Kinh tế Quý II/2022 tiếp tục phát triển, phục hồi tích cực

Đăng ngày: 16/06/2022 , 20:52 GMT+7

Ngày 16/6/2022, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ Quý II/2022 nhằm thông báo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 5 tháng đầu năm. Đồng thời tổ chức gặp gỡ, tri ân các nhà báo, phóng viên theo dõi ngành Công Thương nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn của Bộ Công Thương đã gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các phóng viên, nhà báo và cảm ơn sự ủng hộ từ các cơ quan báo chí và truyền thông, đặc biệt là sự đồng hành của các nhà báo, phóng viên. Các sự kiện, hoạt động của ngành Công Thương luôn nhận được sự tham gia, đồng thuận, phản ánh kịp thời, đầy đủ, khách quan của các cơ quan thông tấn báo chí. Điều này đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và của ngành Công Thương nói riêng. 

Thứ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa từ các nhà báo, phóng viên, các cơ quan thông tấn báo chí để ngành Công Thương hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, sẽ tiếp tục cung cấp thông tin kịp thời đến báo chí và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, ủng hộ nhiều hơn nữa của các phóng viên và cơ quan báo chí.

Thông báo về tình hình phát triển kinh tế -  thương mại, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tình hình kinh tế - thương mại Việt Nam trong tháng 5 và 5 tháng năm 2022 tiếp tục ghi nhận kết quả đáng khích lệ, ở cả 3 lĩnh vực công nghiệp - xuất khẩu - thị trường trong nước.

Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, dịch Covid -19 cơ bản được kiểm soát, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 và 5 tháng năm 2022 vẫn duy trì tốc độ tăng. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10%),trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,2% (cùng kỳ tăng 12,5%) đóng góp 7,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Các ngành sản xuất đã có sự phục hồi nhanh hơn trong tháng 5, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng 3 điểm phần trăm (từ mức 51,7 điểm trong tháng 4 lên mức 54,7 điểm của tháng 5), cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng, tồn kho thành phẩm giảm.

Điều này cũng đã được phản ánh qua số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng tháng thứ hai liên tiếp tại thời điểm 01/5/2022 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so với năm trước.

Về hoạt động thương mại, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng KNXK tăng 16,7%. 5 tháng 2022 có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 4 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 21,3% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 15,1%) cho thấy sự phục hồi trở lại nhanh chóng của khu vực các doanh nghiệp trong nước và nối lại được các chuỗi cung ứng trên toàn cầu.  Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao ở nhóm hàng cần nhập khẩu là nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu (tăng 16,5%), nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 4,4%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng tiếp tục xuất siêu, ước tính xuất siêu 434 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 1,24 tỷ USD).

Còn đối với Thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2022 tăng 22,6% là tháng thứ hai liên tiếp có tốc độ tăng trưởng ở mức trên hai con số. Tính chung 5 tháng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 1%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2022 có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Nhu cầu tiêu dùng đang dần trở lại khi nước ta mở cửa du lịch, thực hiện các biện pháp kích cầu, việc làm tăng trở lại, thu nhập gia tăng… Cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, phân bón, điện…cơ bản được đảm bảo.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng (giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng).

Một số nhóm hàng do các doanh nghiệp FDI sản xuất (Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Electronic) giảm sản lượng sản xuất do nhu cầu thị trường suy giảm, đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 5.

Hơn nữa, các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc để phòng chống dịch đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam như: (1) làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa (2) chậm trễ trong giao nhận hàng hóa. (3) tình hình xuất khẩu hàng hóa qua biên giới đã được cải thiện hơn nhưng chưa ổn định, tình trạng hàng hóa nằm chờ tại khu vực cửa khẩu vẫn diễn ra do lượng xe đổ về nhiều và quá đông so với năng lực thông quan.

Bên cạnh đó, Giá xăng dầu và các loại hàng hóa đầu vào vẫn ở mức cao cùng mức tăng với chi phí vận chuyển tiếp tục tạo thêm áp lực cho lạm phát.

Theo đó Thứ trưởng cho biết, trong những tháng cuối năm, ngành Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên môi trường số, TMĐT. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước; Rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm giảm các loại thuế, phí hoặc đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp giá đầu vào của một số mặt hàng (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) tiếp tục tăng cao….

PV.

Đăng ngày: 16/06/2022 , 20:52 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác