Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới

Đăng ngày: 14/02/2023 , 23:49 GMT+7

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế số nói riêng, đang chịu nhiều thách thức, đồng thời vấn đề phát triển bền vững ngày càng nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ số chính là một giải pháp cốt lõi để giảm những hệ lụy tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên hoạt động của một nền kinh tế, sự vận hành của một doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.

Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM),đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của CIEM

Trong những năm qua, phát triển bền vững đã được Chính phủ đặt trọng tâm ưu tiên, được thể hiện trong một số văn bản điều hành như Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2019 về việc ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11 tháng 10 năm 2019 phê duyệt Kế hoạch Phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 136/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 về phát triển bền vững. Các văn bản nêu trên đã nêu bật quan điểm phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và chuyển đổi số quốc gia sẽ là nền tảng và động lực cho phát triển bền vững.

Theo báo cáo e-conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek, và Bain Company quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ đô-la Mỹ năm 2050, trong đó, thương mại điện tử (TMĐT) sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất. Cũng theo báo cáo này, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2022. Nếu được tối ưu hóa, lượng khí phát thải từ hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể (từ 30 – 40%) so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững chung của toàn nền kinh tế.

Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng CIEM cho biết: Trong những năm gần đây, kinh tế số được coi là một động lực và trụ cột chính trong phát triển kinh tế. Nhiều chiến lược, chính sách cũng coi phát triển kinh tế số là trọng tâm trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phát huy các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy vậy, phát triển kinh tế số còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc, cho dù triển vọng tăng trưởng tương đối khả quan.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và kinh tế số đã phát triển khá nhanh trên thế giới từ trước 2020, song những cạnh tranh về địa chính trị trong lĩnh vực công nghệ và các để đặt về lợi ích chi phí và khả năng quản lý đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc các quốc gia tiếp cận kinh tế số. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã buộc các quốc gia phải gia tăng ứng dụng công nghệ số, tiến tới chuyển đổi số một cách toàn diện. Ứng dụng công nghệ số chính là một giải pháp cốt lõi để giảm những hệ lụy tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên hoạt động của một nền kinh tế, sự vận hành của một doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.

Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện CIEM cho biết: “Một số rào cản đối với phát triển kinh tế số tại Việt Nam hiện nay là: Hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp; Hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số; Nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số còn thiếu và yếu; Khu vực tư nhân chưa thực sự đổi mới sáng tạo; Thiếu quy định về bảo vệ người dùng…”

Để có thể theo kịp tốc độ phát triển kinh tế số với các nước trên thế giới, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ thể chế - pháp lý và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Hiện nay, Việt Nam cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hưởng đến năm 2030 (Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020),thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, các văn bản về thương mại điện tử (Luật giao dịch điện tử, Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021…), cũng như các điều khoản tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới trong các Hiệp định Thương mại tự do. Hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu, hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 100% chi cục hải quan và hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã bao phủ 100% thương mại qua cảng biển và hơn 90% thương mại qua cảng hàng không…

Bà Lại Việt Anh –  Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo

Bà Lại Việt Anh –  Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định: Phát triển bền vững nền kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử đang là một thách thức không nhỏ. Vì bên cạnh phát thải từ thương mại điện tử, thì vấn đề hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng cũng rất phức tạp. Trong 5 năm gần đây, TMĐT phát triển rất nhanh, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực và đứng hàng đầu về tốc độ phát triển. Tăng trưởng nóng trong 5 năm qua và vấn đề cạnh tranh bảo vệ TMĐT đang là thách thức lớn cho cơ quan quản lý nhà nước. Khoảng cách phát triển TMĐT giữa các địa phương có sự chênh lệch lớn, sự tiếp cận của người dân không đồng đều, 38 địa phương mức đánh giá TMĐT dưới 20 điểm trong khi Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương dẫn đầu cả nước với chỉ số TMĐT trên 80 điểm, từ đó phản ánh rõ khoảng cách TMĐT và kinh tế số giữa các địa phương.”

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số như hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, các chính sách đối với kinh tế số như an ninh mạng, chính sách cạnh tranh, thuế với nền tảng số, sở hữu trí tuệ, phát huy trách nhiệm ESG trên nền tảng thương mại số cần được hoàn thiện hơn nữa. Ngoài ra, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được đánh giá là một trong những hạn chế lớn đối với sự phát triển kinh tế số của Việt Nam. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay được xem là chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế số. Trong những năm qua, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã cùng với nhiều cơ quan, tổ chức đã không ngừng phối hợp các DNNVV chuyển đổi số, bồi dưỡng nhân lực số nhằm góp phần phát triển hệ sinh thái số bền vững./.

Thu Trang

 

Đăng ngày: 14/02/2023 , 23:49 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác