Ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam: Kỳ vọng vào sự phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia

Đăng ngày: 08/03/2022 , 19:51 GMT+7

Ngày 07/3/2022, tại Hà Nội, Hội thảo “Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo” được tổ chức nhằm ghi nhận những chia sẻ kinh nghiệm chính sách cho Chính phủ, các Bộ, ngành của Việt Nam trong nỗ lực phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động thường niên nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Xúc tiến Thương mại và Trung tâm AJC (Nhật Bản).

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chương trình hội nghị năm nay được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với 3 điểm cầu chính là Việt Nam, Nhật Bản và Indonesia.

Tham dự hội nghị có sự tham dự của nhiều vị khách quý, ông Lê Hoàng Tài, Cục phó Cục xúc tiến (Bộ Công Thương); TS. Kunihiko Hirabayashi, Tổng thư ký AJC (Nhật Bản); TS. Trương Chí Bình – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI); ông Nguyễn Trung Hiếu Trưởng ban kế hoạch kinh doanh và đối ngoại, Công ty Toyota Motor Việt Nam; ông Harsono M. M, Phòng quan hệ đối ngoại Hiệp hội phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp chế tạo ô tô Indonesia (IAIPD) cùng các đại biểu đến từ các đơn vị, bộ ngành liên quan, lãnh đạo của 40 Sở ngành, địa phương trên cả nước và các doanh nghiệp chế biến chế tạo và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Tại Hội thảo các chuyên gia đã tổng kết về hiện trạng liên kết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay với các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo và những bài học thành công cũng như phần nào đưa ra được các giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao giải pháp phát triển ngành chế biến chế tạo của Việt Nam.

Khai mạc Hội thảo, ông Lê Hoàng Tài, Cục phó Cục xúc tiến (Bộ Công Thương) đánh giá về sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam. Trên trường quốc tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực với mức tăng trưởng kinh tế sơ bộ bình quân giai đoạn 2011 – 2020 là 5,95%. Những thành tựu này là kết quả của quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đã tạo ra nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như là xương sống của nền kinh tế, mang lại động lực và dẫn dắt sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Ngành công nghiệp chế tạo đã tạo sức hấp dẫn và thu hút lượng lớn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn FDI đầu tư vào ngành luôn tăng trưởng với mức cao. Số lượng dự án và vốn đăng ký giai đoạn 2011 -2020 trong các ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất thép, xi măng, dệt may, da giầy… với sự xuất hiện của nhiều công ty đa quốc gia hàng đầu của thế giới như Tập đoàn Sam Sung, Toyota, Honda, LG… Tính riêng trong năm 2020, mặc dù số lượng các dự án đầu tư vào Việt Nam có giảm do dịch bệnh COVID-19 nhưng ngành chế biến chế tạo vẫn thu hút khoảng 828 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt gần 14,8 tỷ USD, chiếm 31,7% về số dự án đầu tư và 47,6% về vốn vào các ngành y tế. Nhờ thu hút được lượng lớn các vốn FDI, ngành chế biến chế tạo đã góp phần vào nâng cao trình độ sản xuất, xây dựng mô hình tiên tiến, phương thức kinh doanh hiện đại, khai thác tiềm năng và huy động các nguồn lực tốt hơn cho quá trình sản xuất trong nước.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 68/QĐ-TTg trong giai đoạn 2018 – 2021, Việt Nam đã thực hiện 161 dự án nhằm kết nối các doanh nghiệp trở thành các nhà cung ứng sản phẩm cho các khách hàng ở trong và ngoài nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu. Hỗ trợ nghiên cứu phát triển ứng dụng chuyển giao, đổi mới sản xuất thử nghiệm, linh liện, phụ tùng, nguyên vật liệu.

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác, hỗ trợ của Trung tâm AJC (Nhật Bản), năm 2021, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm AJC, Viện nghiên cứu chính sách Công Thương, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam thực hiện báo cáo nghiên cứu về hiện trạng liên kết các doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo.

TS. Trương Chí Bình – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) trình bày báo cáo tại Hội thảo

Báo cáo nghiên cứu đã tập trung nêu rõ về vấn đề hiện trạng liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, chia sẻ các bài học thành công cũng như nêu ra một số giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển hơn nữa ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam. Theo bà Trương Chí Bình, liên kết trong công nghiệp chế tạo không phải là chủ đề mới, phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam những năm qua đã có rất nhiều chương trình nghiên cứu, trao đổi về nội dung này. Báo cáo đi sâu vào các liên kết trong sản xuất hướng đến sản phẩm cuối cùng.

Về nhu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp được đề cập đến 3 vấn đề chính: Thứ nhất, giảm chi phí sản xuất, cụ thể như; tiếp cận tín dụng tốt hơn, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ bổ sung công đoạn thiếu; quản trị tinh gọn, mặt bằng sản xuất phù hợp và lao động. Thứ hai, nhu cầu hỗ trợ nhằm tăng năng lực sản xuất như hỗ trợ về tiêu chuẩn quốc tế, quy trình quản lý; năng lực thương mại và kết nối; cụm doanh nghiệp/hệ sinh thái để sản xuất cụm linh kiện hoàn chỉnh; tăng quy mô hoạt động của doanh nghiệp với sự đầu tư mới. Thứ ba, tăng cơ hội kết nối về thông tin, thị trường mới. Hiện nay do dịch bệnh COVID-19, cơ hội chuyển dịch đầu tư/mua hàng từ Trung Quốc…

Về khuyến nghị chính sách, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị về nâng cao năng lực của MSME để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua nâng cao chất lượng và giảm chi phí, cải thiện số lượng MSMEs sản xuất. Đồng thời thúc đẩy TNCs/FDIs để tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam mới nhằm thúc đẩy FDI /TNCs liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam. Khuyến nghị về đẩy mạnh các hoạt động liên kết nhằm thực hiện liên kết thành công và hiệu quả, tăng tỷ lệ nội địa hoá cùng với đó là các chính sách vĩ mô đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo dung lượng thị trường, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng và xây dựng chiến lược phát triển bền vững MSMEs và Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Harsono M. M, Phòng Quan hệ đối ngoại – Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp chế tạo ô tô Indonesia (IAIPD) chia sẻ những kinh nghiệm từ Indonesia về chuối cung ứng Indonesia phát triển nhà cung cấp với chủ đề tăngcường năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô hướng tới cạnh tranh toàn cầu.

Đại diện cho Côngty Toyota Motor Việt Nam, ông Nguyễn Trung Hiếu Trưởng ban kế hoạch kinh doanh và đối ngoại, chia sẻ về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, những nỗ lực của Toyota Việt Nam hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam trong thời gian tới.

Các chuyên gia đã có nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển vững mạnh, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo, tạo ra nền tảng quan trọng thúc đầy ngành công nghiệp chế tạo, thực hiện thành công công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước và khu vực./.

PV.

Đăng ngày: 08/03/2022 , 19:51 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác