Tư vấn xuất khẩu sang thị trường Đức và Thụy Sỹ

Đăng ngày: 19/04/2022 , 10:40 GMT+7
Theo tin từ Bộ Công Thương, trong 2 ngày 20 và 21/4/2022, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ tổ chức 02 phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Thụy Sỹ (20/4) và thị trường Đức (21/4) bằng cả hình thức trực tiếp (tại TP HCM) và trực tuyến qua nền tảng Zoom và Facebook. Được biết 02 phiên trên đều thuộc Chương trình cấp Quốc gia về Xúc tiến Thương mại.

Tư vấn xuất khẩu sang thị trường Thụy Sỹ

Tại Phiên tư vấn, ông Nguyễn Đức Thương, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ sẽ thông tin về tình hình quan hệ thương mại Việt Nam – Thuỵ Sỹ; giới thiệu tổng quan thị trường, vấn đề áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm chế biến (từ nông sản, thực phẩm…) sang thị trường Thụy Sỹ. Tiếp đó, bà Nguyễn Thị Thục, Chủ tịch Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam – Thuỵ Sỹ sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam các biện pháp, cách thức phù hợp để tiếp cận thị trường Thuỵ Sỹ đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Dự kiến, một doanh nghiệp người Việt tại Thuỵ Sỹ chuyên nhập khẩu các mặt hàng thuỷ sản cũng sẽ tham gia chia sẻ kinh nghiệm thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Phiên tư vấn.

Những năm qua, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sỹ phát triển tích cực. Đến nay, hành lang pháp lý trong quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam với Thụy Sỹ đã tương đối đầy đủ. Hai nước đã ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, hiệp định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ... Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng cho phép doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác kinh doanh. Cơ chế quản lý xuất nhập khẩu cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng hàng hoá của Thụy Sỹ rất tương đồng với những quy định của EU. Thụy Sỹ vẫn dành cho Việt Nam chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP khi xuất khẩu hàng hoá sang Thụy Sỹ.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sỹ nhìn chung tăng trưởng khá tốt. Theo số liệu của Hải quan Thụy Sỹ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng từ 1,53 tỷ USD năm 2015 lên 2,407 tỷ USD năm 2021. Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang thị trường Thụy Sỹ.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sỹ cũng không ngừng mở rộng. Số lượng các nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Sỹ tính theo mã HS 2 số đã tăng từ 80 nhóm hàng năm 2015 lên 92 nhóm hàng năm 2021.

Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sỹ đạt 1,878 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thụy Sỹ là: máy móc thiết bị điện và linh kiện (chủ yếu điện thoại di động) đạt 485,9 triệu USD; giày dép đạt 427,4 triệu USD; dệt may đạt 413,2 triệu USD; nông sản thực phẩm đạt 143,2 triệu USD; máy móc và thiết bị cơ khí đạt 78,7 triệu USD…

Xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam sang Thụy Sỹ tập trung vào thủy sản (56,1 triệu USD), cà phê (29,8 triệu USD), thực phẩm chế biến (22,6 triệu USD), hạt điều (15,8 triệu USD)... Đây được coi là những mặt hàng còn nhiều tiềm năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang Thụy Sỹ.

Tại Việt Nam hiện có hơn 100 công ty Thuỵ Sỹ đang hoạt động, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Nestle, ABB, Novatis, Roche, Holcim… Nhiều doanh nghiệp Thuỵ Sỹ đang rất quan tâm tới mở rộng các cơ hội hợp tác kinh doanh với Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, để tăng cường xuất khẩu sang Thụy Sỹ, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường giàu tiềm năng này. Việc tham gia Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Thụy Sỹ sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có được những thông tin hữu ích liên quan đến việc xuất, nhập khẩu hàng hóa với thị trường Thuỵ Sỹ.

Tư vấn xuất khẩu sang thị trường Đức

Đức là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu và đứng thứ 4 trên thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2020, tổng GDP của Đức đạt 3.806 tỷ USD (chỉ đứng sau Mỹ: 20.937 tỷ USD, Trung Quốc: 14.723 tỷ USD, Nhật Bản: 5.065 tỷ USD). GDP cũng thể hiện sức mua của một nền kinh tế, và vì vậy không ngạc nhiên khi Đức là một trong những thị trường có sức mua lớn trên thế giới, người tiêu dùng Đức có khả năng chi trả mức cao cho hàng hóa tiêu dùng.

Trong nhiều năm qua, Đức vẫn duy trì là quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đứng thứ 3 trên thế giới (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc). Theo thống kê của ITC Trademap, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đức là 2.550 tỷ USD (chiếm khoảng 67% GDP của Đức),trong đó xuất khẩu đạt 1.378 tỷ USD còn nhập khẩu đạt 1.172 tỷ USD.

Đối với hàng nông sản, mặc dù tỷ trọng trong tổng nhập khẩu không lớn nhưng Đức vẫn là nước EU nhập khẩu nhiều nhất các sản phẩm rau quả tươi và chế biến (23,1 tỷ USD), chè – cà phê – gia vị (4 tỷ USD), thủy sản chế biến (1,65 tỷ USD), mật ong (274 triệu USD)… (Theo số liệu của Trademap ITC năm 2020).

Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm... với thị trường Đức như yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu... ngày 21/4/2022, Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Đức tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Đức.

Diễn giả, báo cáo viên của Phiên tư vấn bao gồm đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức, Lãnh đạo các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, Ủy ban Chuyên gia Hiệp hội phát triển Kinh tế và Ngoại thương toàn cầu (BWA), Hiệp hội kinh tế vừa và nhỏ liên bang (BVMW) và đại diện một số các nhà nhập khẩu ở Đức. Đặc biệt, tại Phiên tư vấn, Tiến sỹ Rene Schäfer, Chuyên gia tư vấn luật quốc tế, Công ty Dornbach GmbH sẽ thông tin tới các doanh nghiệp Việt Nam về Bộ phận thông tin Việt Nam tại Đức (Vietnam Desk), nơi cung cấp, chia sẻ nhiều thông tin giá trị hỗ trợ doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Đức phát triển các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư.

Sự kiện sẽ được tổ chức trực tiếp tại khách sạn Viễn Đông, 275A Phạm Ngũ Lão, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.

Cộng hoà liên bang Đức được biết đến là một trong số những thị trường tiêu dùng “khó tính” nhất trên thế giới. Người tiêu dùng Đức thường rất kỹ tính, bảo thủ và trung thành với các thương hiệu quen thuộc. Ước tính có khoảng 60% người tiêu dùng sẵn sàng mua nhiều lần cùng một nhãn hiệu đã sử dụng (Santandertrade, 2021). Vì thế người Đức thường ưu tiên sử dụng các sản phẩm trong khu vực Châu Âu, sản phẩm quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người tiêu dùng Đức cũng ngày càng cởi mở hơn với hàng hóa quốc tế.

Trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới bị ảnh hưởng chung, thị trường Đức vẫn là điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Đức năm 2021 đạt trên 11,13 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu sang Đức đạt trên 7,25 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2020. Nhập khẩu từ Đức đạt khoảng 3,88 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Các mặt hàng xuất khẩu chính là máy móc thiết bị, điện thoại, giày dép, dệt may, cà phê, thủy sản... Các mặt hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất, linh kiện phụ tùng ô tô...

3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 2,12 tỷ USD, tăng 25,1%. Nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Đức đạt 929,4 triệu USD, tăng 10,6%.

Như vậy, năm 2021 Việt Nam xuất siêu sang Đức 3,37 tỷ USD, 3 tháng đầu năm nay xuất siêu gần 1,2 tỷ USD. Đây là một tín hiệu rất khả quan và nằm trong xu hướng tăng chung của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và EU sau hơn 1 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do EVFTA.

PV

Đăng ngày: 19/04/2022 , 10:40 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác