Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu: Xây dựng chính sách cần cố gắng có những đột phá, cụ thể, tránh quy định chung chung - Ảnh: VGP
Sản xuất công nghiệp giữ vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế quốc gia
Phát biểu tại Phiên họp, đại diện cơ quan chủ trì xây dựng Luật, Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công thương, ông Trương Thanh Hoài đã nêu lên các căn cứ pháp lý của Đảng, Nhà nước về xây dựng Luật phát triển công nghiệp (Luật PTCN), đồng thời cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã dần trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của thế giới và thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp (CIP) trung bình cao toàn cầu và ASEAN-4 với vị trí thứ 36 trên thế giới và đứng thứ 17 về xuất khẩu công nghiệp chế biến, chế tạo (năm 2019) với một số ngành công nghiệp đã cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu như điện tử, dệt may, da giày... Công nghiệp ngày càng khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế quốc gia. Mặc dù vậy, trong quá trình hình thành và phát triển, nền công nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc gây cản trở quá trình đột phá, tiến đến phát triển bền vững. Do đó, cần thiết phải xây dựng Luật PTCN để phát triển nền công nghiệp quốc gia.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công thương
Đại diện Bộ Công thương cho biết, dự kiến Luật này quy định về các biện pháp phát triển công nghiệp Việt Nam thông qua liên kết ngành, chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; phân bố, tái phân bố, liên kết vùng trong phát triển công nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp; phát triển bền vững trong công nghiệp; phân công, phân cấp quản lý nhà nước trong công nghiệp.
Đại diện Bộ Công thương cũng đã đưa ra 6 chính sách lớn để lấy ý kiến góp ý tại Phiên họp, cụ thể: Định hướng phát triển công nghiệp; Tăng cường liên kết ngành chuyên môn hóa theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp; Thúc đẩy phân bố không gian công nghiệp, liên kết vùng trong phát triển công nghiệp; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp; Phát triển bền vững trong công nghiệp; Thực hiện phân công, phân cấp trong phát triển công nghiệp.
Vấn đề công nghiệp đang được quy định rải rác trong nhiều văn bản luật khác nhau
Nhiều trăn trở về việc phát triển nền công nghiệp Việt Nam, Ông Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp, Bộ Công thương chia sẻ một thực tế của các nước phát triển công nghiệp là: Không có nước phát triển công nghiệp nào mà không có 1 đạo luật về phát triển công nghiệp, trong khi nước ta đã định hướng xây dựng sự nghiệp công nghiệp hóa suốt nhiều năm mà chưa có 1 đạo luật về công nghiệp, do vậy đồng chí nhấn mạnh, việc xây dựng Luật PTCN là rất cần thiết. Về 6 chính sách mà đơn vị chủ trì đưa ra, PGS, TS. Phan Đăng Tuất, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, “rất khó để nói thiếu, đủ hay thừa, nhưng là phù hợp để có thể tuyên chiến được cho những ai chưa hiểu về công nghiệp” và theo quan điểm của ông “chừng ấy vấn đề là cần thiết”.
Cùng đưa ra ý kiến về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư , Lê Thủy Trung nêu thêm: mặc dù nước ta chưa có 1 đạo luật về phát triển công nghiệp, nhưng đã có các văn bản điều chỉnh khác như các Chiến lược ngắn hạn, dài hạn về phát triển công nghiệp, Quy hoạch phát triển ngành... Hiện nay, khung pháp lý cũng đã có rồi, tuy nhiên các vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp được quy định rải rác tại nhiều văn bản luật khác nhau như: Luật Điện lực, luật Dầu khí, luật Khoáng sản, Luật Khoa học công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Công nghiệp quốc phòng... Vấn đề đặt ra là xây dựng một luật khung hay một luật chi tiết? Nếu là luật khung đưa ra các chính sách chung thì việc quy định văn bản chi tiết dưới luật sẽ dễ sử dụng, phù hợp với thực tiễn. Còn xây nếu xây dựng 1 luật cụ thể thì mỗi lần sửa luật sẽ khó. Đồng chí cũng nhận định các chính sách đưa ra là phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước…
Các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến sự cần thiết xây dựng Luật; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, khả thi của Luật; tính dự báo, điều kiện về nguồn lực, giải pháp để thực hiện; tính tương thích của chính sách với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Trần Anh Đức thì hồ sơ, trình tự thủ tục của đề nghị xây dựng Luật được thực hiện đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặc dù chưa có 1 đạo luật khung về phát triển công nghiệp nhưng hệ thống pháp luật nước ta đã có nhiều Luật có quy định các vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp như: Luật Điện lực, luật Đất đai, luật Thuế, Luật Công nghệ cao, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... vì vậy cần tiếp cận việc xây dựng Luật này giống như một Luật khung để điều chỉnh toàn diện các vấn đề chung về phát triển công nghiệp Việt Nam.
Các thành viên Hội đồng thẩm định
Nhất trí các quan điểm đã nêu tại Phiên họp, Trưởng phòng Kiểm tra khối kinh tế, đại diện của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, ông Trần Mạnh Hiếu nêu lên băn khăn về nguyên tắc áp dụng pháp luật của Luật này là nếu có sự khác nhau giữa các Luật về cùng một vấn đề thì áp dụng Luật này. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, nếu không làm rõ vấn đề áp dụng pháp luật tại Luật này thì sẽ phá vỡ nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau, đồng thời cũng sẽ có thể dẫn đến tình trạng xung đột các luật trong quá trình tổ chức thực hiện.
Rà soát các quy định pháp luật để có sự thống nhất chung
Trên cơ sở các ý kiến tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật PTCN. Thứ trưởng cho biết, chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước trong thời gian qua về phát triển nền quốc gia là rất rõ. Nền công nghiêp Việt Nam trong thời gian qua cũng có nhiều lúc thăng trầm, chưa nhất quán, do đó việc xây dựng luật lần này phải khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong phát triển công nghiệp Việt Nam.
Thứ trưởng lưu ý cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật. Phạm vi điều chỉnh phải xác định phù hợp hơn với tên gọi, đồng thời tiếp tục rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật khác để tránh chồng chéo, trùng lắp trong phạm vi điều chỉnh.
Thứ trưởng cũng đề nghị tiếp tục rà soát chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quy định trong luật. Chính sách nào đã được quy định trong các luật khác thì không quy định lại trong luật này. Trong xây dựng chính sách cần cố gắng có những đột phá, cụ thể, tránh quy định chung chung. Đồng thời cũng phải rà soát các chính sách liên quan đến phân công, phân cấp cho các Bộ, ngành để tránh chồng chéo trong các quy định của luật khác về chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành…
PV.