Phát huy tiềm năng công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2022 sau đại dịch

Đăng ngày: 02/02/2022 , 20:14 GMT+7

Năm 2022, kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ khôi phục trở lại, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có thể sẽ có các tín hiệu lạc quan hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần tiếp tục không ngừng đổi mới cải tiến để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, như nâng cao trình độ tay nghề người lao động, tích cực đầu tư vào R&D, chủ động cập nhật công nghệ và có kế hoạch áp dụng chuyển đối số một cách toàn diện...

TS. Trương Thị Chí Bình

Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương – Bộ Công Thương

Tổng thư ký, Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)

1. Công nghiệp hỗ trợ năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid

Năm 2021 là năm rất nhiều khó khăn với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Dưới ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid, chi phí nguyên vật liệu và chi phí vận tải trên toàn cầu tăng rất cao, có những vật liệu tăng gấp 2 lần năm 2019. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn tốn thêm rất nhiều chi phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh tại nhà máy và chi phí xét nghiệm liên tục cho người lao động. Chính vì vậy mà chi phí sản xuất tăng cao. Trong khi đó, doanh thu lại có xu hướng giảm sút, vì các đơn hàng của khách hàng cũ gặp khó khăn, trong khi các khách mới tiềm năng do đại dịch nên không có điều kiện để tiếp xúc và audit đánh giá theo kế hoạch đã định. Theo khảo sát của VASI, doanh thu trung bình của các doanh nghiệp giảm khoảng 20%, trong khi chi phí tăng thêm từ 2-30%. Bên cạnh chi phí và doanh thu, nhân sự tại các doanh nghiệp sản xuất CNHT cũng khó ổn định. Nguồn nhân lực bị tác động bởi các ca F0, F1 nên phải cách ly, giãn cách, có những công nhân về quê và không quay trở lại vì giãn cách và hạn chế đi lại. Trong suốt một thời gian dài, các quy định bất cập tại các địa phương về lưu thông hàng hóa cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi cố gắng duy trì sản xuất nhưng vẫn bị chậm trễ giao hàng cho thời gian ách tắc trên đường.

Bên cạnh các khó khăn đó, đại dịch cũng tác động nhanh hơn đến việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ các quốc gia khác sang Việt Nam. Theo khảo sát, khoảng 20% doanh nghiệp hội viên của VASI có đơn hàng gia tăng. Tuy nhiên chỉ một số doanh nghiệp đáp ứng được với các đơn hàng tăng thêm. Các doanh nghiệp khác, vì các lý do kể trên và do công suất sản xuất đã hết, lại gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất do giá thuê đất tại các khu công nghiệp có vị trí tốt tăng cao, không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, không đủ vốn để đầu tư sản xuất. Năm 2021 cũng đã có các doanh nghiệp hội viên VASI đầu tư dự án mới, xây dựng nhà máy mới, hoặc mở rộng dây chuyền sản xuất. Đây là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh chung, thể hiện những nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ đã kịp thời nắm bắt cơ hội mà đại dịch toàn cầu đem tới cho ngành chế tạo Việt Nam.

Năm 2021, Luật Phát triển Công nghiệp được Bộ Công Thương bắt đầu tập trung xây dựng, dành riêng cho công nghiệp chế biến chế tạo, cho thấy vai trò của các ngành công nghiệp này trong công nghiệp hóa quốc gia. Luật này sẽ tạo hành lanh pháp lý và khung chính sách hỗ trợ cho Chính phủ và các địa phương khi tập trung nguồn lực vào phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đồng thời, từ năm 2020, chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ nhằm đến một nền kinh tế số đã được triển khai thực hiện, hứa hẹn sẽ có thể tạo ra nguồn lực cạnh tranh mới cho phát triển công nghiệp Việt Nam, thay vì ưu đãi thuế, đất đai chi phí thấp, lao động rẻ và dồi dào, như trước đây.

2. Thách thức và cơ hội của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2022

Trên toàn cầu, các hiệp định thương mại tự do ngày càng mở rộng và liên thông thị trường giữa các châu lục. Với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể nhanh chóng gia nhập thị trường mới, nhưng cũng phải đối diện các biện pháp phi thuế quan, như: tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn, nguồn gốc xuất xứ, chứng minh chống bán phá giá… Như vậy, để gia nhập và trụ vững ở các thị trường quốc tế, doanh nghiệp phải tiêu chuẩn hóa cao, đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu khắt khe của các thị trường. Đây là thách thức với doanh nghiệp Việt, nhưng lại là cơ hội cho các công ty FDI mới đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ các ngành chế tạo.

Vai trò cuả các công ty đa quốc gia ngày càng lớn mạnh và tác động đến kinh tế toàn cầu. Từ năm 2016, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã tạo ra sự dịch chuyển sản xuất sang nước thứ 3, trong đó có Việt Nam. Từ giữa năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất CNHT đạt chất lượng quốc tế đã nhận thêm hợp đồng từ nước ngoài. Trong 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng của các tập đoàn, do nhiều nhà máy tại các quốc gia công nghiệp phải đóng cửa hàng loạt, đã mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào chuỗi, được thử sức ở thị trường rộng lớn hơn. Trên thực tế, có khoảng 5-10% doanh nghiệp linh kiện cơ khí và khuôn nhựa đang là nhà cung cấp lớp 1, chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM, đã mở rộng sản xuất với đầu tư dây chuyền sản xuất mới hoặc mở nhà máy mới trong năm 2020 và 2021. Các nhà máy mới thường được đầu tư tại các tỉnh lân cận: Long An, Bình Dương, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên... Năm 2022, kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ khôi phục trở lại, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có thể sẽ có các tín hiệu lạc quan hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần tiếp tục không ngừng đổi mới cải tiến để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, như nâng cao trình độ tay nghề người lao động, tích cực đầu tư vào R&D, chủ động cập nhật công nghệ và có kế hoạch áp dụng chuyển đối số một cách toàn diện...

Như vậy, Covid-19 làm thay đổi toàn diện chuỗi cung ứng trên thế giới và đẩy nhanh quá trình tìm kiếm cứ điểm sản xuất mới của các hãng lớn. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn nhận được nhiều sự quan tâm, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ các ngành chế tạo Việt Nam đang đứng trước những cơ hội sản xuất chưa từng có. Đồng thời, Chính phủ cũng đang hết sức hỗ trợ cho các doanh nghiệp với tâm thế lắng nghe, cầu thị nhất từ trước đến nay. Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi đứng trước sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh thế giới ngày một “phẳng” hơn. Sự cạnh tranh đó không chỉ đến từ các doanh nghiệp FDI tại địa phương, mà còn chịu áp lực rất lớn khi phải cạnh tranh về giá, công nghệ với các nước khác trong khu vực. Để vượt qua áp lực cạnh tranh này và tận dụng các cơ hội đang rộng mở, doanh nghiệp sản xuất chế tạo cần được tiếp cận các nguồn lực đầu vào cho sản xuất một cách tối ưu nhất. Trong đó, nổi bật là vốn tín dụng ưu đãi, như việc cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư và mở rộng sản xuất. Nội dung cần hỗ trợ quan trọng thứ 2 liên quan đến mặt bằng sản xuất. Chính phủ và các địa phương cần tạo ra các Khu công nghiệp có diện tích thuê phù hợp với mức giá hợp lý, có thể thông qua việc dùng chung các khu vực hành chính, dịch vụ… để có thêm nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp chế tạo mới có thể đầu tư sản xuất vào công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, Chính phủ cần liên tục bổ sung đội ngũ lao động trẻ cho các ngành công nghiệp chế tạo bằng cách khuyến khích học sinh sinh viên theo đuổi các ngành khoa học công nghệ, nâng cao kỹ năng mềm cho chất lượng nguồn nhân lực, liên kết hiệu quả giữa các doanh nghiệp trong ngành và với công ty FDI…Có như vậy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới có thể tận dụng các cơ hội đang tới và phát huy hết tiềm năng của mình trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Trương Chí Bình (Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại – Số 1/2022)

Đăng ngày: 02/02/2022 , 20:14 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác