“Đòn bẩy” vượt qua đại dịch COVID-19 và phát triển thành cường quốc kinh tế dẫn đầu toàn cầu
Là một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á và thế giới, đặc biệt trong sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ nên Chiến lược chính sách kinh tế mới với những định hướng, ưu tiên phát triển của Hàn Quốc trong giai đoạn tới đã thu hút sự quan tâm của giới phân tích kinh tế cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên thế giới.
Tháng 7/2020, Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc lần đầu tiên được công bố như một chiến lược phát triển quốc gia nhằm mục tiêu vượt qua khủng hoảng do sự lây lan của đại dịch COVID-19 cũng như phát triển thành cường quốc dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu. Kế hoạch được xây dựng theo 04 chính sách chủ yếu: Digital New Deal (Chính sách kinh tế mới kỹ thuật số); Green New Deal (Chính sách kinh tế mới xanh); Các chương trình việc làm và an sinh xã hội; Local New Deal (Chính sách kinh tế mới địa phương).
Nhìn lại năm đầu tiên thực hiện Chính sách, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đánh giá đầu tư tài chính tích cực đã trở thành động lực của sự thay đổi. Đề cập đến việc thiết lập các nền tảng dữ liệu lớn và dữ liệu giáo dục sử dụng công nghệ AI, việc phân phối các công cụ thông minh cho các trường tiểu học, trung học cơ sở phổ thông trên toàn quốc cũng như việc thông qua Luật Kinh tế Hydro đầu tiên trên thế giới. Tổng thống Moon Jae-in cho rằng sự tham gia của mỗi người dân vào những thay đổi thời gian qua đã giúp người dân nước này cảm nhận được những thành tựu, kết quả của Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Theo Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) Hong Nam-ki, một năm vừa qua (kể từ khi triển khai Korean New Deal tháng 7/2020 đến nay) là giai đoạn thiết lập nền tảng cho "Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc". Tuy nhiên, môi trường trong và ngoài nước đã thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi Chính phủ Hàn Quốc phải thiết lập phương án ứng phó mới.
Cụ thể, đã có nhiều thay đổi cả bên trong và bên ngoài Hàn Quốc kể từ khi Chính phủ nước này công bố phiên bản đầu tiên của Chiến lược. Trong nước, Hàn Quốc vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; Giáo dục bị ảnh hưởng; Khoảng cách thu nhập giữa các hộ gia đình ngày càng rộng, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc trẻ em và mức sống; Tầng lớp thanh niên lo lắng về việc làm, thu nhập và nhà ở. Bên cạnh đó, nhu cầu lao động đang tăng lên trong các ngành công nghiệp mới, chẳng hạn như ngành kỹ thuật phần mềm (Software) trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế xanh và kỹ thuật số đang tăng tốc, đòi hỏi sự hỗ trợ có hệ thống để tái cấu trúc doanh nghiệp cũng như dịch chuyển lao động quy mô lớn theo sau. Bên ngoài, Hàn Quốc đang phải đối mặt với vấn đề giảm lượng khí thải carbon và Chính phủ sẽ sử dụng thách thức này như một cơ hội để phát triển các động lực tăng trưởng xanh.
4 trọng tâm của Chiến lược chính sách kinh tế mới
Phiên bản Chiến lược chính sách kinh tế 2.0 lần này của Hàn Quốc có các nội dung trọng tâm là đẩy mạnh đầu tư vào con người, giải quyết tình trạng bất bình đẳng và cách biệt giữa các tầng lớp trong xã hội. Thông qua đầu tư và cải thiện các quy định nhằm thúc đẩy việc làm và giáo dục từ xa, thúc đẩy sản xuất các-bon thấp và thân thiện với môi trường, dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh và kỹ thuật số.
Nội dung thay đổi quan trọng của Chính sách 2.0 là đầu tư 220.000 tỷ won (191,3 tỷ USD) từ nay cho tới năm 2025, tạo ra 2,5 triệu việc làm; tăng 60.000 tỷ won (52,2 tỷ USD) và 600.000 việc làm so với phiên bản 1.0. Đặc biệt, để đẩy mạnh triển khai Chính sách 2.0 trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ phát triển các chương trình việc làm và an sinh xã hội ban đầu thành Human New Deal (Chính sách kinh tế mới con người) - một trụ cột quan trọng cùng với Digital New Deal (Chính sách kinh tế mới kỹ thuật số) và Green New Deal (Chính sách kinh tế mới xanh) thông qua tăng cường đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, bao gồm các chương trình giúp thu hẹp khoảng cách. Đồng thời nâng cấp Digital New Deal (Chính sách kinh tế mới kỹ thuật số) và Green New Deal (Chính sách kinh tế mới xanh) bằng cách thêm các chương trình mới và mở rộng các chương trình ban đầu của phiên bản 1.0.
Trước tiên, ở lĩnh vực "Chính sách kinh tế mới kỹ thuật số", Chính phủ Hàn Quốc sẽ đầu tư 49.000 tỷ won (42,6 tỷ USD) cho tới năm 2025, để nhân rộng thành quả của phiên bản 1.0 sang toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, xã hội; bồi dưỡng ngành công nghiệp mới kỹ thuật số. Chính phủ sẽ hỗ trợ lĩnh vực kinh doanh tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông, bồi dưỡng ngành công nghiệp nền tảng trọng tâm trong thời đại kỹ thuật số, nâng cao năng lực cạnh tranh kỹ thuật số. Thúc đẩy xây dựng một nền tảng metaverse mở và các dịch vụ dựa trên sự hội tụ ICT; thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ cốt lõi, bao gồm điện toán đám mây và blockchain; thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp mới cũng như ứng dụng các kết quả kỹ thuật số mới để phát huy được những lợi ích trong cuộc sống hàng ngày của người dân, doanh nghiệp.
Lĩnh vực "Chính sách kinh tế mới xanh" được đầu tư 61.000 tỷ won (53 tỷ USD) cho tới năm 2025, trong đó Chính phủ đề ra thêm bài toán mới đó là "thiết lập nền tảng xúc tiến trung hòa carbon". Chính phủ sẽ sửa đổi lại hệ thống đánh giá, đo đạc khí nhà kính, đầu tư các dự án nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính cho tới năm 2030 (Đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC 2030) theo Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, chẳng hạn như xây dựng hệ thống đo lường khí thải và tạo chương trình giảm carbon cho các ngành công nghiệp. Mở rộng "Chính sách kinh tế mới xanh" để bao gồm các dự án khác nhau, qua đó hỗ trợ hiệu quả quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp.
Lĩnh vực "Chính sách kinh tế mới con người" được đầu tư 50.000 tỷ won (43,5 tỷ USD) cho tới năm 2025. Cụ thể, Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực trọng điểm như: hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng khoảng 89.000 nhân tài phát triển phần mềm có kỹ năng chuyên môn cao, trên 8.000 nhân tài ở lĩnh vực chíp bán dẫn hệ thống, trên 20.000 nhân tài lĩnh vực sức khỏe sinh học và trên 3.000 nhân tài ở lĩnh vực ô tô tương lai cho tới năm 2025. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hỗ trợ giúp tầng lớp thanh niên thoát khỏi tác động của đại dịch COVID-19 bằng cách cung cấp hỗ trợ nâng cấp, bao gồm từ giáo dục, việc làm đến xây dựng nhà ở và tài sản. Đối với tầng lớp yếu thế trong xã hội, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hỗ trợ về hoạt động giáo dục, chăm sóc, văn hóa, nâng cấp giáo dục và hỗ trợ chăm sóc trẻ em cho các hộ gia đình có thu nhập thấp để giúp thu hẹp khoảng cách và chuẩn bị cho họ trước sự chuyển đổi nhanh chóng của nền kinh tế; thông qua gói giáo dục toàn diện, trong đó trọng tâm chính là đạt được các kỹ năng học tập cần thiết để giúp bù đắp mất khả năng học tập do đại dịch. Nâng cấp hệ thống chăm sóc của đất nước từ chăm sóc trẻ em và người già sang hỗ trợ người khuyết tật và hỗ trợ cha mẹ đơn thân.
Trong lĩnh vực "Chính sách kinh tế mới địa phương", Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy nhanh các sáng kiến được nâng cấp và các dự án Chính sách kinh tế mới hiện tại ở các địa phương; tích cực tìm kiếm và xúc tiến hỗ trợ sớm cho các dự án triển vọng, khả thi do địa phương triển khai, mở rộng ưu đãi về hành chính và tài chính để đẩy nhanh việc triển khai các dự án đó. Bên cạnh việc Cải cách quy định cải thiện các quy định để hỗ trợ tái cơ cấu doanh nghiệp và chuẩn bị cho những thay đổi về nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp xảy ra sau đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng cường thu hút đầu tư của khu vực tư nhân
Với việc thông qua Chiến lược phiên bản 2.0, Chính phủ Hàn Quốc quyết định bổ sung 30.000 tỷ won (26,1 tỷ USD) ngân sách cho Chiến lược "Chính sách kinh tế mới" vào dự thảo ngân sách năm 2022.
Tiếp theo, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến thông qua một loạt thay đổi để triển khai Chiến lược 2.0 này, cụ thể: Xây dựng các dự luật liên quan đến Chiến lược chính sách kinh tế mới; khởi động nhanh các dự án của Chiến lược chính sách kinh tế mới Hàn Quốc 2.0; sớm công bố kế hoạch hành động cho gói giáo dục toàn diện và gói hỗ trợ thanh niên nhằm giải quyết cách biệt và bất cân bằng; Xây dựng chính sách chi tiết để hỗ trợ tái cơ cấu doanh nghiệp và cải cách thị trường lao động nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số và trung tính với các-bon; Đề ra các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ bắt đầu kinh doanh mới và kinh doanh trở lại sau thời gian khủng hoảng do đại dịch.
Theo Tổng thống Moon Jae-in, chiến lược chính sách phát triển kinh tế mới của Hàn Quốc đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng toàn cầu với những chính sách phù hợp nhằm ứng phó với đại dịch và biến đổi khí hậu. Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cũng đã công nhận rằng chiến lược phát triển quốc gia mà Chính phủ Hàn Quốc đề ra là hướng đi chung được toàn thế giới theo đuổi.
Thúc đẩy nền kinh tế Hydro thông qua “Luật Kinh tế Hydro”
Trước khi thông qua Korean New Deal, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã ban hành “Luật kinh tế Hydro” (Hydrogen economy Law) đầu tiên trên thế giới vào tháng 01/2020. Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 05/02/2021, 02 năm sau khi Chính phủ Hàn Quốc công bố lộ trình phát triển nền kinh tế hydro.
Trong bối cảnh các vấn đề môi trường như bụi mịn và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, hydro được coi là nguồn năng lượng mới vô tận, có thể dễ dàng thu thập và không gây ô nhiễm. Là một nước nghèo tài nguyên, Hàn Quốc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc muốn chủ động trong nền kinh tế hydro, mục tiêu nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon xuống 0% vào năm 2050 vì một xã hội trung hòa carbon. Theo đó, tháng 01/2019, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố lộ trình thúc đẩy nền kinh tế hydro, đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ sản xuất 6,2 triệu xe chạy bằng pin nhiêu liệu hydro, xây dựng 1.200 trạm sạc hydro. Năm ngoái, Chính phủ nước này đã thành lập Ủy ban kinh tế Hydro, đưa ra kế hoạch tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo lên 20% tổng sản lượng điện vào năm 2030, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng sạch.
Các ngành liên quan đến hydro đã tăng trưởng mạnh trong 02 năm qua kể từ khi Chính phủ Hàn Quốc công bố lộ trình xây dựng hệ sinh thái hydro. Số lượng xe chạy nhiên liệu hydro đã tăng từ 893 chiếc năm 2018 lên 10.900 chiếc năm 2020; số lượng trạm nạp hydro đã tăng từ 14 lên 70; sản xuất pin nhiên liệu hydro cũng tăng trưởng gấp đôi. Đằng sau sự phát triển nhanh chóng trong các ngành liên quan đến hydro là sự ra đời của hệ thống cơ sở pháp lý và luật liên quan.
Sở dĩ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang tích cực mở rộng kinh doanh hydro là vì khi nhận thấy tiềm năng lớn trên thị trường. Theo một báo cáo của công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Company, thị trường liên quan đến kinh tế hydro được ước tính sẽ tạo ra 2.500 tỷ USD và 30 triệu việc làm cho đến năm 2050. Mặc dù vậy, còn nhiều thách thức để giúp hydro thực sự bén rễ trong cuộc sống hàng ngày, dù hydro được xem như là nguồn nhiên liệu vô hạn, nhưng quá trình khai thác hydro tốn nhiều chi phí và có thể phá hủy môi trường. Hydro có thể được sản xuất như một sản phẩm phụ trong quá trình lọc hóa dầu, chiết xuất trực tiếp từ khí tự nhiên, hay thu thập trong quá trình điện phân tách hydro và oxy trong nước. Ba phương pháp nêu trên đều có ưu điểm lẫn nhược điểm. Chìa khóa thành công là công nghệ sản xuất hydro xanh, sạch với chi phí thấp, tỷ lệ thất thoát năng lượng thấp. Hơn nữa, Hàn Quốc cần phát triển công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu, bởi nếu các quốc gia áp dụng các tiêu chuẩn sử dụng hydro khác với Hàn Quốc, chẳng hạn quá trình sạc, thì công nghệ của Hàn Quốc dù có tốt cũng khó có thể áp dụng.
Mặt khác, chi phí sản xuất hydro, đặc biệt là hydro xanh lục - loại hydro sạch nhất, được coi là nhiên liệu quan trọng để dẫn dắt nền kinh tế không khí thải trong 10 năm tới vẫn ở mức cao bởi đây là sản phẩm được chiết xuất trong quá trình sản xuất năng lượng hóa thạch là một thách thức. Đây là vấn đề nan giải nếu muốn đưa hydro trở thành nhiên liệu hàng ngày. Bên cạnh vấn đề sản xuất, việc vận chuyển nhiên liệu hydro đường dài cũng là vấn đề cấp thiết.
Phát triển nền kinh tế hydro là một định hướng đúng đắn và tiến bộ của Chính phủ Hàn Quốc để đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng ổn định, không gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên Chính phủ Hàn Quốc cần ban hành các chính sách, khuyến khích các ngành công nghiệp liên quan phát triển công nghệ sản xuất hydro hiệu suất cao, chi phí thấp, nhằm đạt được mục tiêu trở thành quốc gia không khí thải vào năm 2050, dẫn đầu thị trường kinh tế hydro toàn cầu.
H.P (tổng hợp)
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại – Tháng 8/2021
---------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
* Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (Ministry of Economy and Finance - MOEF): Thông tin báo chí về Chiến lược kinh tế mới 2.0 phiên bản Hàn Quốc (Korean New Deal 2.0), Bản tiếng Anh truy cập tại địachỉ:https://english.moef.go.kr/pc/selectTbPressCenterDtl.do?boardCd=N0001&seq=5173#fn_move_detail
* KBS World: Korea announces "Korean New Economic Policy 2.0"; bản tiếng Anh truy cập tại địa chỉ:http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=50743
* KBS World: The world's first hydrogen economy law officially comes into effect in Korea, bản tiếng Anh truy cập tại địa chỉ: https://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=business&id=&board_seq=398336