Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030

Đăng ngày: 03/02/2021 , 16:05 GMT+7

(DNTM) Nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ; hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ vừa banh hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể là phát triển và làm chủ được 20 công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao của doanh nghiệp.

Gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong công nghiệp chế biến chế tạo, tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.

Xây dựng và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước.

Các chương trình thành phần

Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 bao gồm 3 chương trình thành phần: 1- Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; 2- Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì; 3- Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Cụ thể:

1. Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì:

a) Nghiên cứu, làm chủ, phát triển các công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc 04 lĩnh vực công nghệ ưu tiên bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và công nghệ vật liệu mới.

b) Ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, sản xuất sản phẩm và cung ứng các dịch vụ công nghệ cao:

- Xây dựng và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu theo quy định, các hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc các thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ.

2. Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì:

a) Nghiên cứu, làm chủ, phát triển các công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong lĩnh vực công nghiệp.

b) Ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp:

- Xây dựng và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào lĩnh vực công nghiệp;

- Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp đã được nghiệm thu, các hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc các thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ.

c) Xây dựng và phát triển công nghiệp công nghệ cao:

- Xây dựng, phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường logistics, kinh tế số và phát triển thương mại điện tử trên cơ sở triển khai đồng bộ với các Chương trình khác như Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình thương hiệu quốc gia;

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao trên cơ sở lồng ghép với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Khuyến khích, hỗ trợ một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong các ngành kinh tế trọng điểm của đất nước nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

3. Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì:

a) Nghiên cứu, làm chủ, phát triển các công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

b) Ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp:

- Xây dựng và triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào lĩnh vực nông nghiệp.

- Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp đã được nghiệm thu, các hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc các thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ.

c) Xây dựng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:

- Xây dựng, phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao để phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu;

- Phối hợp, hỗ trợ địa phương trong việc ứng dụng công nghệ cao vào vận hành, hoạt động có hiệu quả, phát huy vai trò hạt nhân về công nghệ của các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình gồm: Hoàn thiện thể chế; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả nghiên cứu, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ; hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao; nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của công nghệ cao.

VH.

Đăng ngày: 03/02/2021 , 16:05 GMT+7

Tin liên quan