Tiếp nhận kiến nghị tháo gỡ vướng mắc của 42 doanh nghiệp, hiệp hội

Đăng ngày: 06/12/2021 , 23:12 GMT+7

Theo Báo cáo Kết quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, kể từ khi thành lập đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của 42 đơn vị hiệp hội, doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của 42 đơn vị hiệp hội, doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, Bộ đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, tiếp nhận ý kiến, trao đổi với các nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện tháo gỡ các kiến nghị, vướng mắc khó khăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đối thoại trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng 10 tỉnh, thành khu vực phía Nam; đồng thời, trao đổi với Bộ Y tế phối hợp cùng các địa phương sớm có lộ trình từng bước kiểm soát, liên tục điều chỉnh kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh, duy trì sản xuất và thích ứng an toàn trong trạng thái “bình thường mới”.

Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rà soát, phối hợp với các bộ, cơ quan đề xuất các phương án xử lý, cập nhật tiến độ, đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ được giao trên cơ sở Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 và tính đến nay đã hoàn thành khoảng 90% nhiệm vụ, giải pháp có thời hạn hoàn thành trong tháng 9/2021; các nhiệm vụ, giải pháp còn lại đang được tích cực triển khai để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân khôi phục hoạt động, sản xuất kinh doanh…

Theo phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp, các chính sách và giải pháp nêu trên đã góp phần quan trọng và tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp và địa phương. Đến nay, việc ban hành kịp thời hướng dẫn khôi phục sản xuất, kinh doanh theo tình hình mới, nhiều doanh nghiệp và người lao động đã quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh có tỷ lệ rất cao như: tỉnh Đồng Nai: 97% doanh nghiệp đang hoạt động với 85% tổng số lao động đang làm việc.

Trong ngành điện tử, dệt may, công suất hoạt động đạt 80-90% so với trước đây. Đối với lĩnh vực hàng không, trong tháng 11 các hãng hàng không có thể khôi phục được 90% các đường bay nội địa, ngoài ra một số tỉnh thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Các doanh nghiệp ngành nghề du lịch, nhà hàng, khách sạn cũng đang chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp tiếp tục phản ánh còn một số vấn đề khó khăn nổi cộm nhất là: thiếu hụt trầm trọng lao động, áp lực về lao động rất lớn để duy trì các đơn hàng cuối năm, tỷ lệ lao động trở lại nhà máy thấp do lao động có tâm lý ở lại quê ăn Tết; lao động chưa được tiêm vaccine; thiếu vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo về các bộ, cơ quan (thành viên Tổ công tác) tiếp tục chủ động rà soát, nghiên cứu xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời, chủ động, triển khai xây dựng Kế hoạch hoạt động, Kế hoạch kiểm tra trong tháng cuối năm 2021.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 về thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức kiện toàn Tổ công tác, thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận và giải quyết vướng mắc, khó khăn và theo dõi tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

 (Theo TTXVN)

Đăng ngày: 06/12/2021 , 23:12 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác