Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần sớm tiêm vắc xin cho người lao động để duy trì ổn định sản xuất
Khó khăn trong việc duy trì sản xuất
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã và đang làm cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, luôn thường trực nguy cơ lây nhiễm. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phía Nam do không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất dẫn đến nguy cơ các đơn hàng bị hủy hoặc bị phạt hợp đồng. Chi phí sản xuất tăng đáng kể.
Trước tình hình đó, để duy trì sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hoá, vấn đề sức khoẻ của người lao động là điều kiện cần và cấp thiết để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.
Đại diện cho các doanh nghiệp hội viên, VASI kiến nghị các cơ quan ban ngành cần hỗ trợ ưu tiên cho các doanh nghiệp CNHT được tiêm vaccine phòng Covid-19 sớm nhất có thể. Đối tượng ưu tiên là người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất theo đúng chủ trương thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ đã đề ra. Đây là nguyện vọng lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp CNHT hiện nay. Danh sách doanh nghiệp CNHT đã được VASI tập hợp và gửi lên Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương.
Hiện nay, các doanh nghiệp trong vùng dịch đang thực hiện “3 tại chỗ”, Nhà nước cần có cơ chế cho phép được test nhanh và khử khuẩn 1 tuần 1 lần; hỗ trợ một phần chi phí cho việc test Covid-19 cho nhân viên và tài xế khi thực hiện giao nhận, vận chuyển hàng hoá.
Bên cạnh đó, VASI cũng đề nghị cần thống nhất quy định về yêu cầu xét nghiệm, sử dụng chung kết quả xét nghiệm giữa các địa phương, chấp nhận kết quả xét nghiệm điện tử, loại bỏ việc khai báo, kiểm tra quá mức cần thiết, tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa của doanh nghiệp.
Trong dài hạn, VASI cho rằng, cần thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch Covid-19 chung trên cả nước, tránh tình trạng địa phương hoá quá mức, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Giảm áp lực tài chính trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh
Liên quan gói giải pháp giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh, VASI đề nghị Nhà nước cần xem xét hỗ trợ miễn, giảm các khoản thuế, phí, bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho phép giãn nộp, miễn giảm các khoản thuế và nghĩa vụ thêm từ 6 tháng – 1 năm như: giãn nộp các loại phí bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Kinh phí công đoàn),giãn nộp thuế đất, các khoản nộp thuế VAT, không tăng tiền thuê đất định kỳ trong 2 năm 2021-2022.
Tuy nhiên, vấn đề nộp bảo hiểm xã hội đang xảy ra bất cập. Theo VASI, nhiều doanh nghiệp đang phải thực hiện 3 tại chỗ, một số nhân viên phải nghỉ việc song vẫn phải đóng khoản phí này đầy đủ hàng tháng là không phù hợp.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cần hỗ trợ giảm lãi suất vay từ ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp hiện nay.
PV.