Đẩy mạnh liên kết bền vững, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc

Đăng ngày: 06/12/2024 , 22:42 GMT+7
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT),kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 11/2024 đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm lên 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”

Ngành rau quả Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 11/2024 đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm lên 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Các tỉnh phía Bắc, với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, đang dần khẳng định tiềm năng phát triển các loại cây ăn quả chủ lực như vải, nhãn, cam, bưởi, mận, đào...

Tuy nhiên, tại Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc” do Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hòa Bình ngày 6/12, đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản đã chỉ ra rằng mặc dù tiềm năng rất lớn, nhưng các vấn đề về bảo quản, chế biến sau thu hoạch và đặc biệt là sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn là những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục BVTV) cho biết: Việt Nam đã mở cửa được nhiều thị trường xuất khẩu trái cây, trong đó Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, New Zealand, và Hàn Quốc là những thị trường quan trọng. Tuy nhiên, các thị trường này đều có yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật và kiểm dịch, như mã số vùng trồng, quy trình kiểm dịch thực vật, đóng gói, truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như GlobalGAP, SGS, HACCP. Đây là những yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp có thể xuất khẩu thành công.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng trong việc nâng cao chất lượng chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm kho lạnh, hệ thống bảo quản và cơ sở xử lý trước khi xuất khẩu, là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành cây ăn quả.

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải hình thành các mô hình hợp tác bền vững giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ cần phải được thực hiện một cách chặt chẽ và đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên tham gia. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Doveco, đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam chia sẻ thông tin tại diễn đàn

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chia sẻ rằng, mặc dù nhu cầu xuất khẩu rau quả rất lớn, nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chuỗi giá trị và khó khăn trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến đang tạo ra nhiều rào cản lớn. Các doanh nghiệp như Doveco đã và đang hợp tác phát triển chuỗi sản xuất, xuất khẩu với các tỉnh miền Bắc, nhưng vẫn đối mặt với những khó khăn về cơ sở hạ tầng và thiếu vốn.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart khu vực Hà Nội, cho biết hệ thống siêu thị rất chú trọng tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vì vậy luôn sẵn sàng hợp tác với các HTX và hộ sản xuất để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, bà Dung nhấn mạnh rằng các chủ thể cần chuẩn bị đầy đủ thủ tục, hồ sơ pháp lý theo quy định của cơ quan chức năng, nhằm tránh phải qua các đơn vị trung gian. Siêu thị Co.opmart sẵn sàng đồng hành cùng các chủ thể để tháo gỡ những khó khăn gặp phải.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm (Cao Phong, Hòa Bình)

Cũng tại Diễn đàn, bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm (Cao Phong, Hòa Bình), cho biết việc đưa sản phẩm cam Cao Phong vào các hệ thống siêu thị lớn gặp rất nhiều khó khăn do yêu cầu khắt khe từ các đơn vị phân phối và các quy định chưa phù hợp. Bà cũng chia sẻ về tình trạng giả mạo sản phẩm và trà trộn hàng hóa không phải của HTX trên thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và thương hiệu cam Cao Phong.

Ông Trần Anh Hùng, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch 2, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, đã đề xuất tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, đặc biệt là xây dựng các sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ trong marketing sản phẩm. Việc tận dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản không chỉ giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm mà còn mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp nông sản Việt Nam vươn ra thế giới.

Nhìn chung, miền núi phía Bắc không có nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai trải rộng, thuận lợi cho canh tác, sản xuất lớn tập trung mênh mông như các tỉnh miền Nam. Song, đây lại là vùng đa dạng nhất nước về chủng loại cây ăn quả, bao gồm cả nhóm cây ăn quả nhiệt đới, nhóm cây ăn quả á nhiệt đới và cả nhóm cây ăn quả ôn đới.

Không những phát triển nhanh về diện tích, vùng còn tập trung phát triển cây ăn quả có chất lượng, năng suất cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Cơ cấu giống cây ăn quả của vùng có sự chuyển đổi khá rõ, bổ sung được giống mới có năng suất, chất lượng tốt. Các loại cây già cỗi, giống cũ, kém chất lượng dần được thay thế bằng các giống cây mới sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu được với điều kiện khí hậu thay đổi và cho trái ngon, năng suất cao. 

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, các tỉnh vùng miền núi phía bắc cần làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả; chính sách hỗ trợ phát triển; giải pháp giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả bền vững; vấn đề tiêu chuẩn chất lượng nông sản cho doanh nghiệp, nhà máy chế biến phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Việc phát triển cây ăn quả trong khu vực sẽ giúp nông dân và địa phương phát triển kinh tế-xã hội, qua đó, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển ngành nông nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu của cả nước./.

Thu Trang

Đăng ngày: 06/12/2024 , 22:42 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác