Cơ cấu và kết quả đạt được nổi bật
Đối với lĩnh vực CNHT ngành điện từ Việt Nam, sự phát triển có tính đặc thù và khá chênh lệch giữa các sản phẩm trong ngành này. Có thể thấy sự khác biệt đó qua những số liệu thông kế về tỷ trọng xuất khẩu của điện thoại di động chiếm phần lớn với 73%, phần còn lại chủ yếu là mạch điện tử và mạch tích hợp cung cấp cho máy tính và thiết bị ngoại vi. Đây là những mảng sản xuất chủ lực của lĩnh vực sản xuất CNHT ngành điện tử Việt Nam hiện nay.
Về xuất nhập khẩu, trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp điện tử và CNHT của điện tử đã đóng vai trò to lớn , chiếm tỷ trọng trên 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước các năm 2021 – 2022. Khi Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD năm 2021 thì ngành điện tử Việt Nam xuất siêu 11,5 tỷ USD và năm 2022, Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD thì ngành công nghiệp điện tử xuất siêu là 11,24 tỷ USD. Số liệu cho thấy ngành công nghiệp điện tử đã đóng góp đáng kể trong việc đảm bảo cân bằng nguồn cung ngoại hối cho đất nước và đảm bảo cho việc thanh toán ngoại hối của Việt Nam trong tất cả ngành công nghiệp chế biến chế tạo khác.
Về thị trường, thị trường xuất khẩu của Việt Nam lớn nhất là 2 thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đối với dòng sản phẩm điện tử của Việt Nam là điện thoại và linh kiện thì thị trường Trung Quốc chiếm 34% và Hoa Kỳ chiếm 13%, còn lại là các thị trường khác. Đối với sản phẩm máy tính và linh kiện thì Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường chính với thị phần tương ứng là 33% và 16%, đây là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Về thị trường nhập khẩu linh kiện điện thoại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc. Thị trường xuất khẩu máy tính và linh kiện của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Hàn Quốc và Trung Quốc, kế đó là Nhật Bản.
Xu hướng nền kinh tế toàn cầu 2023
Kinh tế toàn cầu 2023 được dự báo suy thoái nhẹ, cục bộ và ngắn hạn. Lạm phát toàn cầu đã qua đỉnh và đang hạ nhiệt. Giá hàng hóa giảm nhưng nhu cầu của người tiêu dùng cũng giảm đáng kể, đặc biệt là các mặt hàng công nghệ cao. Xung đột địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp có thể kéo theo cấm vận, trả đũa, gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Biến đổi khí hậu cực đoan và dịch bệnh vẫn đang là nguy cơ thách thức nền kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, các rủi ro, thách thức chính của năm 2022 là cơ sở để dự báo cho năm 2023. Đối với lĩnh vực CNHT ngành điển tử Việt Nam, trên cơ sở thực trạng, kết quả đạt được năm 2022, dự báo về rủi ro, thách thức của năm 2023 sẽ có xu hướng với 4 tăng, 2 giảm. Thứ nhất, khó khăn đặt ra khi 4 tăng đều là những vấn đề bất lợi cho sự phát triển của công nghiệp điện tử Việt Nam, gồm: 1. Tính không chắc chắn gia tăng (chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh,...); 2. Lạm phát, lãi suất tăng và duy trì ở mức cao; 3. Rủi ro tài chính gia tăng (lãi suất tăng, tỷ giá hối đoái tăng, rủi ro nợ tăng,...),điều này kéo theo chi phí sản xuất của các doanh nghiệp gia tăng; 4. Rủi ro về an ninh năng lượng, gia tăng an ninh lương thực, an ninh chuỗi cung ứng. Những rủi ro này đang giảm dần vào năm 2023 nhưng những tác động của nó tới hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng rõ nét. Thứ hai là 2 giảm nhưng sự giảm này cũng không mang tính tích cực khi cái giảm lại là biên lợi nhuận của doanh nghiệp giảm và đà phục hồi kinh tế giảm (+3% năm 2022) và suy thoái nhẹ, cục bộ vào năm 2023. Chi phí sản xuất của doanh nghiệp lớn, hiệu quả kinh doanh không được cao.
Dự doán cho năm 2023, xu hướng phát triển nhanh về kinh tế số, tài chính xanh, chuyển đổi năng lượng, bất động sản xanh… làm nảy sinh những biến động lớn ảnh hưởng rất nhanh đến toàn ngành sản xuất công nghiệp đó là sự phát triển nhanh như vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI),khả năng nó sẽ làm thay đổi toàn bộ quan niệm, hành vi về sản xuất và tiêu dùng trên toàn cầu.
Cơ hội và thách thức
Với sự phát triển của công nghệ, sản phẩn điện tử ngày càng hiện đại, đa dạng, thói quen và hành vi tiêu dùng mới của khách hàng được hình thành, các hình thức mua sắm trực tuyến được ưa chuộng. Khách hàng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến tính ứng dụng thực tế của các sản phẩm/thiết bị điện tử hơn là các thiết bị cao cấp (Flagship). Một thói quen thường thấy trước COVID-19 là khách hàng hay thay đổi thiết bị cao cấp, nay nhu cầu đã giảm đi rất nhiều. Các nhà sản xuất điện tử cũng căn cứ vào hành vi tiêu dùng này để điều chỉnh định hướng tổ chức sản xuất và năng lực sản xuất các loại thiết bị điện tử nhằm đảm bảo hiệu quả.
Mặc dù thực tế có nhiều thách thức, rủi ro nhưng nhiều nhà kinh tế, chuyên gia đánh giá Việt Nam đang được hưởng lợi từ những thay đổi này trong đó các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa để đóng góp nhiều hơn vào chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính do điều chỉnh chuỗi cung ứng sau COVID-19. Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam chuyển dịch từ một nền kinh tế đang phát triển sang nền kinh tế mới nổi. Đây là bước phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Việc tăng cường thu hút FDI cùng xu hướng dịch chuyển đầu tư và sản xuất sang Việt Nam, tạo cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, tạo nhiều việc làm hơn và tăng chuỗi cung ứng. Các nước thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và khu vực, việc phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA,… diễn ra khẩn trương hơn, tạo thuận lợi cho thương mại và chuyển dịch đầu tư trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt là điện tử. Việt Nam có cơ hội lựa chọn những nhà đầu tư, dự án FDI với những công nghệ chất lượng.
Những cơ hội mở ra nhưng cũng có những thách thức cho ngành CNHT Điện tử Việt Nam đó làchính sách của nhà nước không theo kịp sự thay đổi. Việc thay đổi thói quen và phương thức tiêu dùng ở trạng thái bình thường mới đòi hỏi Việt Nam phải kịp thời điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài để đảm bảo dòng vốn FDI có chọn lọc. Ưu tiên công nghệ tiên tiến, bền vững và có sức lan tỏa cho nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, nguy cơ tụt hậu xa hơn do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh, buộc phải phát triển dựa trên đổi mới, sáng tạo; Lao động giá rẻ và sự sẵn có của tài nguyên thiên nhiên không còn là lợi thế. Sự thiếu nguồn lực về lao động có kỹ năng, tài chính và công nghệ để tiếp nhận giá trị công nghệ tiên tiến từ dòng vốn FDI, Rủi ro chuyển giao công nghệ vào Việt Nam thấp và trung bình. Các thách thức an ninh phi truyền thống: biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên thiếu bền vững sẽ tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
PV.
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại - Số 6/2023