Công nghiệp chế tạo Việt Nam: Phát triển liên kết với các công ty đa quốc gia

Đăng ngày: 07/05/2022 , 22:25 GMT+7

Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo là mục tiêu trọng tâm của ngành công nghiệp Việt Nam nhằm tạo nền tảng thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế khu vực bao trùm và bền vững. 

Thực trạng liên kết các ngành chế biến chế tạo ở Việt Nam

Trên trường quốc tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực với mức tăng trưởng kinh tế sơ bộ bình quân giai đoạn 2011 – 2020 là 5,95%. Những thành tựu này là kết quả của quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đã tạo ra nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như là xương sống của nền kinh tế, mang lại động lực và dẫn dắt sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Ngành công nghiệp chế tạo đã tạo sức hấp dẫn và thu hút lượng lớn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn FDI đầu tư vào ngành luôn tăng trưởng với mức cao. Số lượng dự án và vốn đăng ký giai đoạn 2011 -2020 trong các ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất thép, xi măng, dệt may, da giầy… với sự xuất hiện của nhiều công ty đa quốc gia hàng đầu của thế giới như Tập đoàn Sam Sung, Toyota, Honda, LG…

Tính riêng trong năm 2020, mặc dù số lượng các dự án đầu tư vào Việt Nam có giảm do dịch bệnh COVID-19 nhưng ngành chế biến chế tạo vẫn thu hút khoảng 828 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt gần 14,8 tỷ USD, chiếm 31,7% về số dự án đầu tư và 47,6% về vốn vào các ngành y tế. Nhờ thu hút được lượng lớn các vốn FDI, ngành chế biến chế tạo đã góp phần vào nâng cao trình độ sản xuất, xây dựng mô hình tiên tiến, phương thức kinh doanh hiện đại, khai thác tiềm năng và huy động các nguồn lực tốt hơn cho quá trình sản xuất trong nước.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 68/QĐ-TTg trong giai đoạn 2018 – 2021, Việt Nam đã thực hiện 161 dự án nhằm kết nối các doanh nghiệp trở thành các nhà cung ứng sản phẩm cho các khách hàng ở trong và ngoài nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu. Hỗ trợ nghiên cứu phát triển ứng dụng chuyển giao, đổi mới sản xuất thử nghiệm, linh liện, phụ tùng, nguyên vật liệu.

Liên kết trong sản xuất hướng đến sản phẩm cuối cùng

Liên kết trong công nghiệp chế tạo là chủ đề được nhắc đến và được nghiên cứu rất nhiều trong thời gian vừa qua. Liên kết được đề cập ở đây là những liên kết trực tiếp liên quan đến việc sản xuất ra sản phẩm, những hoạt động mà tạo ra sản phẩm chế tạo chứ không phải là các dịch vụ. Theo Nghị định 111/NĐ-CP năm 2015 của Chính phủ, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có 6 ngành được ưu tiên và năm 2019 lần đầu tiên Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện khảo sát trên toàn quốc về CNHT cho những kết quả về tình hình phát triển của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm cuối cùng (hạ nguồn) có 5 trong 6 ngành ưu tiên có các doanh nghiệp phản hồi, phối hợp khảo sát gồm dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, ô tô, điện tử còn ngành công nghiệp công nghệ cao không có doanh nghiệp nào trả lời. Kết quả, dệt may và da giày có số lượng doanh nghiệp sản xuất hạ nguồn nhiều nhất. Trong tổng số hơn 1000 doanh nghiệp trả lời khảo sát thì chỉ có hơn 300 doanh nghiệp thuộc chế biến chế tạo, trong đó doanh nghiệp cơ khí chế tạo chiếm đa số còn ô tô và điện tử có tỷ lệ ít. Theo loại hình sở hữu, doanh nghiệp có vốn ngoài nhà nước có số lượng nhiều nhất trong lĩnh vực chế biến chế tạo, tiếp đén là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và sau cùng với số ít là các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Về quy mô doanh nghiệp, ngành cơ khí chế tạo có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa nhất chiếm khoảng 94%; ngành điện tử và ô tô số lượng doanh nghiệp đồng đều hơn và đối với ngành dệt may, da giày thì số doanh nghiệp lớn có tỷ lệ nhiều hơn số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này.

Nghiên cứu tập trung vào 3 lĩnh vực chính trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất hạ nguồn gồm cơ khí chế tạo, điện tử và ô tô. Trong ngành cơ khí chế tạo thì điển hình là công nghiệp xe máy với sản lượng tốt nhất hiện nay. Mặc dù trên biểu đồ thể hiện bắt đầu giảm dần số lượng, hiện số lượng xe máy đang lưu hành vẫn đạt trên 36 triệu xe và cơ hội cho CNHT ở ngành này vẫn còn rất nhiều với chủ yếu là nguyên vật liệu phụ tùng cho các dòng xe mới ra đời cũng như các dòng sản phẩm thay thế cho xe máy trong tương lai. Số liệu tỷ lệ nội địa hóa của một số hãng xe máy cho thấy phần cụm động cơ nhập khẩu nhiều, còn lại các linh kiện, phụ kiện như cao su thì có tới 93% được sản xuất trong nước trong đó các doanh nghiệp Việt tham gia rất nhiều, khung xe 90% được sản xuất trong nước và mua từ các công ty cung ứng chứ không phải là sản xuất tại các công ty lắp ráp.

Đối với ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam mới phát triển, khoảng 10 năm trở lại đây có tên trên bản đồ xuất khẩu điện tử của thế giới, điển hình là điện thoại di động và linh kiện. Kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực này của Việt Nam năm 2020 là 51 tỷ USD chiểm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc. Những năm trước còn trên 20%. Ngược lại với ngành công nghiệp xe máy, công nghiệp điện tử hầu hết các linh kiện đều phải nhập khẩu chiếm tỷ lệ cao nhất lên tới 99%. Tỷ lệ nội địa hóa khá ít.

Đối với công nghiệp ô tô, đây là ngành sản lượng sản xuất thấp, năm 2020 chỉ có hơn 416 ngàn xe trong đó lắp ráp trong nước khoảng 60%. Số lượng các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô cũng như cung cấp phụ kiện cấp 1 của Việt Nam có 84 doanh nghiệp bao gồm cả ô tô và xe máy; cấp 2 có khoảng 145 doanh nghiệp và so với Thái Lan thì các con số này là rất ít. Tỷ lệ nhập khẩu linh kiện của Việt Nam là 70%, còn lại các công ty ô tô phải tự sản xuất nội địa tại nhà máy của họ và mua ngoài của Việt Nam khoảng 10%. Trong số các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam thì doanh nghiệp Việt Nam có hơn 30%, Nhật bản hơn 40% còn lại là của các nước khác như Hàn Quốc, Đài Loan…

Đối với chuỗi cung ứng các ngành chế tạo, theo quy hoạch CNHT của Bộ Công Thương năm 2016, việc cung cấp cho công nghiệp chế biến chế tạo có 3 nhóm chính là chi tiết kim loại, nhựa cao su và điện điện tử. Theo nghiên cứu của Bộ Công từ năm 2015, những công ty đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có xu hướng hướng ra nước ngoài, sản phẩm xuất khẩu thì tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp này ít hơn là các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là với ngành công nghiệp điện tử. Các linh kiện điện tử thf rất nhiều và có thể nhập khẩu dễ dàng. Với chi phí dịch vụ logistics thấp hơn rất nhiều so với các ngành khác nên các doanh nghiệp dễ dàng sản xuất ra các chi tiết sản phẩm để bán đi khắp thế giới.

Trái ngược lại với các ngành cơ khí chế tạo như ô tô, xe máy thì các chi tiết rất cồng kềnh và nặng, vận chuyển khó khăn nếu phải nhập khẩu các linh kiện này và chi phí cao. Do vậy các doanh nghiệp sản xuất có xu hướng hướng đến thị trường nội địa, tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện trong nước để liên kết hợp tác. Việc lan toả từ các doanh nghiệp FDI vào doanh nghiệp nội địa phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp nội địa. Mặc dù nghiên cứu là liên kết nhưng nếu chỉ dừng ở việc liên kết không thì đó mới chỉ là câu chuyện bề nổi mà thôi. Sâu trong đó là việc làm sao để liên kết và liên kết hiệu quả mới là quan trọng. Điều này phụ thuộc vào năng lực hoạt động của doanh nghiệp nội địa. Có hai nhân tố quan trọng trong mối liên kết này đó là người mua và người bán. Người mua phải muốn mua và người bán phải đủ năng lực để bán như vậy liên kết mới thực sự bền vững.

Nhìn từ góc độ CNHT trong chế biến chế tạo, qua khảo sát của Bộ Công Thương và Cục Thống kê năm 2019, số doanh nghiệp tham gia khảo sát là 3.755 doanh nghiệp, nếu chia theo 3 nhóm ngành chính như trên đã đề cập. Cơ khí chế tạo có hơn 80% doanh nghiệp tư nhân, FDI chỉ có 19%, còn lại là doanh nghiệp nhà nước. Điện và điện tử, công ty FDI chiếm 80%, còn lại công ty tư nhân là 20%. Nhựa và cao su tỷ lệ doanh nghiệp đều hơn cả. Nếu chỉ xem xét nghiên cứu các công ty tư nhân, công ty nhỏ và vừa thì thấy rằng hơn 91% là hoạt động về cơ khí, chỉ có 3,8% là sản xuất điện, điện tử và các ngành khác. Điều này cho thấy hiện trạng bức tranh các doanh nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam.

Theo một nghiên cứu khác của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (VASI), tại thời điểm năm 2021, cả nước có hơn 300 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 1 của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia này không chỉ là các ông lớn như Toyota, Samsung, Panasonic mà cả những doanh nghiệp sản xuất về máy nông nghiệp nhỏ hơn… đều được lựa chọn. Những doanh nghiệp này chủ yếu phân bố ở Hà Nội hoặc Tp. Hồ Chí Minh, tập trung ở những khu vực phát triển công nghiệp. Một số địa phương phát triển công nghiệp tốt như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên nhưng số lượng doanh nghiệp không nhiều. Quy mô doanh nghiệp lớn hiện có ở Thái Nguyên với 1 số doanh nghiệp nhà nước, còn hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về chính sách Chính phủ, thời gian vừa qua, lĩnh vực CNHT, công nghiệp chế tạo đang được Chính phủ rất quan tâm. Ưu đãi về đầu tư trong CNHT hiện giờ đang ở mức cao nhất, tương đương với lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo cho các doanh nghiệp đầu tư ở 6 ngành ưu tiên. Trong thời gian gần đây, từ cuối năm 2020, Chính phủ có những chính sách mạnh dạn hơn với chính sách cấp bù lãi suất tín dụng cho các dự án CNHT tối đa đến 5%/năm. Hiện giờ doanh nghiệp đang phải vay vốn với lãi suất ít nhất là 7%/năm. Với chính sách cấp bù lãi suất 5% thì bài toán vốn đầu tư của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên hiện nay việc thực hiện chính sách này còn chậm, hầu chưa có địa phương nào triển khai được chính sách này. Một chính sách khác được đưa ra, sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt cho sản xuất ô tô, đây là chính sách được kỳ vọng rất nhiều để phát triển công nghiệp ô tô. Hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tập trung để tạo được mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa có điều kiện sản xuất tốt hơn, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp hơn.

Trong giai đoạn 2018 – 2021, chương trình hỗ trợ của nhà nước đối với CNHT có tới 161 dự án để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực để có thể tiếp cận được các tập đoàn đa quốc gia. Trong đó có 5 chương trình gồm: Kết nối doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ.

Hỗ trợ liên kết tại các địa phương phần lớn là chưa nhiều ngoại trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang làm tốt những năm qua. Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng hiểu quả liên kết chưa cao phần lớn do năng lực của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, không đủ sức đáp ứng yêu cầu của người mua. Bên cạnh các hỗ trợ đó còn có các dự án quốc tế về hỗ trợ liên kết như chương trình hỗ trợ của World Bank (VIA-MOIT) SDP. Cách làm là dự án tìm mốt số doanh nghiệp là người mua (TNCs) trong lĩnh vực: ô tô, điện tử, năng lượng (như Bosch, Canon, Data logic, Denso, Ford, General Electric, Panasonic, Toyota). Dự án doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong lĩnh vực chế biến chế tạo (SMEs): có 50 công ty được lựa chọn, kết quả sau hỗ trợ chọn ra 25 công ty vào vòng trong để hỗ trợ tiếp kết nối. Kết quả 25 công ty đều liên kết thành công có thể không kết nối trực tiếp với 8 người mua trên nhưng họ buộc những khách hàng trước đây không làm được thì sau quay lại đã có sự kết nối thành công.

Dự án thứ 2 cũng rất thành công là dự án USAID (EAD-MPI) LinkSME, thực hiện từ nguồn ngân sách của Hoa Kỳ với Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Mục tiêu của dự án là Cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNVVN; Tương tác hiệu quả giữa chính phủ với doanh nghiệp được thực hiện nhờ hiện đại hóa và số hóa; Doanh nghiệp nhỏ và vừa có liên kết hoặc đã thiết lập với các công ty đầu chuỗi (thông qua các đơn đặt hàng); Chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự án hướng đến các chỉ số để thực hiện được liên kết nhiều. Đối tượng thực hiện dự án không giới hạn, có người bán thì sẽ được hỗ trợ. Sau 3 năm hoạt động (2019 – 2021), dự án có 103 liên kết thành công, người mua bao gồm cả người Việt Nam và các nước xuất khẩu và có hơn 200 doanh nghiệp ở Việt Nam được hường lợi. Đánh giá dự án cho thấy thị trường rộng lớn ngay tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt bắt đầu tham dự vào một số chuỗi rất tốt như xe máy, ô tô và bắt đầu sang đến điện tử.

Tham gia vào chuỗi cung ứng các doanh nghiệp Việt Nam phải chứng tỏ được năng lực của mình, đáp ứng các yêu cầu của người mua. Yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, công ty trong chuỗi của họ và công ty FDI (TNCs/FDIs) về nhà cung cấp là rất nhiều. Trong đó có 3 yêu cầu cơ bản là chất lượng, giá và giao hàng (Q; C; D) sau đó là hàng loạt các tiêu chuẩn khác như môi trường, tài chính, công nghệ, trách nhiệm, luật…

Để liên kết thành công phải đảm bảo 2 nhân tố chính đó là năng lực của người bán và nhu cầu của người mua. Người mua phải muốn mua và người bán phải có năng lực đáp ứng yêu cầu của người mua. Ngoài ra còn phải cộng thêm bên trung gian để có kết quả thành công. Tuy nhiên một số trường hợp không cần trung gian vẫn thành công như người mua nhiệt tình gặp đúng người bán giỏi và ngược lại có những trường hợp phải cần trung gian mới có thể thành công. Hiện nay thì bên trung gian ngày càng giữ vai trò quan trọng để xúc tiến giúp người mua và người bán hướng đến liên kết thành công trong bối cảnh họ đều đã biết rõ về nhau. Người bán phải nâng cao năng lực và người mua là các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp trong chuỗi của họ phải có chiến lược phát triển mới và trong đó có chiến lược hỗ trợ các nhà cung cấp. Bên cạnh đó, một vấn đề nữa đạt ra là phải kiểm soát được chuỗi cung ứng và sự hỗ trợ thêm của các bên trung gian gồm có Chính phủ, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức hỗ trợ, các công ty tư vấn...

 Về nhu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp được đề cập đến 3 vấn đề chính: Thứ nhất, giảm chi phí sản xuất, cụ thể như; tiếp cận tín dụng tốt hơn, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ bổ sung công đoạn thiếu; quản trị tinh gọn, mặt bằng sản xuất phù hợp và lao động. Thứ hai, nhu cầu hỗ trợ nhằm tăng năng lực sản xuất như hỗ trợ về tiêu chuẩn quốc tế, quy trình quản lý; năng lực thương mại và kết nối; cụm doanh nghiệp/hệ sinh thái để sản xuất cụm linh kiện hoàn chỉnh; tăng quy mô hoạt động của doanh nghiệp với sự đầu tư mới. Thứ ba, tăng cơ hội kết nối về thông tin, thị trường mới. Hiện nay do dịch bệnh COVID-19, cơ hội chuyển dịch đầu tư/mua hàng từ Trung Quốc…

Khuyến nghị chính sách

Thứ nhất, khuyến nghị về nâng cao năng lực của MSMEs để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm Nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua nâng cao chất lượng và giảm chi phí. Hai nội dung chính cần được quan tâm là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực và tăng về số lượng.

Để nâng cao năng lực của MSMEs cần tiếp tục thực hiện 5 nội dung của QĐ 68; Đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm; Hỗ trợ MSMEs trong chuyển đổi số để quản lý hiệu quả; Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào sản xuất điện tử; Hỗ trợ MSMEs để xây dựng chiến lược phát triển.

Cải thiện số lượng MSMEs sản xuất, cần khuyến khích các nhà cung cấp cấp 1 của Việt Nam mở rộng sản xuất bằng cách hỗ trợ vốn, mặt bằng, lãi vay; Thúc đẩy thành lập công ty mới tách từ FDI để trở thành MSMEs ngành chế tạo; Hỗ trợ NCC cấp 2 lên cấp 1; Phát triển khu/cụm công nghiệp cho các MSMEs có quy mô <10.000m2 với giá thuê ưu đãi; Phát triển các vườn ươm/hệ sinh thái để tăng cường khởi nghiệp mới trong lĩnh vực chế tạo.

Thứ hai, thúc đẩy TNCs/FDIs để tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam mới nhằm thúc đẩy TNCs/FDIs liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động liên kết nhằm thực hiện liên kết thành công và hiệu quả, tăng tỷ lệ nội địa hoá.

Thứ tư, các chính sách vĩ mô đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo dung lượng thị trường, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng và xây dựng chiến lược phát triển bền vững MSMEs và CNHT Việt Nam./.

Vũ Trìu

Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại – số 4/2022

Đăng ngày: 07/05/2022 , 22:25 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác