh doanh.
Thông qua việc cung cấp thông tin theo Bộ Chỉ số CSI, DN có thể hệ thống các thông tin về quản trị DN bao gồm quy trình, cách thức tổ chức quản lý, sản xuất, hiệu quả hoạt động, các quy định và văn bản pháp luật cần tuân thủ, từ đó có thể cải thiện và phát huy chiến lược PTBV.
Kết quả công bố các DN bền vững Việt Nam lần thứ 6 năm 2021 với tỷ lệ DN Việt Nam và DN nước ngoài đạt danh hiệu top 10 PTBV lần lượt là 55% và 45% ; trong top 100 thì tỷ lệ này lần lượt là 63% và 27%. Điều này thể hiện sự sẵn sàng, xu thế chuyển đổi và khả năng đáp ứng kinh doanh theo hướng bền vững của DN Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và tiến bộ.
Trong khuôn khổ CSI 2021, Ban Tổ chức cũng phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF); Mạng lưới DN Việt Nam hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE) tổ chức đánh giá và tôn vinh các DN tiêu biểu trong các công tác Bình đẳng giới và thúc đẩy Quyền trẻ em tại nơi làm việc.
Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn và khích lệ các doanh nghiệp bền vững tiêu biểu năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của VCCI – VBCSD, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bên liên quan đã, đang liên tục duy trì hoạt động thúc đẩy đối thoại về phát triển bền vững, phổ biến áp dụng Bộ Chỉ số CSI góp phần xây dựng cộng đồng DN bền vững tại Việt Nam… Đây là những hoạt động thiết thực, hiệu quả vì mục tiêu PTBV đất nước.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định PTBV đã trở thành xu thế tất yếu và cộng đồng DN đóng vai trò quan trọng việc thực hiện các chiến lược PTBV. Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép tất cả các mục tiêu PTBV trong các chiến lược, kế hoạch hành động…
Đối mặt với đại dịch COVID-19 đã cho thấy những DN theo đuổi chiến lược, áp dụng mô hình kinh doanh bền vững đã thể hiện sự chống chịu, ứng phó với khủng hoảng tốt hơn. Và trong thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những đóng góp rất lớn về tài lực, vật lực và cả tinh thần vào công cuộc phòng chống dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế Việt Nam.
PV.