Ngành công nghiệp khí và thị trường khí đã và đang khẳng định là một thành phần quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Trong giai đoạn 2010-2020, năng lượng khí của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,7% xét trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, chiếm tỷ trọng 2,3%. Tuy nhiên, xét về cơ cấu năng lượng sơ cấp của Việt Nam, tỷ trọng của năng lượng khí đối với tổng nguồn năng lượng sơ cấp đang có xu hướng giảm, từ 16,1% trong năm 2010 xuống 8,2% trong năm 2020.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh, triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 28/12/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2233/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là: “Xây dựng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng (than, khí và điện lực) cạnh tranh lành mạnh, theo từng giai đoạn và có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia góp phần đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường hội nhập quốc tế”. Đặc biệt, đối với thị trường khí, mục tiêu được chỉ ra, cụ thể: “Từng bước xây dựng khung pháp lý làm cơ sở để triển khai mô hình kinh doanh cạnh tranh đối với hoạt động kinh doanh khí CNG, LPG và LNG”.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Bộ Công Thương và các Bộ/ngành có liên quan cần tập trung rà soát, nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ để sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo lập môi trường kinh doanh khí cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả ở tất cả các khâu từ thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn khí.
Diễn đàn tập trung thảo luận các vấn đề cụ thể như sau:
Thứ nhất, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, minh bạch của thị trường khí gồm: nguồn cung cấp khí, sự phát triển của cơ sở hạ tầng khí, cấu trúc kinh doanh thương mại, lượng thương nhân tham gia và mức độ gia nhập thị trường trong từng khâu kinh doanh khí,…
Thứ hai, vấn đề chuyển đổi các mô hình kinh doanh khí trước sự tác động của sự chuyển dịch năng lượng, khoa học công nghệ, yếu tố biến động địa chính trị,...; các giải pháp thúc đẩy công tác đầu tư các dự án đầu tư khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng khí, nhập khẩu khí, điện khí, tái hóa khí LNG đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước.
Thứ ba, những vướng mắc, khó khăn trong việc thực thi các quy định về kinh doanh khí hiện nay, cụ thể là Nghị định số 87/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí và các văn bản pháp lý khác có liên quan nhằm đưa ra những đề xuất, kiến nghị để trình Chính phủ ban hành Nghị định về kinh doanh khí, đáp ứng yêu cầu phát triển,đảm bảo thúc đẩy tính cạnh tranh và hiệu quả của thị trường khí trong thời gian tới.
Nguyễn Hằng