Hội thảo về 2 luật mới do Phòng TM&CN Việt Nam (VCCI) và Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức
Luật Doanh nghiệp 2020 - Kỳ vọng đổi mới mạnh mẽ về quản trị doanh nghiệp
Với 10 chương và 219 điều đã quy định cụ thể việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và các hoạt động có liên quan của các loại hình doanh nghiệp bao gồm công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp 2020 được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi lớn, góp phần nâng cao môi trường kinh doanh, hoạt động quản trị doanh nghiệp Việt Nam.
Đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bao gồm các doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. Nội dung luật cũng quy định doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
So với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 có khoảng 50 điểm thay đổi, bổ sung. Luật sửa đổi tiếp tục thực hiện mục tiêu mà Luật Doanh nghiệp cũ đã đề ra trong việc việc cắt giảm thủ tục gia nhập thị trường và cải thiện niềm tin của Nhà đầu tư, từ đó đưa ra các giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép doanh nghiệp thuận lợi hơn không chỉ trong việc thành lập mà còn trong cả quá trình gia nhập thị trường và nhất là quản trị doanh nghiệp.
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp 2020 là chính thức bỏ hộ kinh doanh khỏi sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, để xây dựng một luật riêng cho đối tượng này.
Thêm vào đó, Luật Doanh nghiệp 2020 bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng tại khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014 để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Theo đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% (thay vì 10%) tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền: Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty; Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp; Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết; Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
Tình hình đăng ký kinh doanh năm 2020. Nguồn TCTK
Điểm đáng chú ý khác trong Luật Doanh nghiệp 2020 là quy định rõ những tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể là các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước…
Luật Đầu tư 2020: Tạo điều kiện thu hút đầu tư hiệu quả, chất lượng
Tương tự Luật Doanh nghiệp (sửa đổi),Luật Đầu tư (sửa đổi) có hàng loạt các điểm mới trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; thủ tục đầu tư...
Những điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư (sửa đổi) có thể kể đến gồm:
Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tiếp tục cắt giảm 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động kinh doanh; bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Luật quy định Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ nhằm thể chế hóa Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, Luật đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng theo Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật liên quan. Cụ thể, bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư (như hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành); Bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của việc thực hiện chính sách này (như: áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án; nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật); Bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay (cho phép áp dụng ưu đãi tối đa thêm 50% so với mức cao nhất theo quy định của Luật hiện hành).
Về cải cách thủ tục đầu tư, Luật tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết như thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư của cá nhân, hộ gia đình, bãi bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn từ 5.000 tỷ đồng. Tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (như dự án sân gôn). Luật cải cách, đơn giản hóa các thủ tục triển khai dự án đầu tư, mở rộng quyền tự chủ của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án (như quyền chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng dự án...).
Vốn đầu tư năm 2020. Nguồn: TCTK
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2020 góp phần khắc phục những bất cập đang là điểm nghẽn đối với môi trường kinh doanh do sự trùng lặp, chồng chéo hoặc thiếu rõ ràng giữa các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Theo đó, Luật đã sửa đổi 10 nhóm quy định để bảo đảm tính thống nhất với các Luật liên quan, đồng thời sửa đổi 05 Luật có liên quan để đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư, gồm Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Điện ảnh). Luật cũng làm rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, gồm: (i) đấu giá quyền sử dụng đất; (ii) đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; (iii) chấp thuận nhà đầu tư, chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư.
Về quản lý nhà nước, Luật bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế. Bổ sung quy định không gia hạn thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên và dự án có điều kiện chuyển giao không bồi hoàn. Bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp đầu tư chui, đầu tư núp bóng.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?
Theo các chuyên gia, để hai luật được thực hiện trôi chảy và thực sự tạo được thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp thì cần có một loạt các nghị định hướng dẫn, những nội dung còn để ngỏ trong hai luật này và chi tiết hóa quy định để Luật sớm đi vào cuộc sống. Đồng thời, cần phải rà soát để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật liên quan để đồng bộ với các quy định mới của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Có thể nói, với những sửa đổi quan trọng và sự hưởng ứng của doanh nghiệp, người dân, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 được kỳ vọng sẽ tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn, minh bạch hơn, qua đó giúp Việt Nam thu hút được nhiều hơn nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Việt Nam đang tham gia nhiều FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với những cam kết cao về mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế khu vực. Để tận dụng được những cơ hội mang lại từ 2 luật mới, các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ về các nội dung, các điểm thay đổi tích cực của 2 luật này, đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu một cách đầy đủ tất cả quy định của pháp luật liên quan nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bền vững./.
Việt Hằng
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại - Số 01/2021