Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020” được Tổng cục Hải quan cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Tạo thuận lợi thương mại - Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam phối hợp tổ chức công bố tại Hội thảo trực tuyến ngày 15/7/2021.
Đơn giản hóa và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, công tác cải cách, hiện đại hóa luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược của ngành Hải quan. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã và đang nỗ lực thực hiện công cuộc cải cách trong toàn ngành nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, nâng cao chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Từ kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng DN năm 2018, Tổng cục Hải quan đã nhận diện những vấn đề cần tiếp tục cải cách như: Đơn giản hóa và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính; đầu tư các máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại; chống phiền hà, sách nhiễu tiêu cực; tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan hải quan và các cơ quan khác…
Với nỗ lực đó, những năm qua ngành Hải quan đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan chủ trì, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực hải quan và lĩnh vực xuất nhập khẩu. Trong đó nổi bật là các văn bản về cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cải cách thủ tục hành chính, triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN như: Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”…
Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tính đến hết Quý II/2021, ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 203 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, chiếm 85,6% tổng số thủ tục hành chính do ngành Hải quan thực hiện. Hoàn thành việc tích hợp 72 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Ngành Hải quan cũng không ngừng cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, liêm chính trong thực thi công vụ; đổi mới phương pháp quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí, việc làm. Việc tổ chức thi đánh giá năng lực trong những năm vừa qua đã tạo ra phong trào học tập rộng khắp toàn ngành nhằm nâng cao trình độ, kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, qua đó phục vụ người dân và DN tốt hơn.
Nhiều chuyển biến tích cực
Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020” được thực hiện dựa trên kết quả phản hồi từ 3.657 DN xuất nhập khẩu trên toàn quốc trong năm 2020.
Báo cáo đã phản ánh chi tiết tình hình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, cũng như đề xuất kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi và góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng DN trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Đánh giá về báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Trưởng nhóm điều tra, nghiên cứu cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cùng những đứt gãy của thương mại toàn cầu diễn ra nghiêm trọng trong hơn một năm qua, báo cáo đã ghi nhận những đánh giá tích cực của cộng đồng DN đối với ngành hải quan và các bộ, ngành khác có liên quan trong nỗ lực cải cách thủ tục xuất nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại cho DN.
Thông qua khảo sát của Nhóm nghiên cứu, thực hiện Báo cáo cho thấy việc thực hiện các thủ tục hành chính hải quan đã thuận lợi hơn đối với các DN. Doanh nghiệp ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực khi tiến hành khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, hoàn thuế/không thu thuế, cho đến giải quyết khiếu nại... của các cơ quan hải quan. Lĩnh vực này cũng đang có một số cải cách lớn như gần đây đã có sự giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra sau thông quan, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động. Các DN cũng đánh giá cao hơn về chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức hải quan so với những năm trước. Mức độ thực hiện kỷ cương, tác phong làm việc và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức hải quan đều có những chuyển động tích cực.
So với các kết quả khảo sát lần trước, mức độ hài lòng của DN đối với cơ quan hải quan đã tăng lên đáng kể. Những chuyển biến đáng chú ý trong kết quả điều tra năm 2020 bao gồm: Thông tin về chính sách và thủ tục hành chính xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn. DN đánh giá cao hơn về chất lượng thông tin do cơ quan hải quan cung cấp; hài lòng hơn đối với công tác hỗ trợ, giải đáp của các cơ quan nhà nước khi DN gặp vướng mắc về tiếp cận thông tin. Gần 80% DN hài lòng với thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan (năm 2018 là 76%). Các kênh thông tin cổng thông tin điện tử của các cục hải quan tỉnh/thành phố và Cổng thông tin thương mại quốc gia cũng đạt được tỷ lệ hài lòng của DN trên 70%. Khi gặp khó khăn, đa số DN thường tìm sự trợ giúp trước tiên từ các chi cục hải quan, sau đó là cục hải quan tỉnh/thành phố.
Cơ quan hải quan có cải cách lớn trong thời gian gần đây đáng kể là giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra sau thông quan, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động. DN cũng đánh giá cao hơn về chất lượng phục vụ DN của cán bộ, công chức hải quan so với những năm trước. Cụ thể, khía cạnh kỷ cương của công chức hải quan, DN đánh giá cao nhất công chức hải quan về tiêu chí văn minh, lịch sự khi tiếp xúc 53,1% DN đánh giá cao (năm 2018 là 46,7%),thực hiện đúng thẩm quyền 51% (năm 2018 là 44,9%),công tâm, tận tuỵ khi thi hành công vụ 47% (năm 2018 là 39%). Mức độ phổ biến của việc chi trả chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cũng đã giảm bớt. Một mặt, thể hiện nhận thức của doanh nghiệp trong kinh doanh liêm chính cũng đã có chuyển biến. Mặt khác, cũng thể hiện những nỗ lực của cơ quan hải quan và các bộ, ngành khác trong việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.
Tăng tỷ lệ thủ tục kiểm tra chuyên ngành dễ thực hiện
Hoạt động kiểm tra, quản lý chuyên ngành vốn trước đây có nhiều phàn nàn của các DN thì trong khảo sát năm 2020 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Một số bộ, ngành được các doanh nghiệp đánh giá cao như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Kết quả phản hồi từ 3.657 DN xuất nhập khẩu cho thấy một số điểm sáng trong cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, ngành trong công tác kiểm tra chuyên ngành. Tỷ lệ DN đánh giá dễ hoặc tương đối dễ trong thực hiện thủ tục của các bộ, ngành đều có sự cải thiện so với lần khảo sát năm 2018. Trong đó nổi bật là sự cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa bao gồm 3 thủ tục chính: thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương, thủ tục công bố hợp quy và thủ tục kiểm tra chất lượng. Cụ thể, đánh giá của DN về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa, tỷ lệ DN gặp thuận lợi cao nhất khi tuân thủ thủ tục này là đối với Bộ Công Thương (41,6%),tiếp theo là Bộ Khoa học Công nghệ (28,4%). Trong khi đó, trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương được đánh giá thuận lợi hơn khi thực hiện tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (26%),tiếp đó là Bộ Công Thương (25,7%) và Bộ Y tế (22,9%).
Với nhóm thủ tục công bố hợp quy trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đứng đầu với 25,8%. Tiếp đến là các bộ, gồm Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin – Truyền thông có tỷ lệ lần lượt 24,2%, 22,7% và 22,4% DN đánh giá thủ tục là dễ thực hiện.
Đối với thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm của lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, Bộ Y tế là cơ quan được DN đánh giá có mức độ thuận lợi khi thực hiện tuân thủ thụ tục cao nhất, với tỷ lệ 28,6% DN cho rằng các thủ tục ở mức "dễ" hoặc "tương đối dễ". Với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ DN đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện lần lượt ở mức 27% và 26,6%.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, bên cạnh những điểm sáng đã nêu, báo cáo này cho thấy còn nhiều việc cơ quan hải quan và các bộ, ngành khác cần tích cực triển khai trong thời gian tới để tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cho DN. Một bộ phận DN cho biết họ vẫn gặp khó khăn trong tìm hiểu, tiếp cận thông tin về các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, khảo sát của Nhóm nghiên cứu cho thấy khoảng 38% DN gặp các vấn đề khác nhau, trong đó có khu vực DN FDI thường có quy mô lớn, nhu cầu thông tin đa dạng, phức tạp hơn như bao gồm cả thông tin bằng tiếng Việt, tiếng Anh…
Theo đó, cộng đồng DN kỳ vọng cơ quan Hải quan và các bộ, ngành cần đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính và chuyển hẳn sang việc giải quyết thủ tục theo phương thức trực tuyến. Cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin cần được chú trọng cải thiện nhằm giảm thiểu tình trạng nghẽn mạng, báo lỗi trong quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến. Các DN đề nghị cần tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác giải đáp vướng mắc, khó khăn cho DN.
Cơ quan hải quan và các bộ, ngành cũng cần nâng cao năng lực giải quyết công việc và tăng cường kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức Nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục cho DN. Nguyên tắc quản lý rủi ro cần được triển khai và áp dụng đầy đủ, toàn diện trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.
Việc phối hợp giữa cơ quan hải quan và các bộ, ngành trong giải quyết thủ tục cho DN cần hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật cần đảm bảo tính nhất quán và ổn định, mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu chi phí tuân thủ bất hợp lý và tạo thuận lợi cho DN trong cả chuỗi thủ tục xuất nhập khẩu.
Tập trung đẩy mạnh một số cải cách lớn
Để đẩy mạnh triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu hội nhập, trong đó lấy người dân và DN là trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phấn đấu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, trong thời gian tới, cơ quan Hải quan sẽ tập trung cải cách một số nội dung lớn.
Thứ nhất, cải cách thể chế và quy trình thủ tục đảm bảo hành lang pháp lý đồng bộ cho việc triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTTP, EVFTA...),xây dựng mô hình hải quan thông minh; triển khai nhiệm vụ đầu mối chủ trì thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, tập trung nỗ lực xây dựng dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, theo đó cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành theo hướng: Tổng cục Hải quan xây dựng kiến trúc tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan hướng tới hải quan số trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ 4.0, tập trung ở mức cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hải quan tự động, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Thứ tư, tiếp tục triển khai và hoàn thiện hệ thống nộp thuế 24/7, hệ thống giám sát hàng hóa tự động tại kho, bãi, cảng nhằm phục vụ tốt hơn, tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Thứ năm, nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình cải cách, phát triển hiện đại hóa thành công./.
PV.
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại – Tháng 8/2021