Đẩy mạnh các giải pháp thực hiện chăm lo, bảo đảm đời sống cho người lao động. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn
Trong thời gian qua, với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm và bảo đảm an sinh xã hội đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, ở một số nơi, công tác hỗ trợ vẫn chưa đạt kết quả mong muốn; một bộ phận doanh nghiệp và người lao động vẫn còn nhiều khó khăn; đặc biệt, do nhu cầu cần trang trải cuộc sống trước mắt, một bộ phận người lao động đã chuyển sang hưởng bảo hiểm xã hội một lần làm ảnh hưởng không tốt đến chính sách đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, bền vững đối với người lao động và sự phát triển ổn định của thị trường lao động.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, ổn định và phát triển thị trường lao động, đảm bảo đời sống an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Tiếp tục tăng cường tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; đảm bảo hoàn thành trong tháng 8 năm 2022.
Tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách còn hiệu lực theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch COVID-19, chủ động tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp và tập trung hướng dẫn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Trên cơ sở đó, khẩn trương tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Đẩy mạnh các giải pháp thực hiện chăm lo, bảo đảm đời sống cho người lao động, tổ chức thông tin, điều tiết kết nối cung - cầu lao động, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường lao động.
Tập trung nguồn lực, tăng cường các biện pháp chỉ đạo thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả công việc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xã hội, lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, không để xảy ra tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyển hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; hướng dẫn, đôn đốc và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện; xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
PV.