Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Chương trình hành động nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị, trong đó xác định rõ nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Tiếp tục thể chế hóa nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 21-KL/TW, nhất là những vấn đề về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Bảo đảm đồng bộ, gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Chương trình hành động này với thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các bộ, ngành, địa phương cần tiến hành quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ bảo đảm thực chất, hiệu quả; kết hợp chặt chẽ, hài hòa các nhiệm vụ, giải pháp “xây” và “chống” theo chủ trương của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị gắn với phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị.
6 nhiệm vụ, giải pháp
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
1- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 21-KL/TW và Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị.
2- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình.
3- Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
4- Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách.
5- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
6- Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trong đó, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân.
Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị; quán triệt, tập trung làm tốt, đầy đủ nội dung học tập, làm theo và nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong nội bộ, bảo đảm nghiêm túc, thẳng thắn, “tự soi”, “tự sửa”; gắn kiểm điểm tự phê bình cá nhân với kiểm điểm tập thể, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân đối với khuyết điểm của tập thể; có biện pháp để phòng ngừa và tự giác khắc phục khuyết điểm, hạn chế; kiên quyết khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chạy theo thành tích.
Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án để bảo đảm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ cùng với hoạt động truy tố, xét xử của cơ quan có thẩm quyền. Chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra các vụ án, xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là những vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Xử lý kiên quyết, kịp thời, đúng pháp luật những hành vi tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí, nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, tài nguyên quốc gia và những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định bảo vệ người tố cáo về tham nhũng, tiêu cực. Khen thưởng, biểu dương, động viên kịp thời những mô hình hay, các điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu, có sức lan toả lớn trong xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
PV.