Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn
Đề án trên được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025 tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.
Mỗi tỉnh có từ 3 - 5 mô hình hợp tác xã nông nghiệp áp dụng biện pháp thích ứng hiệu quả
Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại nhằm phát triển bền vững các hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đề án phấn đấu đến năm 2025, 100% hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản và diêm nghiệp.
Mỗi tỉnh có từ 3 - 5 mô hình hợp tác xã nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, kết hợp mô hình kinh tế tuần hoàn để nghiên cứu, học tập và nhân rộng.
100% hợp tác xã nông nghiệp trong các lưu vực hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; bình quân các hợp tác xã trong lưu vực tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp từ 10% trở lên.
Đề án phấn đấu hình thành các diễn đàn về kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp, chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học, công nghệ, các sáng kiến, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiệm vụ và giải pháp Đề án đặt ra là truyền thông, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực; thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, liên kết chuỗi giá trị; xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc, theo dõi cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng ở những vùng, khu vực đang chịu sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng…
Phát triển đa dạng mô hình liên kết
Trong đó, Đề án triển khai hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp và người dân chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát huy hiệu quả các công trình đã được đầu tư ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (nhất là đối với hệ thống công trình cống Cái Lớn - Cái Bé); hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu luân canh, chuyển đổi mùa vụ sản xuất, sử dụng giống chống chịu phù hợp với hệ thống canh tác mới; sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, các tiêu chuẩn chất lượng chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, SRP, ASC…); áp dụng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản; phát triển đa dạng mô hình liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, giữa hợp tác xã với hộ nông dân, mô hình chuỗi giá trị nông sản khép kín của hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn, mô hình thích ứng biến đổi khí hậu kết hợp kiến thức bản địa.
Hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp và thành viên hợp tác xã phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, sơ chế, bảo quản, chế biến lúa gạo, trái cây, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản và diêm nghiệp; sử dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao.
PV.