Hà Nội ban hành Kế hoạch đẩy mạnh phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo

Đăng ngày: 13/08/2021 , 17:25 GMT+7

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kế hoạch nhằm thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình bao gồm: (1) Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP; (2) Tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 7% - 7,5% ; (3) Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp: trên 70%; (4) Tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; (5) Doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%; (6) Tối thiểu 40% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; (7) Phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế; tốc độ gia tăng đăng ký sáng chế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Bên cạnh việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy; xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung của Chương trình, Kế hoạch xác định một số nội dung, giải pháp cụ thể.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế

Nghiên cứu, đề xuất với Trung ương hoàn thiện các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, nhất là cơ chế quản lý, chính sách tài chính; cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo,...Nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, đảm bảo tính khả thi để đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hoàn thiện chính sách vượt trội nhằm thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế. Hoàn thành xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ

Triển khai các giải pháp phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hiện đại hóa hạ tầng thông tin và truyền thông, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quản lý đô thị, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội. Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới hình thành chính quyền số ở Thủ đô.

Xây dựng và triển khai Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Xây dựng chính quyền số; Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố. Tăng cường kết nối, phát huy có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia trên địa bàn trong việc tháo gỡ, giải quyết các thách thức của Thành phố. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích các doanh nghiệp trích lập và sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành Trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia, là mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, là vùng lõi của đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Thành phố hỗ trợ về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; đảm bảo cấp nước; kết nối giao thông; phối hợp đào tạo, tuyển dụng lao động; xúc tiến đầu tư, quản lý đầu tư, quản lý doanh nghiệp và cung cấp các dịch vụ công phục vụ cho nhà đầu tư (thuế, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự,...); cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh, thu nộp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp trong Khu công nghệ.

Xây dựng các khu công nghệ phần mềm tập trung. Xây dựng Đề án Vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hoàn thành xây dựng Dự án Khu công nghệ cao sinh học tại quận Bắc Từ Liêm,

Xây dựng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trở thành cơ quan nghiên cứu chiến lược xứng tầm Thủ đô. Xây dựng Trường Đại học Thủ đô xứng tầm, có bản sắc riêng của Thủ đô, có khả năng đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của Thành phố và khu vực đồng bằng sông Hồng.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô

Tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo của Thủ đô, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phấn đấu môi trường đại học, viện nghiên cứu là một chủ thể nghiên cứu mạnh. Hình thành và liên kết mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố (bao gồm cả tư nhân).

Xây dựng một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, hỗ trợ áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực...).

Khuyến khích, hỗ trợ phát triển nhân lực trong các doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ; phát triển nhân lực quản lý về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các cấp.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận với thông tin công nghệ trong nước và quốc tế, bao gồm thông tin về sáng chế, thông tin công nghệ, thông tin về tổ chức trung gian, các xu hướng thị trường... Khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đi tiên phong trong nhập khẩu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ nguồn và chia sẻ, lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp.

Xây dựng cơ chế liên kết hiệu quả, thường xuyên giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng công nghệ phục vụ các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thành phố. Thúc đẩy kết nối, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, năng lực quản trị giữa các doanh nghiệp. Xây dựng mạng lưới tư vấn viên (mentor) tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp về quản trị công nghệ và quản lý doanh nghiệp thông qua các hiệp hội.

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 22/3/2021 của UBND Thành phố về việc thực hiện Kế hoạch số 205-KH/TU ngày 10/9/2020 của Thành ủy Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQTW của Bộ Chính trị và một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Triển khai Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 28/02/2020 của UBND Thành phố về việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025.

Rà soát, bổ sung, điều chỉnh Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 07/10/2017 của UBND Thành phố.

Tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; xử lý nghiêm các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 (hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của Thành phố, hỗ trợ triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ,...).

Phát huy vai trò “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO; triển khai đầy đủ các nội hàm của “Thành phố sáng tạo”. Xây dựng và vận hành Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo sản phẩm làng nghề Hà Nội.

Xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” hoạt động theo nguyên tắc khoa học mở, đổi mới sáng tạo mở nhằm tạo kết nối, liên kết giữa người dân, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước, các trung tâm/chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo để tham vấn, giải quyết các vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

Đẩy mạnh hoạt động đặt hàng nghiên cứu các vấn đề quan trọng, cấp thiết phục vụ quá trình phát triển Thủ đô (nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để xuất đặt hàng bám sát định hướng phát triển khoa học và công nghệ hằng năm; tổ chức các buổi làm việc, toạ đàm, hội thảo qui mô lớn có sự tham gia của các Sở, Ban, ngành Thành phố, các trường, viện, các chuyên gia, nhà khoa học về xây dựng đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ,...).

Tăng cường nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, phục vụ yêu cầu đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; chú trọng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống kinh tế xã hội.

Rà soát, cơ cấu lại các chương trình khoa học và công nghệ Thành phố theo hướng tinh gọn, thiết thực gắn kết với các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia. Cụ thể:

(1) Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế Thủ đô và hội nhập quốc tế: Nghiên cứu các vấn đề kinh tế tổng hợp, kinh tế đô thị, kinh tế đối ngoại, kinh tế ngành, kinh tế đầu tư, các thành phần kinh tế, vùng kinh tế. Nghiên cứu các giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy tiềm năng, thế mạnh; đề xuất cơ chế, chính sách nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô. Nghiên cứu các vấn đề chung về phát triển kinh tế xã hội; hợp tác, liên kết và phát triển vùng; giải quyết các mâu thuẫn, bất cập giữa phát triển kinh tế, phát triển đô thị và giữ gìn, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội; các giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo...

(2) Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển văn hóa - xã hội Thủ đô Hà Nội: Nghiên cứu các vấn đề phát huy giá trị văn hóa và con người; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố Sáng tạo, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nghiên cứu các vấn đề về tâm lý học, xã hội học, công tác xã hội, phân tầng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, các vấn đề về dân số học, giới, gia đình, bảo vệ trẻ em, lao động, việc làm, phúc lợi xã hội; công tác phòng, chống tệ nạn xã hội...

(3) Chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp thành phố Hà Nội: Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phát triển công nghiệp theo hướng xanh, sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ trực tiếp cho sản xuất, tạo sản phẩm công nghiệp chất lượng, có sức cạnh tranh và mở rộng thị trường như: sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp dân dụng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo khuôn mẫu, công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, công nghiệp dược, hóa mỹ phẩm, thời trang cao cấp và công nghệ môi trường,...; từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến cụm công nghiệp, làng nghề, khu công nghiệp, khu công nghệ cao...

(4) Chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới Thủ đô: Nghiên cứu cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, sinh vật chất lượng cao, có giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị các nguồn gen bản địa quý hiếm của Thành phố. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu xây dựng các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản từ sản xuất đến tiêu dùng theo hướng bền vững; các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu của thị trường...

(5) Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội: Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn Thủ đô theo hướng bền vững, đồng bộ, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu để xuất giải pháp từng bước khắc phục những vấn đề bức xúc về trật tự an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, cải tạo, chỉnh trang những chung cư cũ,... Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hình thành các công trình, không gian kiến trúc phục vụ đa mục tiêu,... Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đô thị, đảm bảo mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn; tạo lập môi trường sống an toàn, văn minh, hiện đại...

(6) Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng hệ thống chính trị, an ninh, quốc phòng Thủ đô: Nghiên cứu các vấn đề khoa học chính trị phục vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; nâng cao năng lực quản lý và điều hành của chính quyền các cấp, về chính quyền số, thành phố thông minh, cải thiện chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp, gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, nghiên cứu luận cứ khoa học để xem xét, đề xuất điều chỉnh Luật Thủ đô. Nghiên cứu các vấn đề về tôn giáo, nhân quyền. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong hoạt động nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong mọi tình huống, những vấn đề về an ninh truyền thống và phi truyền thống; tăng cường tiềm lực, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc...

(7) Chương trình nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo: Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển quy định tại Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (Công nghệ trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật - IoT, công nghệ sinh học, công nghệ chế tạo thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe, công nghệ vật liệu mới,...). Nghiên cứu các vấn đề nhằm tạo điều kiện phát triển thị trường khoa học và công nghệ, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố. Nghiên cứu về sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế...

(8) Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển y tế, phục vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân Thủ đô: Nghiên cứu phát triển y tế, các vấn đề liên quan kết hợp y học truyền thống và hiện đại trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân Thủ đô, ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Nghiên cứu và sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước và thuốc y học cổ truyền; Nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm các chế phẩm ứng dụng trong điều trị, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân; sản xuất vacxin, sinh phẩm phòng chống dịch bệnh...

(9) Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô: Nghiên cứu phát triển giáo dục và đào tạo, các vấn đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục đào tạo tại các cấp học, ngành học trên địa bàn Thủ đô. Nghiên cứu các chương trình, hình thức đào tạo mới đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu quá trình chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghiên cứu, xây dựng và phát triển “hệ sinh thái học tập, sáng tạo” ở các cấp học đáp ứng mục tiêu đổi mới sáng tạo của Thành phố...

Tiếp nhận, sử dụng kết quả nghiên cứu từ các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn để giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển của Thủ đô. Xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu về nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Hà Nội với Trung ương và các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn.

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Xây dựng Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội đến năm 2030 gắn với hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội, kết nối toàn quốc và quốc tế. Tổ chức các sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (trình diễn công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, Techmart, TechFest, TechDemo...). Hình thành, phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ, môi giới mua bán, chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ... Tổ chức đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội làm cơ sở đề xuất cơ chế hỗ trợ đổi mới, chuyển giao công nghệ.

Xây dựng Sàn giao dịch công nghệ thành phố Hà Nội tại Khu liên cơ quan số 258 Võ Chí Công, Xuân La, Tây Hồ với chức năng kết nối cung - cầu công nghệ, tổ chức các phiên giao dịch công nghệ, bán đấu giá công nghệ; tổ chức hoạt động xúc tiến công nghệ trong và ngoài nước; xây dựng, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu về nhu cầu, khả năng cung cấp công nghệ; giới thiệu tư vấn, thẩm định công nghệ bao gồm đánh giá, định giá, giám định công nghệ...

Xây dựng một số mô hình triển lãm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nơi trình diễn, phổ biến kiến thức, tạo điều kiện môi trường cho các hoạt động giữa nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ và thương mại hóa công nghệ cao, làm nền tảng thúc đẩy năng lực cạnh tranh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thành phố và cả nước.

Xây dựng nền tảng trực tuyến về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Khuyến khích thành lập một số doanh nghiệp trong các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm tăng cường hoạt động ứng dụng, triển khai và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Đẩy mạnh triển khai Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2014 của UBND Thành phố. Hình thành và triển khai Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội.

Xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (bao gồm hình thành không gian hỗ trợ khởi nghiệp; nền tảng đầu tư đổi mới sáng tạo; quỹ đầu tư chuyển đổi số; ứng dụng kỹ năng khởi nghiệp - việc làm sinh viên và các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, thanh niên - sinh viên, học sinh trong và ngoài nước...).

Tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chú trọng xúc tiến, trao đổi, kết nối với các đối tác quốc tế đến từ các quốc gia phát triển có nền khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài.

Thúc đẩy việc ký kết, triển khai các dự án, chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để góp phần huy động nguồn lực, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ mới.

PV.

Đăng ngày: 13/08/2021 , 17:25 GMT+7

Tin liên quan