Trong giai đoạn 2010 – 2019, kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 17,6%/năm, cao hơn mức tăng trưởng thương mại trung bình của Việt Nam với thế giới cùng giai đoạn, giảm bớt hàng rào thuế quan (trong khuôn khổ ACFTA),tháo gỡ vướng mắc hợp tác kinh tế thương mại (trong khuôn khổ đối thoại ASEAN – Trung Quốc)…
Từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ với Bộ Thương mại Trung Quốc và các cơ quan liên quan để nhanh chóng nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn và trao đổi các biện pháp nhằm duy trì tăng trưởng thương mại, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa giữa hai Bên. Bộ Công Thương đã sớm tiến hành điện đàm với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc (tháng 4/2020 và tháng 06/2021) và thường xuyên trao đổi công thư và công hàm khi phát sinh các vấn đề trong thương mại song phương, duy trì kênh đối thoại Nhóm công tác hợp tác kinh tế thương mại thông qua việc tổ chức kỳ họp lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến.
Điều đó góp phần duy trì trao đổi thương mại, đảm bảo chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất và xuất khẩu, nhiều mặt hàng trái cây nông sản (đặc biệt là vải) vẫn được xuất khẩu ổn định vào cao điểm thu hoạch và bùng phát dịch tại Việt Nam…. Nhờ vậy, trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế thế giới do tác động tiêu cực của đại dịch, thương mại Việt Nam – Trung Quốc vẫn tăng trưởng hai con số và trở thành điểm sáng trong ngoại thương của mỗi nước.
Triển khai kết quả các cuộc Điện đàm giữa Bộ trưởng hai Bộ thời gian qua và nhân dịp Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung, Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ về “Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2021-2025” và Bản ghi nhớ về “thành lập Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung”.
Tại các Bản ghi nhớ, hai Bên đã đạt được sự đồng thuận về việc: (i) Thúc đẩy thương mại song phương phát triển một cách ổn định, cân bằng, bền vững và thành lập Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại nhằm kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh và tháo gỡ khó khăn, rào cản đối với thương mại song phương, trong đó bao gồm tạo thuận lợi thông quan hàng hóa qua cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc; (ii) Hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường khả năng chống chịu và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong và sau đại dịch Covid-19; (iii) Tăng cường khai thác, tận dụng Tuyến vận tải công-ten-nơ liên vận đường sắt Việt - Trung trong thương mại song phương, nhất là vận tải nông sản qua các cửa khẩu đường sắt Việt Nam – Trung Quốc nhằm giảm áp lực thông quan tại các cửa khẩu đường bộ và đường biển…
Các Bản ghi nhớ là cơ sở quan trọng để hai bên triển khai các chương trình, nội dung hợp tác hiệu quả, góp phần giải quyết các vấn đề, khó khăn vướng mắc trong quan hệ thương mại song phương nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng thương mại hai nước như nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
PV.