Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hợp tác GMS trong giai đoạn tới cần ưu tiên 6 nội dung quan trọng, trước hết là ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh; bảo đảm chuỗi cung ứng khu vực không bị đứt gãy. - Ảnh: VGP
Thưa Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Vương quốc Campuchia,
Thưa Ngài Masatsugu Asakawa, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á,
Thưa quý vị Lãnh đạo các nước thành viên GMS,
Thưa Quý vị đại biểu và các vị khách quý,
Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7. Trước hết, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin gửi tới các vị lãnh đạo, các quý vị đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Tôi đánh giá cao và hoan nghênh công tác chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà Campuchia và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để tổ chức Hội nghị lần này theo hình thức trực tuyến. Tôi đặc biệt hoan nghênh sự tham gia của đại diện 31 tổ chức quốc tế và đối tác phát triển cũng như khối doanh nghiệp trong và ngoài khu vực chúng ta. Sự tham dự đông đảo của quý vị thể hiện sự quan tâm, vai trò quan trọng của Campuchia và tiềm năng phát triển của các nước khu vực Mekong.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua những biến động chưa từng có; đại dịch COVID-19 và các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số… đã và đang tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội và ở tất cả các quốc gia. Đây là khó khăn, đồng thời là cơ hội để các nước thành viên GMS thể hiện nỗ lực, quyết tâm, cùng nhau đoàn kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ đề của Hội nghị là “GMS: Củng cố sức mạnh để đối mặt với những thách thức của thập kỷ mới”. Chúng ta không chỉ đối mặt mà cần ứng phó có hiệu quả với những thách thức của thập kỷ mới.
Thưa Quý vị,
Tiểu vùng Mekong mở rộng đóng vai trò chiến lược trong tiến trình hội nhập quốc tế và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Châu Á. Đây là nơi thử nghiệm thành công mô hình hợp tác tiểu vùng đầu tiên tại châu lục; là cầu nối giữa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN.
Trong gần ba thập kỷ qua, hợp tác GMS với sự tham gia của tất cả các nước ở lưu vực sông Mekong đã không ngừng mở rộng và phát triển, khẳng định uy tín và bản sắc riêng. Việc triển khai chiến lược 3C “Kết nối, Cộng đồng và Cạnh tranh” đã góp phần tạo nên một khu vực GMS kết nối thông suốt hơn, gắn kết hơn giữa người dân và phối hợp tốt hơn trong giải quyết những quan tâm chung của khu vực. Chúng ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong triển khai Kế hoạch hành động Hà Nội 2018 - 2022. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao những nỗ lực kịp thời vừa qua của GMS trong ứng phó đại dịch COVID-19, cải thiện hệ thống y tế cộng đồng và giúp các nền kinh tế từng bước phục hồi.
Những thành tựu của hợp tác GMS đã hỗ trợ hiệu quả cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, định hình cấu trúc khu vực với ASEAN làm trung tâm và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Chúng ta tiếp tục đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác bình bẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi giữa các quốc gia, góp phần quan trọng cho bảo vệ hoà bình, ổn định, hợp tác, và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp này, tôi chân thành cảm ơn và đánh giá rất cao ADB và các đối tác phát triển về những hỗ trợ quý báu, điều phối hiệu quả và huy động nguồn lực cho các chương trình hợp tác trong khuôn khổ GMS và với các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, chúng ta không chỉ đối mặt mà cần ứng phó có hiệu quả với những thách thức của thập kỷ mới. Ảnh: VGP
Thưa Quý vị,
Thời gian tới, chúng ta cần có tầm nhìn và các giải pháp mang tính chiến lược để vừa giải quyết một cách thực chất những vấn đề cấp bách hiện nay, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững, an toàn và bao trùm, toàn diện trong thập kỷ tới. Vì vậy, tôi hoan nghênh “Khung chiến lược GMS 2030” và “Kế hoạch ứng phó đại dịch COVID-19 và phục hồi của GMS giai đoạn 2021-2023”.
Là những nước láng giềng núi sông gắn liền, cùng chung dòng sông Mekong huyền thoại; có truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời; có quan hệ mật thiết và tình cảm ấm áp, gắn kết giữa các dân tộc anh em; việc phối hợp giải quyết những thách thức chung của khu vực và hỗ trợ nhau cùng phát triển là lợi ích và trách nhiệm của mỗi quốc gia chúng ta. Nỗ lực của mỗi quốc gia là quyết định, nhưng hợp tác quốc tế mới là đột phá. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã từng khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh”. Do vậy, càng khó khăn chúng ta càng cần phải đoàn kết hơn, gắn bó hơn, đồng lòng, tương trợ lẫn nhau để vượt qua thách thức; cùng nhau tạo nên bản lĩnh, uy tín, thương hiệu, giá trị bản sắc bền vững của GMS. Đồng thời, sự tin cậy chính trị và hợp tác trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, đồng thuận, cùng có lợi, hiệu quả, thiết thực, tôn trọng luật pháp quốc tế sẽ tiếp tục là điều kiện không thể thiếu cho thành công của GMS.
Với quan điểm như vậy, tôi đề nghị hợp tác GMS trong giai đoạn tới cần ưu tiên 6 nội dung quan trọng sau đây:
Thứ nhất là ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh. Trước dịch bệnh đang lây lan toàn cầu, tôi có thể nói không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc bệnh COVID-19; không có quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới vẫn còn phải chống dịch COVID-19. Do vậy, lúc này chúng ta cần ưu tiên hợp tác chặt chẽ, hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh COVID-19; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp để ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai có thể xuất hiện. Trước mắt, cần hỗ trợ tiếp cận vaccine và dược phẩm điều trị COVID-19 một cách cởi mở, bình đẳng và minh bạch; tăng cường chia sẻ vaccine qua các cơ chế đa phương và song phương; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để xây dựng và tự chủ sản xuất vaccine, thuốc chữa các loại dịch bệnh tại khu vực. Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu tiêm chủng vaccine bao phủ toàn dân nhanh nhất, sớm nhất có thể. Chúng tôi luôn đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết. Tôi đề nghị ADB nghiên cứu triển khai cơ chế tài chính linh hoạt hơn, ưu đãi hỗ trợ khẩn cấp các nước mua vaccine, thuốc phòng chống dịch và vật tư y tế; giúp doanh nghiệp các nước GMS thiết lập dây chuyền sản xuất vaccine và thuốc điều trị...Nhân đây, tôi cũng cảm ơn các nước sản xuất được vaccine, trong đó có Trung Quốc, đã chia sẻ, giúp đỡ các nước khác, trong đó có Việt Nam. Sự giúp đỡ này là rất quý giá trong điều kiện khan hiếm vaccine trên toàn cầu hiện nay. Tôi đề nghị các nước sản xuất được vaccine, trong đó có Trung Quốc, tiếp tục hỗ trợ các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai là bảo đảm chuỗi cung ứng khu vực không bị đứt gãy trong bối cảnh dịch bệnh. Điều hết sức cần thiết hiện nay là cần hài hoà, đơn giản hoá quy trình, thủ tục thông quan, mở “hành lang xanh” tại các cửa khẩu để vừa tạo thuận lợi cho lưu thông người và hàng hoá qua biên giới, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng dịch an toàn. Tôi cũng đề nghị các nước hạn chế áp dụng các rào cản thương mại; tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hoá qua biên giới như chúng ta đã cam kết trong GMS.
