Hội thảo có sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan khác. Các diễn giả chính tại hội thảo đến từ Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ KHĐT; Cục ƯD&PT Công nghệ – Bộ KHCN; Sở Công Thương Hà Nội; VASI; NC Network; Đại diện doanh nghiệp hội viên VASI.
Năm 2023 được dự báo sẽ là năm rất rất khó khăn đối với doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã báo động vào tình trạng ngủ đông. Ngoài sự nỗ lực của chính bản thân Doanh nghiệp, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Sati) cùng Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (Vasi) hy vọng sự kiện sẽ tạo ra được diễn đàn để Doanh nghiệp chia sẻ khó khăn và các cơ hội hợp tác vượt khó khăn, cơ quan ban ngành lắng nghe, đưa ra phương án hỗ trợ tháo gỡ.
Tại hội thảo, đại diện VASI đã trình bày các hoạt động sẽ thực hiện trong năm 2023, đồng hành cùng các hội viên. Theo kế hoạch đề ra, VASI sẽ tổ chức các hoá đào tạo online; tổ chức các sự kiện gặp gỡ trao đổi giữa các CEO hội viên; Tham gia các hội chợ quốc tế như Vietnam EXPO 2023, Hội chợ FBC 2023, giao lưu hội viên, trao đổi kinh nghiệm và nhiều hoạt động kết nối, cung cấp thông tìn, kết nối thị trường, đối tác cho các hội viên.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội đã tham luận về các điểm chính trong Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội do Sở chủ trì thực hiện. Trong đó nhấn mạnh đến các nội dung chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CNHT Hà Nội giai đoạn 2020 – 2025. Mục tiêu giai đoạn này, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 1000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT tại Hà Nội. Trong đó 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Đến năm 2025, giá trị SXCN của CNHT chiểm khoảng 18% giá trị SXCN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội, chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hàng năm tăng trên 12%.
Các nội dung chính của chương trình hỗ trợ tập trung vào việc kết nối, hỗ trợ DN CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngời nước; Xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT; Hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáo ứng yêu cầu của các chuỗi SN toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị SX. Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành SX SP CNHT; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, Nguyên liệu và vật liệu; Xây dựng và công bố thông tin về CNHT hàng năm; Đẩy nhanh công tác thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất tại các khu công nghiệp để phát triển các ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí, chế tạo, dệt may – da giày, điện tử - tin học, chế tạo và lắp ráp ô tô, CNHT phục vụ công nghệ cao…
Trong năm 2023, Hà nội sẽ tập trung triển khai 4 nội dung chính gồm: (1) Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. (2) Tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư. (3) Kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế. (4) Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Đại diện Trung tâm thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thuộc Cục ứng dụng và phát triển công nghệ - Bộ KH&CN và đại diện Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ KH&ĐT đã trình bày tham luận về các chương trình hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các chương trình hỗ trợ về các nội dung cụ thể như: hỗ trợ về công nghệ, hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ về phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, hỗtrợ tham gia cụm, chuỗi. Đồng thời giới thiệu quy trình hỗ trợ các DNNVV và các hoạt động hỗ trợ từ Trung tâm Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm.
Đại diện NC Network đã trình bày về công cụ kết nối giao thương trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Giúp doanh nghiệp các giải pháp tìm kiểm thông tin nhà cung cấp và việc doanh nghiệp nên tuyên tuyền thông tin như thế nào để các đối tác tiếp nhận nhanh, đầy đủ và chính xác nhất. Người mua hàng thông thường tìm kiếm thông tin nhà cung cấp qua các kênh tìm trực tiếp, qua phòng mua hàng, qua các công ty thương mại hoặc tiếp cận thông tin qua giới thiệu, qua internet, qua đơn vị kết nối để tìm thông tin của nhà cung cấp. Những thông tin mà bên mua hàng quan tâm thứ nhất là về năng lực hoạt đông bao gồm thông tin sản phẩm, thông tin phân loại gia công, thông tin thiết bị. Thứ hai là về mức độ tin cậy, cụ thể mong muốn thông tin đầy đủ xác thực.
Đối với doanh nghiệp, từ nhu cầu của bên mua hàng, các doanh nghiệp cần phải tuyên truyển đầy đủ về lượng thông tin, đủ kênh truyền thông thông tin, thông tin bằng nhiều ngôn ngữ thông dụng. Các thông tin đưa ra cần đảm bảo độ tin cậy, đúng thực tế, đúng hình ảnh và có tính xác thực cao như xác thực của khách hàng hoặc đăng tải thông tin trên các kênh truyền thông tin cậy.
Tại phiên thảo luận, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp CNHT đã cùng nhận định năm 2023 sẽ là năm có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam do nhiều hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và các vấn đề địa chính trị trên thế giới. Vì vậy, việc nắm bắt được xu hướng đầu tư, đặt hàng của doanh nghiệp nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước, xây dựng các kênh kết nối, tạo dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh có vai trò vô cùng quan trọng.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan từ Bộ KHCN, Bộ KHĐT, Sở Công Thương Hà Nội đều là những chương trình rất thiết thực đối với doanh nghiệp, tuy nhiên, doanh nghiệp còn nắm được ít thông tin và mong muốn được hướng dẫn cách thức tham gia. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã lắng nghe ý kiến của một số doanh nghiệp tại hội thảo và sẽ làm việc thêm với VASI cũng như các cơ quan liên quan để xây dựng/bổ sung các chương trình hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
VASI và NC Network hy vọng từ các thông tin chia sẻ tại hội thảo, các doanh nghiêp sẽ quan tâm hơn tới việc quảng bá, phát triển hình ảnh doanh nghiệp cũng như thúc đẩy việc hình thành các cơ sở dữ liệu doanh nghiệp chuyên ngành, kết nối được với hệ thống tìm kiếm nhà cung cấp của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Hội thảo được kỳ vọng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp định hướng nghiên cứu, phát triển về nền tảng, đổi mới công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực để vượt qua khó khăn, đón đầu và tham gia vào phát triển các loại hình sản phẩm, dịch vụ mới; tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp – nhà nước – nhà đầu tư để biến thách thức thành cơ hội, gia tăng nội lực trong các ngành sản xuất, qua đó doanh nghiệp Việt Nam có thể khẳng định được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu./.
PV.