Phát biểu khai mạc, ông Vũ Quốc Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại cho biết: Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, những thay đổi từ bên ngoài đã có những ảnh hưởng nhất định tới kinh tế trong nước, các đối tượng tham gia vào hoạt động kinh tế Việt Nam không chỉ tăng lên về số lượng, mà còn có hình thức đa dạng hơn. Do đó, phát triển chất lượng nguồn nhân lực chính là một giải pháp quan trọng và cấp thiết để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Bởi đây là nguồn lực không những giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lựợng và hiệu quả công việc mà còn chủ động tham gia hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu.
Theo ông Bùi Quang Tuấn - Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là một yếu tố quan trọng mà còn là một yếu tố cốt lõi để đổi mới mô hình tăng trưởng trong bối cảnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của một quốc gia. Việc đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực là một quyết định chiến lược, mang lại hiệu quả lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay trình độ nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2023 chỉ đạt 27,2%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên chiếm tới 72,8%. Đây là thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.
Ông Bùi Quang Tuấn - Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu
“Thái độ lao động của nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo: vấn đề ý thức kỷ luật lao động, kỹ năng mềm, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa của lao động Việt Nam còn thiếu và yếu.” – ông Tuấn phản ánh.
TS. Lương Minh Huân- Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp cũng cho rằng, hiện nay hơn 80% doanh nghiệp chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lao động. Trong đó, chủ yếu là đào tạo nâng cao (65,1%) hay đào tạo cho lao động chưa có kỹ năng (57,6%), ít đào tạo kỹ năng mới (46,1%) và nhất là kỹ năng chuyên biệt cho CN 4.0 (17,6%); 3/4 doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo, 1/5 doanh nghiệp đào tạo lao động thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bên ngoài. Doanh nghiệp chú trọng hơn việc liên kết với các cơ sở giáo dục quốc tế để đào tạo kỹ năng liên quan đến CN 4.0. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn vào sự liên kết hợp tác với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh hoặc cùng chuỗi cung ứng trong đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động
Ông Lê Văn Khoa Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Viện Dầu khí Việt Nam - VPI tham luận tại Hội thảo
Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Lê Văn Khoa, Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Viện Dầu khí Việt Nam – VPI cho biết: Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) đặc biệt AI tạo sinh (gen AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn... đang tạo ra sự thay đổi sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Để duy trì và nâng cao vị thế cạnh tranh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nói chung và Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) nói riêng đang đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số. Đây là giải pháp then chốt giúp ngành dầu khí vượt qua thách thức, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong quá trình này, công đoàn đóng vai trò quan trọng như cầu nối giữa lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động, thúc đẩy môi trường làm việc sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của ngành và hội nhập kinh tế.
Ông Kiều Ngọc Anh - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí - PVEP trình bày tham luận
Ông Kiều Ngọc Anh, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí – PVEP chia sẻ: Nhiệm vụ phát huy tính sáng tạo nhằm thúc đẩy năng suất, chất lượng lao động cho doanh nghiệp luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Công đoàn PVEP với vai trò đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trên, một trong nhưng giải pháp Công đoàn PVEP đã triển khai mang lại hiệu quả rõ rệt nhất là tổ chức các phong trào thi đua lao động sáng tạo trong Tổng công ty.
Tại hội thảo nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần tăng cường, tập trung đầu tư nguồn lực ngân sách nhà nước kết hợp với tăng cường xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo, dạy nghề. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích phát triển các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, các mô hình đại học mới thích ứng với quá trình chuyển đổi số để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động tiếp cận kiến thức nâng cao trình độ, tay nghề, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cả về số lượng, cũng như về trí lực và thể lực.
Quang cảnh Hội thảo
Theo ông Nguyễn Tuấn Minh - Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội: để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần: Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào R&D. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình đào tạo, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP để mở rộng thị trường và chuyển giao công nghệ. Khuyến khích văn hóa đổi mới trong doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp cần xây dựng và thúc đẩy một văn hóa tổ chức khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới. Điều này có thể thực hiện thông qua việc đào tạo quản lý, khuyến khích sáng kiến từ nhân viên, và tạo ra một môi trường làm việc linh hoạt, sáng tạo.” – ông Minh nhấn mạnh
TS. Lương Minh Huân- Viện trưởng Cần xây dựng chiến lược và lộ trình phân bổ nguồn lực cho đào tạo lao động phù hợp CN 4.0 cũng kiến nghị, cần cập nhật thông tin từ đó giúp thay đổi nhận thức về ích lợi có được từ liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, các tổ chức xã hội đáp ứng được yêu cầu, thành lập các bộ phận chuyên trách về đào tạo. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp lớn dẫn dắt, thúc đẩy việc hợp tác trong đào tạo lao động giữa các bên; Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo từ khâu thiết kế chương trình đến đánh giá kết quả đào tạo. Người lao động cũng cần tăng cường tiếp cận thông tin chủ động, từ đó thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của các kỹ năng trong CN 4.0 và lộ trình chuyển đổi/nâng cao năng lực phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của bản thân.
PV