Thứ ba, tạo đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ, đặc biệt là giao thông và năng lượng để nâng cao tính liên kết và sức cạnh tranh của các nền kinh tế. Về giao thông, mục tiêu là hoàn thiện mạng lưới giao thông và các cửa khẩu, cảng biển GMS, ưu tiên là các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, Bắc - Nam, trục đường kết nối các trung tâm kinh tế lớn của khu vực như các vị vừa đề cập; thúc đẩy vận tải đa phương thức, kết nối giữa hệ thống cảng biển/đường thuỷ với mạng lưới đường bộ và đường sắt trong GMS, điển hình như dự án hợp tác Việt Nam - Lào về sử dụng chung Cảng Vũng Áng của Việt Nam. Về năng lượng, tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo và phát triển thị trường điện khu vực. Các nước GMS cần nghiên cứu mô hình, lộ trình chuyển đổi sang nền năng lượng phát thải thấp một cách hài hòa, hợp lý; nâng cao năng lực mua bán điện năng qua biên giới, vận hành hệ thống lưới điện liên kết, và phát triển cơ sở hạ tầng ngành điện với sự hỗ trợ của ADB và các đối tác phát triển khác.
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số nền kinh tế góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng, phục hồi kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển. Song song với hợp tác về phát triển hạ tầng số, các nước GMS cần: (1) Tăng cường thương mại điện tử qua biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, qua đó thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các loại nông sản có tính thời vụ. Tăng cường trao đổi, đối thoại hơn nữa về các chủ thể, chủ đề thương mại điện tử, thương mại số; phát huy vai trò của công nghệ số để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch, nhất là trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ; (2) Nâng cao trình độ và kỹ năng số cho doanh nghiệp và người lao động, người dân nói chung; (3) Phối hợp để xây dựng khung pháp lý phù hợp, giúp cho kinh tế số phát triển lành mạnh, nhanh nhưng đúng hướng, sâu rộng, bền vững, hiệu quả và hài hòa với lợi ích chung của toàn xã hội.
Thứ năm, xây dựng một GMS xanh, an toàn và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tình trạng hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn xảy ra ngày càng nghiêm trọng tại Tiểu vùng Mekong mở rộng. GMS cần trở thành hình mẫu hợp tác khu vực về tăng trưởng xanh, an toàn và bền vững, bao trùm, cùng nhau định hình khung hợp tác với một lộ trình hợp tác toàn diện và các biện pháp triển khai sáng tạo, cụ thể, linh hoạt; trong đó, yêu cầu cấp thiết là nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường hợp tác trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các dòng sông ở khu vực, đặc biệt là dòng sông Mekong; phù hợp với các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp giữa GMS với ASEAN và các cơ chế khu vực khác, các Hiệp định thương mại tự do khu vực như RCEP và các Hiệp định giữa ASEAN với đối tác, trong đó có Trung Quốc; khuyến khích sự tham gia của đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp để hợp tác GMS thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia, cộng đồng khu vực và toàn cầu. Trên cơ sở đó, tôi đề xuất tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên phát triển GMS với sự tham gia của các thành viên GMS và các đối tác phát triển khác để đánh giá, rà soát tiến trình hợp tác GMS cũng như mở rộng, thu hút thêm nguồn lực, ý kiến tư vấn từ các đối tác phát triển của GMS.
Thưa Quý vị,
Việt Nam luôn coi trọng hợp tác GMS xuất phát từ mong muốn củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng anh em và phối hợp cùng xây dựng một khu vực GMS ngày càng cởi mở, an toàn, hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, bao trùm. Là thành viên sáng lập của GMS, Việt Nam đã, đang và sẽ đóng góp hiệu quả vào thực hiện các mục tiêu và tầm nhìn chung của GMS.
Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng, trên cơ sở những định hướng chiến lược đã đề ra, cùng với quyết tâm của Chính phủ, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự đồng hành của ADB và các đối tác phát triển khác, hợp tác GMS sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, gắn kết, cùng có lợi; góp phần củng cố hoà bình và hợp tác, phát triển phồn vinh và thịnh vượng trong khu vực.
Tôi trân trọng cảm ơn và xin chúc Quý vị dồi dào sức khỏe.
Tôi tin tưởng và chúc Hội nghị thành công tốt đẹp./.
PV.