Tình hình phát triển doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020

Đăng ngày: 30/08/2021 , 15:55 GMT+7

Giai đoạn 2016-2020 là một trong những giai đoạn thành công của kinh tế Việt Nam kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới nền kinh tế. Góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng kinh tế của cả nước trong thời gian qua là sự phát triển tích cực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp với đóng góp hơn 60% vào tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Doanh nghiệp đang hoạt động tăng bình quân mỗi năm 7,4%

Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư),tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 7% so với cùng thời điểm năm 2019.

Tính theo khu vực kinh tế, tại thời điểm 31/12/2020, có 541.709 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực dịch vụ, chiếm 66,8% trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp của cả nước, tăng 6,5% so với cùng thời điểm năm 2019. Khu  vực công nghiệp và xây dựng có 258.431 doanh nghiệp, chiếm 31,8%, tăng 7,8%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 11.398 doanh nghiệp, chiếm 1,4%, tăng 13%.

Xét theo địa phương, có 38/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2020 so với thời điểm 31/12/2019 cao hơn bình quân cả nước (7%),trong đó: Gia Lai tăng 16,3%; Ninh Thuận tăng 15,3%; Bình Phước tăng 14,2%; Đắk Lắk tăng 13,8%; Trà Vinh tăng 13%; Bắc Ninh tăng 12,5%; Kon Tum và Hậu Giang cùng tăng 11,9%… Có 25/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2020 so với thời điểm 31/12/2019 thấp hơn bình quân cả nước, trong đó có duy nhất tỉnh Bắc Kạn có số doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm 31/12/2020 giảm so với cùng thời điểm năm 2019, giảm 1,6%. Một số địa phương có số doanh nghiệp đang hoạt động năm 2020 cao, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh có 254.699 doanh nghiệp, chiếm 31,4% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, tăng 6,3% so với năm 2019; Hà Nội có 165.875 doanh nghiệp, chiếm 20,4%, tăng 6,4%;  Bình Dương có 34.836 doanh nghiệp, chiếm 4,3%, tăng 10,2%; Đồng Nai có 24.270 doanh nghiệp, chiếm 3,0%, tăng 8,4%; Đà Nẵng có 23.666 doanh nghiệp, chiếm 2,9%, tăng 4,9%; Hải Phòng 20.195 doanh nghiệp, chiếm 2,5%, tăng 1,4%…

Bình quân giai đoạn 2017-2020, cả nước có 734.884 doanh nghiệp đang hoạt động, với tốc độ tăng bình quân mỗi năm đạt 7,4%. Chia theo khu vực kinh  tế thì bình quân mỗi năm có 489.708 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực dịch vụ, chiếm 66,6% trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp của cả nước, với tốc độ tăng bình quân mỗi năm đạt 7,8%. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 234.626 doanh nghiệp, chiếm 31,9%, với tốc độ tăng bình quân mỗi năm đạt 6,8%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 10.550 doanh nghiệp, với tốc độ tăng bình quân mỗi năm đạt 4,6%.

Theo địa phương, có 26/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động bình quân giai đoạn 2017-2020 cao hơn bình quân cả nước (7,4%),trong đó: Bình Dương tăng 14,1%; Bắc Ninh tăng 14,0%; Bình Phước tăng 13,1%; Ninh Thuận tăng 12,3%; Bắc Giang tăng 11,6%… Có 37/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động bình quân giai đoạn 2017 - 2020 thấp hơn bình quân cả nước, trong đó có 3/63 địa phương có xu hướng giảm số doanh nghiệp đang hoạt động bình quân giai đoạn 2017-2020: Bắc Kạn giảm 2,6%; Lai Châu và Hải Phòng cùng giảm 0,3%. Một số địa phương có số doanh nghiệp đang hoạt động bình quân giai đoạn 2017 - 2020 cao, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh có 232.221 doanh nghiệp, chiếm 31,6% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước; Hà Nội có 149.954 doanh nghiệp, chiếm 20,4%; Bình Dương có 29.368 doanh nghiệp, chiếm 4%; Đồng Nai có 21.670 doanh nghiệp, chiếm 2,95%; Đà Nẵng có 21.279 doanh nghiệp, chiếm 2,9%; Hải Phòng 20.526 doanh nghiệp, chiếm 2,8%.

TP. Hồ Chí Minh có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động cao nhất

Thống kê của Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2021 cho thấy, năm 2020, bình quân cả nước có 8,3 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân. Có 8/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân cao hơn bình quân cả nước gồm: Thành phố Hồ Chí Minh có 27,6 doanh nghiệp; Đà Nẵng có 20,2 doanh nghiệp; Hà Nội có 20,1 doanh nghiệp; Bình Dương có 13,5 doanh nghiệp; Hải Phòng có 9,8 doanh nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu có 9,4 doanh nghiệp; Khánh Hòa và Bắc Ninh cùng có 9 doanh nghiệp. Có 55/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân thấp hơn bình quân cả nước, trong đó những địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân thấp nhất cả nước gồm: Hà Giang có 1,4 doanh  nghiệp; Sơn La có 1,6 doanh nghiệp; Điện Biên có 1,7 doanh nghiệp; Tuyên Quang có 1,8 doanh nghiệp; Bắc Kạn có 1,9 doanh nghiệp; Yên Bái có 2,1 doanh nghiệp; Cao Bằng và Sóc Trăng cùng có 2,2 doanh nghiệp.

Tính chung giai đoạn 2017-2020, bình quân cả nước có 7,7 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân. Có 8/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân cao hơn bình quân cả nước gồm: Thành phố Hồ Chí Minh có 26,3 doanh nghiệp; Đà Nẵng và Hà Nội cùng có 19,1 doanh nghiệp; Bình Dương có 12,6 doanh nghiệp; Hải Phòng có 10,1 doanh nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu có 8,7 doanh nghiệp; Khánh Hòa có 8,5 doanh nghiệp; Bắc Ninh có 8,1 doanh nghiệp. Có 55/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân thấp hơn bình quân cả nước, trong đó những địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân thấp nhất cả nước gồm: Sơn La và Hà Giang cùng có 1,4 doanh nghiệp; Điện Biên và Tuyên Quang cùng có 1,7 doanh nghiệp; Cao Bằng, Trà Vinh, Yên Bái và Sóc Trăng cùng có 1,9 doanh nghiệp.

Nếu xét theo mật độ dân trong độ tuổi lao động, năm 2020, bình quân cả nước có 16,8 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân trong độ tuổi lao động. Có 8/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân trong độ tuổi lao động cao hơn bình quân cả nước gồm: Thành phố Hồ Chí Minh có 56,4 doanh nghiệp; Hà Nội có 44,4 doanh nghiệp; Đà Nẵng có 44 doanh nghiệp; Bình Dương có 21,4 doanh nghiệp; Hải Phòng có 21,3 doanh nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu có 20,2 doanh nghiệp; Khánh Hòa có 18,4 doanh nghiệp; Bắc Ninh có 18,2 doanh nghiệp. Có 55/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân trong độ tuổi lao động thấp hơn bình quân cả nước, trong đó có 2/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân trong độ tuổi lao động thấp hơn 3 doanh nghiệp: Hà Giang có 2,6 doanh nghiệp; Sơn La có 2,8 doanh nghiệp.

Tính chung giai đoạn 2017-2020, bình quân cả nước có 15,1 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân trong độ tuổi lao động. Có 8/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân trong độ tuổi lao động cao hơn bình quân cả nước gồm: Thành phố Hồ Chí Minh có 53,7 doanh nghiệp; Hà Nội có 41,9 doanh nghiệp; Đà Nẵng có 39,5 doanh nghiệp; Hải Phòng có 21,3 doanh nghiệp; Bình Dương có 20,9 doanh nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu có 17,8 doanh nghiệp; Bắc Ninh có 16,8 doanh nghiệp; Khánh Hòa có 16,7 doanh nghiệp. Có 55/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân thấp hơn bình quân cả nước, trong đó thấp nhất là các địa phương: Hà Giang có 2,4 doanh nghiệp, Sơn La có 2,6 doanh nghiệp, Tuyên Quang có 3,0 doanh nghiệp và Điện Biên có 3,1 doanh nghiệp.

Mỗi năm bình quân có thêm hơn 128.000 doanh nghiệp

Năm 2020, cả nước có 134.941 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,3% về số doanh nghiệp so với năm 2019. Xét theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất với 92.024 doanh nghiệp, giảm 7,6% số doanh nghiệp so với năm 2019; khu vực công nghiệp và xây dựng có 40.277 doanh nghiệp, tăng 10,2%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 2.640 doanh nghiệp, tăng 30,1%. Theo địa phương, có 36/63 địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với năm 2019; trong đó: Cao nhất là Gia Lai tăng 68,8%; Sóc Trăng tăng 47,3%; Hậu Giang tăng 44,5%; Đắk Nông tăng 39,5%… Có 26/63 địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 giảm so với năm 2019, trong đó: Giảm nhiều nhất là Đà Nẵng giảm 20,9%; Thái Bình giảm 19,8%; Quảng Ngãi giảm 17,9%; Quảng Nam giảm 13,6%… Duy nhất có Cao Bằng có số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 bằng với năm 2019. Đáng chú ý, tình hình đăng ký doanh nghiệp thành  lập mới tại một số địa phương có quy mô doanh nghiệp lớn năm 2020 đều giảm so với 2019 như: Thành phố Hồ Chí Minh giảm 7,5%; Hà Nội giảm 5,7%; Hải Phòng giảm 2,6%; Bình Dương giảm 0,8%; Bắc Ninh giảm 0,6%; riêng Đồng Nai tăng 2,9%.

Bình quân giai đoạn 2016 - 2020 hàng năm cả nước có 128.263 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 1,5 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 7,3%. Khu vực dịch vụ có số doanh nghiệp thành lập mới bình quân giai đoạn 2016 - 2020 nhiều nhất với 90.949 doanh nghiệp, tăng 53,1% so với bình quân giai đoạn 2014 - 2015 (trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có số doanh nghiệp thành lập mới bình quân giai đoạn 2016 - 2020 nhiều nhất với 44.287 doanh nghiệp, tăng 43,3% so với giai đoạn 2014 - 2015; trong khi ngành kinh doanh bất động sản có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016 - 2020 so với giai đoạn 2014 - 2015 nhanh nhất khu vực này, tăng 357,5%, đạt bình quân 5.979 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm); khu vực công nghiệp và xây dựng có bình quân 35.243 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 49,4%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có bình quân 2.071 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,6%. Theo địa phương, có 23/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới bình quân giai đoạn 2016 - 2020 so với giai đoạn 2014 - 2015 cao hơn bình quân chung cả nước (51,3%); trong đó có 3 địa phương có tốc độ tăng trên 100% gồm: Thanh Hóa tăng 154,7%; Bắc Giang tăng 118,9%; Bắc Ninh tăng 100%. Có 40/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới bình quân giai đoạn 2016 - 2020 so với giai đoạn 2014 - 2015 thấp hơn bình quân chung cả nước, trong đó có 3 địa phương có tốc độ tăng dưới 20% gồm: Đắk Nông tăng 8,2%; Cà Mau tăng 13,2%; Điện Biên tăng 18,3%.

Số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục tập trung ở một số địa phương là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước: Thành phố Hồ Chí Minh đạt bình quân 41.510 doanh nghiệp, tăng bình quân 46,1% so với giai đoạn 2014-2015; Hà Nội đạt bình quân 25.257 doanh nghiệp, tăng bình quân 49,4%; Bình Dương đạt bình quân 5.892 doanh nghiệp, tăng bình quân 88,2%; Đà Nẵng đạt bình quân 4.178 doanh nghiệp, tăng  bình quân  67,6%; Thanh Hóa đạt bình quân 2.931 doanh nghiệp, tăng bình quân 154,7%.

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh

Năm 2020 có 44.096 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019. Đây là năm có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Tính theo khu vực kinh tế, có 30.690 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ quay trở lại hoạt động, tăng 12,5% so với năm 2019; có 12.629 doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng, tăng 10,5% và 777 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 8,8%. Theo địa phương, có 6/63 địa phương có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 trên 1000 doanh nghiệp gồm: Thành phố Hồ Chí Minh có 12.641 doanh nghiệp, tăng 14,9% so với năm 2019; Hà Nội có 9.480 doanh nghiệp, tăng 24,5% so với năm 2019; Hải Phòng có 2.051 doanh nghiệp, tăng 69,6% so với năm 2019; Thanh Hóa có 1.891 doanh nghiệp, tăng 11,4% so với năm 2019; Đà Nẵng có 1.240 doanh nghiệp, tăng 8,3% so với năm 2019; Bình Dương có 1.147 doanh nghiệp, tăng 29,6% so với năm 2019. Có 5/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2020 so với 2019 trên 50% gồm: Đắk Nông tăng 127,5%; Hải Phòng tăng 69,6%; Thái Nguyên tăng 64,5%; Vĩnh Long tăng 59,3%; Đồng Tháp tăng 54%. Có 25/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2020 giảm so với năm 2019 gồm: Ninh Bình giảm 61,5%; Lai Châu giảm 46,2%; Hà Giang giảm 41,2%; Kon Tum giảm 35,8%; Bạc Liêu giảm 30,1%...

Bình quân giai đoạn 2016 - 2020 mỗi năm cả nước có 34.133 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 84,9% so với bình quân giai đoạn 2014 - 2015. Theo khu vực kinh tế, bình quân giai đoạn này khu vực dịch vụ có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động bình quân hàng năm đạt cao nhất với 23.357 doanh nghiệp, tăng 91,1% so với bình quân giai đoạn 2014 - 2015; khu vực công nghiệp và xây dựng có 10.081 doanh nghiệp, tăng 73,7%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 695 doanh nghiệp, tăng 58,3%. Theo địa phương, giai đoạn này có 7/63 địa phương có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động bình quân trên 1000 doanh nghiệp và có tốc độ tăng cao so với giai đoạn 2014 - 2015 gồm: Thành phố Hồ Chí Minh có 9.984 doanh nghiệp, tăng 60,8%; Hà Nội có 6.509 doanh nghiệp, tăng 80,2%; Hải Phòng có 1.196 doanh nghiệp, tăng 126,0%; Đà Nẵng có 1.181 doanh nghiệp, tăng 78,3%; Bình Dương có 1.088 doanh nghiệp, tăng 230,7%; Thanh Hóa có 1.056 doanh nghiệp, tăng 269,1%; Đồng Nai có 1.031 doanh nghiệp, tăng 70,4%... Có 2/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 giảm so với giai đoạn 2014 - 2015 gồm: Đồng Tháp giảm 50,6%; Trà Vinh giảm 43,6%.

Năm 2020, cả nước có 17.464 doanh nghiệp giải thể

Trong năm 2020, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trên phạm vi cả nước là 46.592 doanh nghiệp, tăng 62,2% so với năm 2019. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm cả nước có 28.810 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký, tăng 110,5% so với bình quân giai đoạn 2014 - 2015. Khu vực dịch vụ có số lượng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tạm ngừng kinh doanh có đăng ký nhiều nhất với 20.264 doanh nghiệp, chiếm 70,3% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của toàn bộ nền kinh tế, tăng 113,5% so với bình quân giai đoạn 2014 - 2015; khu vực công nghiệp và xây dựng có 8.117 doanh nghiệp, tăng 103,9%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 430 doanh nghiệp, tăng 100,7% so với bình quân giai đoạn 2014 - 2015.

Bình quân giai đoạn 2016 - 2020 mỗi năm số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký ít hơn số doanh nghiệp quay lại hoạt động, chỉ bằng 84,4%; tỷ lệ này thấp nhất ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, với 61,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng với 80,5%; khu vực dịch vụ với 86,8%. Năm 2020, cả nước có 17.464 doanh nghiệp giải thể, tăng 3,7% so với năm 2019; số lượng doanh nghiệp giải thể bằng 12,9% so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm cả nước có 15.042 doanh nghiệp giải thể, tăng 58,4% so với bình quân giai đoạn 2014 - 2015. Theo khu vực kinh tế: Khu vực dịch vụ có số lượng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 giải thể nhiều nhất với 10.971 doanh nghiệp, chiếm 72,9% số doanh nghiệp giải thể của toàn bộ nền kinh tế, tăng 63,9% so với bình quân giai đoạn 2014-2015; khu vực công nghiệp và xây dựng có 3.676 doanh nghiệp, tăng 45,9%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 395 doanh nghiệp, tăng 37,6% so với bình quân giai đoạn 2014-2015. Theo địa phương, bình quân giai đoạn 2016-2019, có 2/63 địa phương có trên 1000 doanh nghiệp giải thể mỗi năm, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh có 4.510 doanh nghiệp, tăng 66% so với năm 2019; Hà Nội có 1.738 doanh nghiệp, tăng 90,2%. Có 51/63 địa phương có số doanh nghiệp giải thể bình quân giai đoạn 2016-2019 tăng so với bình quân giai đoạn 2014-2015; có 12/63 địa phương có số doanh nghiệp giải thể bình quân giai đoạn 2016-2019 giảm so với bình quân giai đoạn 2014-2015.

PV.

Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại – Tháng 8/2021

------------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

* Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2021, tháng 7/2021;

* Cục Quản lý đăng ký kinh doanh: Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 12 và năm 2020, 28/12/2020.

Đăng ngày: 30/08/2021 , 15:55 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác