Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp và định hướng giai đoạn 2021-2030

Đăng ngày: 11/03/2021 , 11:09 GMT+7

Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện theo Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án. Đây là một trong 9 Dự án thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Sau 8 năm triển khai, thực hiện, Dự án đã đạt được nhiều kết quả, với những dấu ấn nổi bật.

Ảnh minh họa

Dự án hướng tới việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực trên cơ sở áp dụng các giải pháp quản lý, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, đầu tư. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, các mô hình tiên tiến, quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp.

Dự án có 5 nhóm nhiệm vụ chính: (1) tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp; (2) Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; (3) Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; (4) Xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực, gồm: hàng dệt may, hàng da giày, sản phẩm nhựa, ngành thép, hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; (5) Nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực.

Hiệu quả của các mô hình điểm

Trong giai đoạn 2012-2020, Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012-2020 đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Ấn tượng nhất chính là 468 mô hình điểm được xây dựng sau 10 năm triển khai Dự án thuộc 08 ngành chủ lực theo Quyết định 604, gồm: Dệt may, Da giày, Nhựa, Hóa chất, Thép, Năng lượng, Điện tử, Cơ khí; và một số ngành công nghiệp khác: Khai thác, chế biến khoáng sản, Chế biến sữa, Rượu - Bia - Nước giải khát; Dầu thực vật.... Các hoạt động triển khai Dự án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại doanh nghiệp.

Các mô hình điểm triển khai tại doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ nét, là những ví dụ trực quan, sinh động và có tính thuyết phục đối với hoạt động cải tiến trong nội tại của doanh nghiệp; đồng thời, đang dần tạo ra sức lan tỏa cho các doanh nghiệp khác. 95% doanh nghiệp tiếp tục duy trì các mô hình điểm sau khi Dự án kết thúc, trong đó có 23,4% các doanh nghiệp mở rộng phạm vi áp dụng. Tỷ lệ doanh nghiệp duy trì mô hình công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tương đương, khoảng 45%. Việc duy trì và mở rộng các mô hình điểm đã cho thấy tính bền vững của các kết quả Dự án cũng như tính lan tỏa từ các kết quả bước đầu của Dự án. 99% doanh nghiệp đánh giá các mô hình thí điểm có hiệu quả trong việc nâng cao nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp. Cụ thể, 98% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của mô hình tốt nhất trong đào tạo năng lực thực hiện mô hình, có nghĩa việc hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện mô hình của các đơn vị tư vấn tốt.

Bên cạnh việc xây dựng thành công các mô hình điểm về nâng cao năng suất chất lượng tại doanh nghiệp, 62 Quy chuẩn Việt Nam (QCVN),71 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) được hoàn thành xây dựng, triển khai xây dựng và trình ban hành Lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương đến năm 2025 với mục tiêu bao quát và điều tiết đầy đủ các hoạt động của ngành Công Thương, đồng bộ về bố cục và nội dung, có tính hội nhập quốc tế cao. 55 cuộc hội thảo; 91 khóa tập huấn đã được tổ chức, hỗ trợ hình thành mạng lưới các chuyên gia tư vấn cải tiến không chỉ ở các đơn vị tư vấn mà còn ở tại các doanh nghiệp. Qua đó đảm bảo khả năng duy trì hoạt động cải tiến liên tục kể cả khi dự án kết thúc. 66 đơn vị tư vấn tham gia triển khai các nhiệm vụ của Dự án trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là đơn vị/doanh nghiệp tư vấn về cải tiến năng suất chất lượng. 15 phòng thử nghiệm được hỗ trợ xây dựng, cập nhật hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 17025: 2017; 01 Phòng thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng về giấy thuộc Viện Công nghiệp Giấy và Xenlulô đã được đầu tư trang thiết bị có khả năng thử nghiệm nhiều chỉ tiêu kỹ thuật đặc thù của các sản phẩm mới. Hàng ngàn tin bài tuyên truyền nhằm lan tỏa tinh thần cải tiến năng suất chất lượng trong toàn ngành Công Thương và những lĩnh vực khác của đời sống với 219 bản tin chuyên đề; 94 chương trình, phim; 32 tài liệu hướng dẫn; 189 báo cáo về các trường hợp nghiên cứu điển hình.

Nhiều sáng kiến nâng cao năng suất chất lượng tại doanh nghiệp

Trong khuôn khổ “Diễn đàn Năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020” tổng kết quá trình thực hiện Dự án giai đoạn 2012-2020, Vòng chung kết Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 đã ghi nhận nhiều sáng kiến cải tiến năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp ngành Công Thương. Trong đó Nhóm cải tiến đến từ Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai thuộc Công ty Cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam (PINACO) với giải pháp “Cải tiến năng suất dây chuyền lắp ráp bình xe gắn máy tại Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai" áp dụng phương pháp TVP - Giá trị lý thuyết của sản xuất (Theoretical Value Based

Production) để phân tích từng hoạt động, xác định các thao tác sản xuất không tạo ra giá trị, loại bỏ điểm nút thắt cổ chai trên dây chuyền sản xuất. Từ đó, triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm cải tiến tổng thể dòng chảy sản xuất. Qua gần một năm triển khai, thực tế đã chứng minh hướng cải tiến mới giúp tiết giảm chi phí nhân công 900 triệu đồng/năm và tăng năng suất dây chuyền sản xuất thêm 2,27%. Dự kiến năm 2021, hoạt động cải tiến bằng phương pháp TVP sẽ được Công ty áp dụng tại tất cả các xí nghiệp, đơn vị thành viên của Công ty, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu suất lao động.

Nhóm cải tiến - Công ty Cổ phần Than Vàng Danh với đề tài “Nghiên cứu, lắp đặt chế tạo bua mìn từ than bùn” giúp đơn giản hoá đáng kể các công đoạn sản xuất, giảm sức lao động, rút ngắn thời gian nạp bua mìn vào lỗ khoan mìn. Đặc biệt, sáng kiến đã mở ra triển vọng sản xuất bua mìn từ các vật liệu tận dụng trong quá trình khai thác than. Giải pháp chế tạo bua mìn từ than bùn của Công ty Cổ phần Than Vàng Danh -

Vinacomin hiện đã được nhiều đơn vị như Công ty Than Mạo Khê, Công ty Than Dương Huy… học hỏi và ứng dựng vào thực tế.

Nhóm cải tiến - Công ty Cổ phần TOMECO An Khang thực hiện sáng kiến “Cải tiến năng suất nhà máy - Chia sẻ bài học từ những cải tiến nhỏ” xuất phát từ thực tế hiệu suất lao động của tổ Phôi tại Công ty chưa đạt mức cao do nhiều nguyên nhân nên Nhóm cải tiến đã tiến hành phân tích các công đoạn sản xuất và áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ như bố trí lại layout sản xuất, bổ sung giá kệ, biểu mẫu quản lý…. Sau 6 tháng triển khai, các biện pháp cải tiến này đã giúp năng suất lao động của tổ Phôi tăng 20%, tỷ lệ sắt vụn trên tổng thép giảm 3%, giảm thời gian kiểm kê, mặt bằng nhà xưởng gọn gàng hơn, việc tìm kiếm phôi và sặt vụn giảm xuống, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất.

Riêng đối với Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC),dù thực tế EVNNPC đã triển khai chương trình 5S từ nhiều năm qua, tuy nhiên gặp một số khó khăn như việc triển khai không đồng bộ giữa các đơn vị do EVNNPC có 27 đơn vị hoạt động trên 27 tỉnh thành miền Bắc trong khi việc triển khai 5S mới chỉ dừng lại ở khối văn phòng. Do đó, kể từ đầu đầu tháng 6/2018, EVNNPC đã tổ chức nhân rộng mô hình cải tiến năng suất 5S từ văn phòng ra Lưới điện dựa trên mô hình điểm tại Công ty Điện lực Thái Nguyên. Đồng thời tiến hành tiêu chuẩn bộ tiêu chí 5S đối với lưới điện và cách thức tổ chức thực hiện trong toàn Tổng Công ty. Theo đánh giá, dự án có nhiều điểm khác biệt và đổi mới sáng tạo so với các dự án về 5S trước đây phần lớn là do không máy móc áp dụng phương pháp 5S vào các hoạt động của EVNNPC. Sau một thời gian áp dụng, dự án cũng chứng minh được tính lan tỏa trên nhiều địa bàn, đến nhiều đối tượng, đồng thời thu được kết quả khả quan như ý thức và tư duy làm việc cải tiến liên tục của người lao động tại

EVNNPC ngày càng nâng cao, góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu EVNNPC; Lưới điện của EVNNPC dần được tiêu chuẩn hóa góp phần giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy và chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng.

Nhóm cải tiến - Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam triển khai Dự án “Cải tiến năng suất chất lượng dây chuyền sơn và bao gói đóng hộp tủ sắt” áp dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật, bố trí lại mặt bằng sản xuất và đầu tư công cụ hỗ trợ, chỉ trong vòng 3 tháng, năng suất của dây chuyền sơn đã tăng thêm 14,2%, thời gian giao hàng cho khách hàng của bộ phận sơn giảm từ 3 ngày xuống còn 1 ngày.

Xuất phát từ vấn đề của thực tế sản xuất, Nhóm cải tiến - Chi nhánh Tổng Công ty Khí Việt Nam - Công ty Khí Cà Mau đã thực hiện sáng kiến “Giải pháp cung cấp nguồn khí

Permeate Gas dư từ Nhà máy Xử lý khí Cà Mau sử dụng cho Nhà máy Đạm Cà Mau”.

Trước khi áp dụng giải pháp này, Nhà máy Xử lý khí Cà Mau mỗi ngày phải đốt xả bỏ khoảng 85 nghìn mét khối khí Permeate Gas dư, trong khi đó, Nhà máy Đạm Cà Mau lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp khí nguyên liệu cho sản xuất phân đạm. Đồng thời, việc đốt xả bỏ lượng lớn khí đốt còn gây tác động tiêu cực đến môi trường và hao phí nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia. Do vậy, Nhóm cải tiến đã nghiên cứu phương án kỹ thuật tối ưu để vừa giúp Nhà máy Xử lý khí Cà Mau thu hồi lượng khí phải đốt thải bỏ vừa giúp Nhà máy Đạm Cà Mau giảm lượng khí tự nhiên phải mua ngoài. Phương án cải tiến kỹ thuật chính thức được triển khai áp dụng từ tháng 2/2019 với tổng kinh phí đầu tư ở mức 12,04 tỷ đồng. Chỉ sau 7 tháng vận hành, Công ty Khí Cà Mau đã thu hồi vốn đầu tư và thu về trung bình 1,7 tỷ đồng/tháng nhờ việc bán khí Permeate Gas dư. Giải pháp này đã giúp Nhà máy Đạm Cà Mau giảm chi phí mua khí hàng năm từ 43 tỷ - 67 tỷ đồng/năm; đồng thời, nâng sản lượng phân xưởng amo tăng thêm 10.000 tấn NH3/năm. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam cũng như trên thế giới, giải pháp tận dụng nguồn khí nhiên liệu dư thừa xả bỏ như này được áp dụng.

“Giải pháp loại bỏ tạp chất kim loại sắt và canxi trong nguyên liệu của phân xưởng RFCC” của Nhóm cải tiến thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được bình chọn là Nhóm cải tiến năng suất chất lượng được yêu thích nhất cuộc thi.

Giải pháp giúp loại bỏ tạp chất kim loại sắt và canxi trong dầu thô bằng hoá chất đã được áp dụng dài hạn từ đầu năm 2015 cho đến nay, góp phần đảm bảo vận hành an toàn nhà máy và làm lợi cho đơn vị tối thiểu khoảng 130 tỷ đồng/năm. Hiệu suất tách, loại sắt và canxi tại nhà máy luôn được duy trì ổn định ở mức trung bình trên 60%, mặc dù hàm lượng tạp chất trong dầu thô đã tăng cao hơn rất nhiều so với thời điểm bắt đầu áp dụng giải pháp. Giải pháp này còn mở ra hướng đi mới trong việc xử lý các tạp chất kim loại trong dầu thô với chi phí rất thấp và hiệu quả kinh tế cao.

Các mục tiêu, giải pháp mới cho giai đoạn 2021 - 2030

Tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 4/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia và Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục giao Bộ Công Thương xây dựng Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030.

Các nội dung chính của Chương trình trong giai đoạn mới gồm: Tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sản phẩm, công nghệ và ứng dụng hệ thống quản trị tiên tiến; Nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ, sản phẩm, cải tiến năng suất và chất lượng; Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp ngành công nghiệp.

Theo đó, trong giai đoạn mới, Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa hướng tới nhiều mục tiêu mới. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm của toàn ngành công nghiệp phấn đấu đạt mức 7,5%, trong đó tốc độ tăng năng suất của các ngành công nghiệp ưu tiên cao hơn 12%. Phấn đấu xây dựng 100 mô hình điểm về đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên; 1.000 mô hình điểm về áp dụng các công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tiên tiến.

Ngoài ra, giai đoạn 2021-2030, Chương trình hướng tới mục tiêu hình thành các trung tâm đổi mới, phát triển sản phẩm công nghiệp; đầu tư nâng cấp 20 phòng thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm và đơn vị nghiên cứu, tư vấn chuyển giao công nghệ và phát triển sản phẩm; hình thành các công cụ số hóa hỗ trợ tư vấn và triển khai hoạt động cải tiến năng suất và quản lý chất lượng tại doanh nghiệp. Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) bảo đảm quản lý 100% sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; biên soạn, đảm bảo hài hòa khu vực và quốc tế 500 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) phục vụ công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp. Đồng thời đào tạo được 500 giảng viên, chuyên gia tư vấn, cán bộ thực hành về cải tiến năng suất có trình độ chuyên sâu; cung cấp kiến thức, kỹ năng về quản lý, phát triển công nghệ, cải tiến năng suất chất lượng cho sinh viên các trường trực thuộc Bộ Công Thương. Tổ chức phong trào năng suất chất lượng, các cuộc thi về cải tiến kỹ thuật, thiết kế, phát triển sản phẩm, giải thưởng về năng suất được phát động và triển khai diện rộng trong các ngành công nghiệp.

Giai đoạn mới, Chương trình cũng xác định phương pháp tiếp cận mới. Đối với vai trò của các đối tượng tham gia, doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm; Nhà nước có vai trò khuyến khích, tạo lập môi trường và các hệ sinh thái để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng; Hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp. Đảm bảo tính kế thừa, khắc phục những hạn chế trong nội dung cũng như cách thức tổ chức thực hiện; đặt trong bối cảnh phát triển và các yêu cầu mới của doanh nghiệp về nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, đặc biệt tính tới yêu cầu của quá trình hội nhập, định hướng của Việt Nam trong việc hình thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới, chủ động tiếp cận và tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Lê Viết Cường

Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại - Số 01/2021

Đăng ngày: 11/03/2021 , 11:09 GMT+7

Tin liên quan