Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, duy trì tính bền vững đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong lộ trình phát triển của chính phủ. Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang trên đà nỗ lực để đạt mức phát thải carbon ròng bằng "0" vào năm 2050. Nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của chủ trương này, các doanh nghiệp Việt đã và đang tích cực áp dụng hàng loạt biện pháp phát huy tính bền vững trong chuỗi cung ứng. Theo một cuộc khảo sát do HSBC thực hiện, 96% doanh nghiệp sản xuất cho rằng thực hiện những thay đổi liên quan đến bền vững và đạo đức là chìa khóa nâng cao lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh; trong khi chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp được khảo sát (9%) cho biết tính bền vững của chuỗi cung ứng không phải là trọng tâm hoạt động kinh doanh của họ.
Tuy nhiên, các hoạt động bền vững vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trong tất cả khối ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa hiểu hết các lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Đối với các doanh nghiệp lớn như hàng tiêu dùng nhanh, bán lẻ và sản xuất, tính bền vững vẫn là một chủ đề tranh luận với hàng loạt ý kiến trái chiều khi đặt lên bàn cân so sánh với hiệu quả về mặt chi phí.
“Các chiến lược chuỗi cung ứng nên kết hợp tính bền vững như một trụ cột quan trọng. Để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, cổ đông và cộng đồng, doanh nghiệp cần thiết kế những giải pháp không chỉ thiết thực, mang lại lợi nhuận mà còn đáp ứng được các chỉ tiêu và hướng đến sứ mệnh bảo vệ môi trường”, ông Andrew Maher - Giám đốc TMX Việt Nam cho biết. “Trước đây, hàng loạt công ty đã áp dụng các sáng kiến xanh đơn giản trong thiết kế và xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp để thực thi chính sách bền vững của công ty mẹ và hỗ trợ doanh nghiệp xếp hạng sao xanh trong các chương trình nghị sự/giải thưởng. Tuy nhiên gần đây sự gia tăng nhận thức về những lợi ích kinh doanh từ hoạt động bền vững ngày càng thôi thúc doanh nghiệp nghĩ nhiều hơn về các biện pháp duy trì hành tinh xanh. Nhưng việc kết hợp các sáng kiến này cần được đưa vào triển khai ngay từ quá trình thiết kế khi xây dựng cấu trúc toà nhà, lựa chọn vật liệu và các yếu tố xoay quanh để giảm thiểu chi phí và đảm bảo tính bền vững”.
Ông Andrew Maher - Giám đốc TMX Việt Nam
Thực trạng bền vững của chuỗi cung ứng và hậu cần ở Việt Nam
Nhìn chung, phát triển bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động kinh doanh đến môi trường được các doanh nghiệp Việt Nam coi trọng. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức được sự cần thiết của nền “kinh tế vòng tròn” – bao gồm các biện pháp tái chế, sử dụng vật liệu xanh và không độc hại, thiết kế sản phẩm xanh, giảm thiểu chất thải và đầu tư vào cơ sở hạ tầng bằng năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường hơn.
Tuy nhiên, phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều thách thức, sức lan tỏa còn rất hạn chế. Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng mới chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp (chỉ chiếm hơn 2%) là thành viên của cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam. Trong số đó, mới chỉ có khoảng 100.000 doanh nghiệp (gần 15%) tiếp cận được các thông tin về phát triển bền vững.
Để nâng cao nhận thức và khuyến khích các doanh nghiệp Việt áp dụng chính sách bền vững trong chuỗi cung ứng và hậu cần, hãy cùng TMX chia sẻ những lợi ích hữu hình mà các doanh nghiệp có thể gặt hái về lâu dài. TMX là công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Với đội ngũ chuyên gia kỳ cựu, đơn vị này đã có mặt tại Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp kiến tạo các giải pháp kỹ thuật số phù hợp để duy trì tính bền vững của chuỗi cung ứng, tối ưu hóa toàn bộ chuỗi giá trị, từ việc tạo nhu cầu cho đến bước hoàn tất đơn hàng cuối cùng.
Tiết kiệm chi phí vận hành
Trong vài năm qua, chi phí điện tăng đáng kể đã trở thành gánh nặng lớn với các chủ sở hữu công nghiệp. Thực trạng này tiếp tục là trở ngại khi các trung tâm sản xuất và phân phối tiến hành áp dụng tự động hóa và các chu trình công nghệ cao hơn. Do đó, đầu tư vào các giải pháp thân thiện với môi trường không chỉ tiết kiệm nhân lực vận hành mà còn góp phần rất lớn để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Trong thời gian qua, hàng loạt giải pháp tân tiến đã được áp dụng, từ sử dụng pin mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác để bù đắp lượng điện tiêu thụ trong các nhà kho tự động, xây dựng hệ thống tái chế nước đến triển khai xe điện giao hàng tận nơi để giảm phát thải carbon. Đồng thời, sử dụng các vật liệu đóng gói thân thiện với môi trường cũng là một giải pháp giảm thiểu rác thải hiệu quả, kiểm soát chi phí và khuyến khích người tiêu dùng có ý thức về vấn đề môi trường hơn.
Có thể khẳng định, các chính sách bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp bảo vệ hành tinh mà còn mang lại những lợi ích tài chính về lâu dài. Một chiến lược bền vững có thể tối ưu hoá chi phí đáng kể và tác động không nhỏ đến lợi nhuận. Đồng thời, các doanh nghiệp bền vững cũng có thể nâng tầm vị thế và quan hệ với chính phủ cùng cộng đồng địa phương để tiếp cận với các chính sách ưu đãi/trợ cấp về thuế.
Tăng giá trị thương hiệu và lợi thế cạnh tranh
Chuỗi cung ứng bền vững cũng tác động trực tiếp đến danh tiếng của thương hiệu. Thương hiệu có thể nâng tầm giá trị lên rất nhiều và thu hút người tiêu dùng bằng cách trở nên bền vững hơn. Trên thực tế, một nghiên cứu từ Nielsen Việt Nam cho thấy có tới khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu “xanh” và “sạch”. Khảo sát trên cũng chỉ ra, các thương hiệu sản xuất sạch và cam kết đem lại sản phẩm xanh và sạch có mức độ tăng trưởng cao gấp 4 lần so với doanh nghiệp cùng ngành.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả của các chính sách bền vững, doanh nghiệp cần đảm bảo phát triển từ nội bộ, cung cấp những điều kiện làm việc và lương thưởng công bằng nhất cho người lao động. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho đội ngũ nhân viên hiện có mà còn thu hút nguồn nhân tài chất lượng cao trong tương lai. Trên thực tế, gần 40% thế hệ millennials chấp nhận công việc mới vì họ đồng ý với những kỳ vọng và các giải pháp xây dựng một môi trường bền vững của công ty. Tính bền vững cũng có thể khiến nhân viên có động lực làm việc và làm việc hiệu quả hơn vì họ cảm nhận được giá trị và tự hào về doanh nghiệp.
Tăng độ tin cậy của đối tác
Không thể phủ nhận, một doanh nghiệp có chuỗi cung ứng bền vững sẽ gây dựng niềm tin vững chắc với đối tác và các nhà đầu tư tiềm năng. Trong kỷ nguyên mới mà các giá trị bền vững ngày càng được đề cao, các nhà đầu tư thường tránh xa các công ty có tai tiếng và không có những mục tiêu vì cộng đồng. Sở hữu các chính sách bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp tránh rủ ro về danh tiếng, mà còn hỗ trợ họ có những thông tin báo cáo cuối năm tích cực và giảm thiểu nguy cơ sụt giảm giá trị cổ phiếu.
Để biết thêm về các giải pháp duy trì tính bền vững của chuỗi cung ứng từ TMX, vui lòng truy cập https://tmx.global/.
P.V