Theo Báo cáo do Tổng cục Thống kê công bố mới đây, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 trong cả nước vượt mức hàng chục nghìn ca mỗi ngày. Lao động có việc làm tăng mạnh; Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm; thu nhập của người lao động dần được cải thiện.
Tình trạng thiếu việc làm được cải thiện
Số người có việc làm tăng
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2022 là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng khoảng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,2 triệu người, lực lượng lao động nam tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nữ (0,3 triệu lao động của nữ so với gần 0,2 triệu lao động của nam).
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2022 là 68,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,1%, thấp hơn 12,4 điểm phần trăm so với nam (74,5%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,9%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 69,5%. Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 33,5%; nông thôn: 47,2%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị 36,6%; nông thôn 45,2%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I/2022 là 26,1%, không thay đổi so với quý trước và cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số 23,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý I/2022, có 13,0 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15-19 tuổi (5,7 triệu người).
Trong những tháng đầu năm tình hình kinh tế-xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50 triệu người, tăng 962,6 nghìn người so với quý trước và tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng chủ yếu ở khu vực thành thị và ở nam giới (tương ứng là tăng 850,2 nghìn người và 203,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước).
Trong tổng số 50 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38,7%, tương đương 19,4 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,5%, tương đương 16,8 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 27,8%, tương đương 13,9 triệu người.
So với quý trước và cùng kỳ năm trước, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm lần lượt là 426,8 nghìn người và 192,2 nghìn người; lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 82,7 nghìn người so với quý trước nhưng tăng 661,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; lao động trong ngành dịch vụ tăng mạnh so với quý trước (gần 1,5 triệu người) nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 336,8 nghìn người.
Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp) trong quý I/2022 là 33,4 triệu người, tăng 97,5 nghìn người so với quý trước và giảm 992,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức chung quý I/2022 là 66,7%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Số người có việc làm phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản là 21,4 triệu người, tăng 2,0 triệu người so với quý trước và tăng 695,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, tốc độ tăng lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản cao hơn so với tốc độ tăng của lao động chính thức gần 5 điểm phần trăm, điều này cho thấy thị trường lao động phục hồi chưa thực sự bền vững.
Tỷ lệ lao động thiếu việc làm được cải thiện đáng kể
Theo Tổng cục Thống kê, Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP triển khai kịp thời đã hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh cho người sử dụng lao động, đảm bảo phục hồi, duy trì việc làm cho người lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh; các cấp, các ngành đang tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó bao gồm các giải pháp cụ thể như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.
Những chính sách này đã làm cho tình trạng thiếu việc làm của người lao động quý đầu năm 2022 được cải thiện, tiếp nối với thành quả phục hồi đã ghi nhận được ở quý IV/2021. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý I/2022 là khoảng 1,3 triệu người, giảm 135,2 nghìn người so với quý trước và tăng 357,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2022 là 3,01%, giảm 0,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,81 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,39% và 3,40%).
Tình hình thiếu việc làm đã quay trở lại với thực trạng thường được quan sát ở nước ta với xu hướng tỷ lệ này ở khu vực nông thôn thường cao hơn khu vực thành thị, sau khi chứng kiến 3 quý liên tiếp từ quý II đến quý IV/2021 với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở thành thị cao hơn khu vực nông thôn.
Mức độ khác biệt về tình trạng thiếu việc làm giữa các vùng kinh tế-xã hội cũng cho thấy, tỷ lệ này cao nhất là ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 4,23%; tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 4,0%. Đặc biệt, Đông Nam Bộ đã chuyển mình từ vùng có tỷ lệ thiếu việc làm cao thứ hai ở quý trước sang vùng có tỷ lệ thấp nhất ở quý này (quý IV/2021: 4,61%; quý I/2022: 1,60%).
Một điểm sáng nữa là thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2022 là 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,3 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn (7,9 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng).
Có thể thấy thị trường lao động đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, nên thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ. Nếu như quý III/2021, thị trường lao động trải qua những khó khăn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, với mức thu nhập bình quân của người lao động là 5,2 triệu đồng, là mức sụt giảm nghiêm trọng; đến quý IV/2021 thu nhập bình quân của người lao động có dấu hiệu cải thiện hơn, tăng khoảng 139 nghìn đồng so với quý III/2021.
Bước sang quý I năm nay, cùng với các chính sách kinh tế thích ứng linh hoạt, thu nhập của người lao động tăng mạnh so với quý trước, tăng 20,1% (tương ứng tăng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng). So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng gần 2%, tăng tương ứng khoảng 110 nghìn đồng và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 216 nghìn đồng/người/tháng.
So với quý trước, thu nhập của lao động làm việc trong các ngành kinh tế có sự tăng trưởng khá. Thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,3 triệu đồng, đây là khu vực có tốc độ tăng thu nhập bình quân tăng cao nhất trong ba khu vực kinh tế, tăng 22,6% so với quý trước, tăng tương ứng hơn 1,3 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 20,5% so với quý trước, tăng tương ứng gần 1,3 triệu đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 3,7 triệu đồng, tăng 8,8% so với quý trước, tăng tương ứng khoảng 301 nghìn đồng.
So với cùng kỳ năm 2021, lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong ba khu vực kinh tế, tăng 3,1%, tương ứng tăng khoảng 114 nghìn đồng; lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân tăng 1,4%, tương ứng tăng 100 nghìn đồng; trong khi đó, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập tăng không nhiều so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 78 nghìn đồng/người/tháng.
Đáng chú ý là trong Quý I/2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động có sự gia tăng mạnh trong hầu hết các ngành kinh tế chủ yếu so với quý trước. Lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng, tăng 24,2%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành bán buôn bán lẻ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 23,3%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm có thu nhập là 10,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 16,5%, tăng tương ứng là 1,5 triệu đồng; ngành kinh doanh bất động sản lao động có thu nhập bình quân là 10,7 triệu đồng, tăng 32,8%, tương ứng tăng 2,6 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt có thu nhập bình quân là 9,5 triệu đồng, tăng 8,4%, tương ứng tăng 736 nghìn đồng.
Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn lao động
Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ngay trong quý I/2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động. Chính vì vậy, tình hình thất nghiệp ở quý I năm 2022 đã khả quan hơn, thay vì dịch bệnh diễn biến phức tạp như trước đây, người lao động khó có cơ hội tìm được việc làm thì nay họ đã có thể tham gia vào thị trường lao động thuận lợi hơn.
Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước và tăng 16,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2022 là 2,46%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 2,88%, giảm 2,21 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,31 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý I/2022 là 7,93%, giảm 0,85 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,3%, cao hơn 2,10 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững. Số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.
Một thực tế nữa là lao động tự sản tự tiêu giảm nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu khi chưa xảy ra đại dịch. Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý I/2022 là 4,8 triệu người (thấp hơn 0,1 triệu người so với quý trước nhưng vẫn cao hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước), số lao động này chủ yếu biến động ở khu vực nông thôn. Gần hai phần ba số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý I/2022 là nữ giới (chiếm 62,4%). Trong tổng số 4,8 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có khoảng gần 2,7 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 55,8%). Hầu hết lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới tình hình lao động việc làm, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn.
Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Thứ hai, triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, lao động không tham gia hoạt động kinh tế tham gia thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống của người dân.
Thứ ba, nghiên cứu xây dựng các chương trình chính sách đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
PV.
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại – số 4/2022