Phát triển Chính phủ điện tử: Tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Đăng ngày: 28/04/2022 , 11:37 GMT+7

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Ngày 07/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại trong triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trong chuyển đổi số quốc gia như: Hạ tầng kỹ thuật chưa được tối ưu hóa và vận hành chuyên nghiệp, chưa có khả năng linh hoạt đáp ứng yêu cầu mới phát sinh; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến thấp; hoạt động của cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều công đoạn thủ công, dựa trên giấy tờ theo cách truyền thống; xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử tuy có cải thiện nhưng mới ở mức trung bình trong khu vực; chuyển đổi số chưa có nhiều kết quả đột phá.

Một trong những “điểm nghẽn” quan trọng cần tập trung tháo gỡ để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số là vấn đề chia sẻ dữ liệu, nên người dân vẫn phải khai báo, cung cấp dữ liệu nhiều lần, nhất là khi thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, công tác phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số và kinh phí chi cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số chưa thực sự được quan tâm.

Chị thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo về các nội dung sau:

Triển khai Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh

Tăng cường quản lý đầu tư bảo đảm hiệu quả, an toàn thông tin, an ninh mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia. Trong đó cần lưu ý việc triển khai Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) phải thiết thực, hiệu quả, bền vững. Thời hạn hoàn thành tháng 6 năm 2022.

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo thẩm quyền và theo kế hoạch hàng năm.

Triển khai hoặc thí điểm triển khai Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh. Thời hạn hoàn thành tháng 12 năm 2022.

Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả, thông suốt giữa các cơ quan nhà nước bảo đảm tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, tuân thủ đúng quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.

Chuẩn bị hạ tầng để kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia

Chuẩn bị hạ tầng, các điều kiện đáp ứng yêu cầu về an toàn thông tin, an ninh mạng để kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trước hết là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, giáo dục và an sinh xã hội theo tiến độ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2022 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022;

Ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên triển khai đối với các dịch vụ công thiết yếu nêu tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2022 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Thời hạn hoàn thành: tháng 12 năm 2022.

Giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đến từng Sở, Ban, Ngành, UBND huyện

Thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; tổ chức kết nối, tích hợp để cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đáp ứng yêu cầu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Thời hạn hoàn thành: tháng 6 năm 2022.

Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 01/6/2022, cấp huyện từ ngày 01/12/2022, cấp xã từ ngày 01/6/2023. Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2022 thực hiện số hóa từ ngày 01/7/2022. Tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020.

Triển khai đầy đủ các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng

Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và mở rộng kết nối, giám sát, kiểm soát truy cập tập trung Mạng truyền số liệu chuyên dùng ổn định, thông suốt, kết nối bốn cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã để phục vụ Chính phủ số. Thời hạn hoàn thành tháng 9 năm 2022.

Thực hiện việc chuyển đổi IPv6; trong đó, ưu tiên tập trung chuyển đổi IPv6 cho Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp truy cập, sử dụng dịch vụ của cơ quan nhà nước qua IPv6. Thời hạn hoàn thành tháng 12 năm 2022.

Tổ chức triển khai đầy đủ các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Hoàn thành phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ phù hợp với quy định của pháp luật và tiêu chuẩn quốc gia về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Thời hạn hoàn thành: phân loại, xác định và phê duyệt đề xuất cấp độ hệ thống thông tin trước tháng 12 năm 2022; triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ các hệ thống thông tin đang vận hành trước tháng 6 năm 2023.

Bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số theo kế hoạch hàng năm, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số và khi tham gia các hoạt động trên môi trường số.

Thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số từ Trung ương đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở, phường, xã, tổ, đội. Thời hạn hoàn thành: tháng 6 năm 2022.

Định kỳ hàng năm thực hiện đo lường, đánh giá, công bố xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số đối với các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý. Thời hạn hoàn thành tháng 12 hàng năm.

Bồi dưỡng, tập huấn cho tối thiểu 10.000 cán bộ chuyển đổi số

Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ tháng 12 hàng năm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ danh sách nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm tiếp theo để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số, cải thiện xếp hạng quốc gia, triển khai hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan khác.

Chủ trì tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho tối thiểu 10.000 cán bộ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các cơ quan truyền thông, báo chí ngay trong năm 2022 để giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn lực phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số. Thời hạn hoàn thành: tháng 12 năm 2022.

Chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ giải quyết TTHC theo hướng ứng dụng công nghệ số

Văn phòng Chính phủ đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng ứng dụng hiệu quả công nghệ số, cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 và Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021.

Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức

Các bộ, ngành theo chức năng nghiệm vụ được giao tập trung thực hiện kế hoạch cụ thể theo Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia đảm bảo đúng thời gian, mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra./.

Nội dung chi tiết Chỉ thị 02/CT-TTg xem tại đây.

PV.

Đăng ngày: 28/04/2022 , 11:37 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác