UOB dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam xuống còn 3%

Đăng ngày: 02/10/2021 , 08:08 GMT+7

Theo báo cáo tăng trưởng kinh tế trong quý 3/2021 từ ngân hàng UOB, đi cùng tốc độ tiêm chủng đang tăng tốc ở Việt Nam và các biện pháp hạn chế đang được dỡ bỏ, sự thụt lùi trong quý 3/2021 dự kiến chỉ là tạm thời, tình hình sẽ cải thiện trong quý 4/2021 và tiếp tục tăng trưởng mạnh thêm nữa. Tuy nhiên, kết quả kinh tế chung cả năm 2021 đã chậm hơn và UOB đang điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam xuống 3%, từ mức dự báo 5% trước đó.

Tăng trưởng kinh tế giảm kỷ lục trong quý 3/2021

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9 cho thấy tổng sản lượng kinh tế của Việt Nam giảm 6,17% trong quý 3/2021, mức giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu được công bố vào năm 2000. Đây là sự đảo ngược mạnh so với mức tăng 6,57% trong quý 2/2021 nhờ vào so sánh với cơ sở ở mức thấp trong quý 2/2020, với thực tế chỉ tăng nhẹ ở mức 0,39% so với cùng kỳ giữa đại dịch toàn cầu.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng GDP chậm lại đáng kể xuống còn 1,42%, thậm chí còn thấp hơn mức tăng 2,12% được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2020 khi thế giới đang chống chọi với đại dịch COVID-19.

Sự giảm hụt trong quý 3/2021 phần lớn là kết quả của việc đóng cửa và các biện pháp hạn chế được áp dụng trên toàn quốc trong quý để ngăn chặn làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 bắt đầu vào cuối tháng 4/2021. Do đó, sản lượng công nghiệp và xây dựng giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 3/2021, trong khi sản lượng ngành dịch vụ giảm 9,28%.

Tác động của cách ly và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu

Các chỉ số hoạt động khác cũng phản ánh mức độ gián đoạn trong sản xuất và chi tiêu của người tiêu dùng. Sản xuất công nghiệp sụt giảm hai tháng liên tiếp trong tháng 9, với sản lượng giảm 3,6% trong quý 3/2021, thấp hơn mức giảm 2,2% trong quý 2/2020 khi Việt Nam chỉ mới phục hồi nhẹ khỏi làn sóng ban đầu của đại dịch COVID-19. Tổng thương mại bán lẻ giảm kỷ lục 7,1% trong 9 tháng đầu năm 2021 do cả ba phân khúc chính (bán lẻ, lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch) đều giảm trong giai đoạn này.

Cộng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, các hoạt động ngoại thương của Việt Nam đã giảm tốc trong quý 3/2021, với xuất khẩu tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức cao nhất là 31% vào tháng 5. Với việc nhập khẩu chỉ giảm nhẹ, thâm hụt thương mại tăng vọt lên 3,4 tỷ USD so với đầu năm, đảo ngược vị thế thặng dư thương mại vốn có.

Cho đến nay, bất chấp một năm đầy thách thức, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đăng ký đạt 22,1 tỷ USD so với đầu năm, cao hơn mức 21,2 tỷ USD đăng ký trong cùng kỳ năm 2020. Những dòng vốn này được thúc đẩy bởi cả đầu tư hiện tại và đầu tư gia tăng, tái khẳng định quan điểm rằng các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục nhìn xa hơn cuộc đấu tranh với đại dịch trong hiện tại của Việt Nam, và tập trung vào tiềm năng kinh doanh phía trước tại Việt Nam.

Cục diện sẽ thay đổi trong quý 4/2021

Trái ngược với kỳ vọng của UOB về một kết quả tích cực, mức độ thu hẹp GDP toàn phần trong quý 3/2021 của Việt Nam là đáng ngạc nhiên, điều này làm nổi bật những thiệt hại do biến thể Delta rất dễ lây lan của vi rút COVID-19 trên khắp thế giới. Ngoài ra, quá trình phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra, từ tình trạng thiếu nguyên liệu quan trọng như chất bán dẫn, giá hàng hóa tăng đột biến cho đến tình trạng tắc nghẽn cảng biển tại các thị trường phát triển.

Sắp tới, các biện pháp cách ly đặc biệt là ở các trung tâm sản xuất lớn ở miền Nam, dự kiến sẽ được dỡ bỏ từ tháng 10 khi tình trạng dịch bệnh thuyên giảm trong khi tốc độ tiêm chủng tăng nhanh. Việc nới lỏng các biện pháp COVID-19 chắc chắn sẽ cho phép các doanh nghiệp và nhà máy hoạt động trở lại vững chắc hơn trong quý 4/2021.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các ca nhiễm mới ở Việt Nam đã giảm nhanh chóng xuống còn khoảng 4.500 ca (vào ngày 29/9),thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 17.428 vào ngày 28/8 và xu hướng giảm này có sẽ tiếp tục. Đồng thời, tốc độ tiêm chủng đã tăng lên ổn định với hơn 8% tổng dân số được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi, tăng gấp đôi so với cách đây một tháng. Chính phủ đang đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số trên 18 tuổi vào đầu năm 2022.

Với tốc độ mở rộng kinh tế từ đầu năm chỉ ở mức 1,42%, tăng trưởng GDP cả năm có thể sẽ là một thách thức để vượt quá tốc độ tăng trưởng 2,9% trong năm 2020. Giả sử việc mở cửa trở lại nền kinh tế diễn ra thuận lợi để cho phép các doanh nghiệp và nhà máy “bắt kịp” sản lượng bị mất và tỷ lệ tiêm chủng tăng theo kế hoạch, GDP của Việt Nam có thể phục hồi lên 7% trong quý 4/2021, từ mức -6,2% trong quý 3/2021. Điều này sẽ giúp mức tăng 3% cho cả năm 2021 (so với dự báo trước đây của chúng tôi là 5%). Một khi các hoạt động bình thường hóa hơn nữa, chúng tôi dự đoán GDP toàn phần sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng “bình thường” hơn 7,4% vào năm 2022 dựa vào so sánh trên mức cơ sở thấp vào năm 2020 và 2021.

Chia sẻ quan điểm của mình về triển vọng của Việt Nam, ông Harry Loh, Tổng Giám đốc của Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết “Trong khi làn sóng bùng phát COVID-19 lần thứ tư đã làm chậm lại đà tăng trưởng mạnh mẽ so với mức tăng trưởng Việt Nam đã đạt được trong bốn tháng đầu năm 2021, khả năng phục hồi là rất cao đến từ sự hợp tác chặt chẽ giữa người dân và  chính phủ trong việc ứng phó nhanh chóng với đại dịch. Các công ty cũng đã nhanh chóng thích nghi, áp dụng số hóa và công nghệ trong các mô hình và thực tiễn kinh doanh của họ, điều này đã giúp thúc đẩy tham vọng Công nghiệp 4.0 của quốc gia. Tương tự như những gì chúng ta thấy ở các thị trường khác, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ khi mở cửa trở lại với việc nới lỏng dần các hạn chế đi lại và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên”.

Bất chấp kết quả kinh tế không triển vọng trong quý 3/2021 và có cơ hội phục hồi trong quý 4/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhiều khả năng sẽ giữ ổn định chính sách của mình trong thời điểm hiện tại và không thay đổi lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,0% và lãi suất tái chiết khấu ở mức 2,5%, mức thấp kỷ lục.

BT
Đăng ngày: 02/10/2021 , 08:08 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác