Nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu gắn kết hiệu quả với hệ thống Logistics

Đăng ngày: 25/06/2023 , 14:49 GMT+7

Đây là chủ đề Tọa đàm do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) phối hợp tổ chức ngày 23/6/2023.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit).

Tọa đàm được thực hiện dựa trên ý tưởng của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cùng sự đồng hành của Khoa Kỹ thuật và Quản lý công nghiệp (Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM) với sự tham gia của các bên liên quan với mong muốn trao đổi và chia sẻ những phân tích, ý kiến và giải pháp thúc đẩy sự gắn kết của hệ thống logistics với ngành hàng nông sản nói chung và nông sản xuất khẩu nói riêng, nhằm góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt Nam để thích ứng trước xu thế phát triển mới trong nước và quốc tế.

Nông sản xuất khẩu là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, đặc biệt năm 2022, đạt 22,6 tỷ USD chiếm 42,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước, trong đó Hoa Kỳ-Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu chủ lực (theo Bộ NN và PTNT).

Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và yêu cầu nâng cao năng lực chuỗi giá trị. Theo báo cáo “Chuyển đổi nông nghiệp xanh của Việt Nam” (“Spearheading Vietnam’s Green Agricultural Transformation”) của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố năm 2022, bên cạnh những giải pháp về xúc tiến thương mại, marketing, quảng bá tiếp cận thị trường quốc tế, thì hệ thống logistics và lưu trữ bảo quản đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản Việt Nam.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Đình Tùng TGĐ Tập đoàn Vina T&T, Phó Chủ tịch VINAFRUIT chia sẻ về hiện trạng xuất khẩu nông sản từ đó đề xuất một số hoạt động Logistics để hoạt động chuỗi cung ứng đạt hiệu quả hơn.

Cụ thể, thứ nhất, cần đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng logistics nông sản: Vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn – Trạm sơ chế - Nhà máy – Kho lạnh – Hệ thống vận tải – Chiếu xạ – Cảng biển/hàng không. Thứ hai, liên kết để kết nối giữa các hãng tàu lớn trong và ngoài nước nhằm ổn định giá cước vận chuyển. Thứ ba, tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản: Người nông dân - thương lái - nhà máy chế biến - doanh nghiệp thương mại - doanh nghiệp logistics.

Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, bà Nguyễn Nam Phương Thảo, Giám đốc Kinh doanh Công ty Hoàng Phát, chỉ ra những khó khăn và thuận lợi trong việc xuất khẩu hậu covid, từ đó đưa ra đề xuất và kiến nghị. Cụ thể thứ nhất, gắn thiết bị theo dõi nhiệt độ, data logger, log tag trong quá trình vận chuyển. Thứ hai, kiểm soát chất lượng hợp chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics (trong nước, khu vực và quốc tế). Thứ ba, nghiên cứu, cải thiện, và áp dụng những công nghệ mới, kể cả quản lý theo hướng tin học 4.0 để nâng cao chất lượng, đảm bảo tính ổn định trong quá trình vận chuyển cũng như giảm giá thành logistics, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các bên tham gia chuỗi cung ứng. Cuối cùng, tăng cường chia sẻ thông tin giữa các Hiệp hội ngành nghề nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu nông sản.

Về phía đại diện công ty Logistics, bà Nguyễn Tú Uyên - Giám đốc Công ty Logistics CMU đã chỉ ra các khó khăn, thách thức của các công ty logistics hoạt động về nông nghiệp, từ đó đề xuất giải pháp về Logistics để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng nhiều tuyến đường kết nối đến các vùng nguyên liệu (Sơn La, Đồng Tháp, An Giang, Đồng Nai, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Bình Thuận, Ninh Thuận…). Thời gian vận chuyển từ một số vùng nguyên liệu đến các đầu mối cảng biển/hàng không đã được rút ngắn rất nhiều vì thế cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ kết nối tốt từ các vùng nguyên liệu khu vực ĐBSCL để người nông dân/HTX có cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường xuất khẩu với chất lượng tốt nhất.

Cục Bảo Vệ Thực Vật - Bộ NN & PTNN đã quy hoạch cấp rất nhiều mã số vùng trồng và mã số đóng gói cho nhiều loại trái cây kịp đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trái cây đến các thị trường khó tính.

Tuy nhiên, cần có quy hoạch xây dựng các trung tâm Logistics nông sản: có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế nhằm nâng cao chất lượng hàng nông sản, từ đó góp phần ổn định giá thành; tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hoá nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản tập trung, chủ lực; kết nối đường thuỷ - đường bộ - đường sắt để phát huy tối đa sức mạnh tổng thể logistics nội địa.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Logistics nên áp dụng công cụ quản lý tiên tiến trong công nghệ 4.0: AI, Big Data, Blockchain… giúp giảm chi phí, tăng hiệu suất kinh doanh. Các doanh nghiệp Logistics nông sản cần xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng logistics đa phương thức và toàn diện.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI-VLA); Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia Tp HCM đã chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu cần khắc phục của hệ thống logistics "Chuỗi Lạnh" (Cold Chain) đối với hàng nông sản.

Theo PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa, các mô hình sản xuất và xuất khẩu nông sản đến từ Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan rất gần gũi với Việt Nam và sẽ là các mô hình đáng chú ý mà các doanh nghiệp có thể tham khảo trong việc phát triển hiệu quả hệ thống logistics đối với nông sản xuất khẩu. Để nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản Việt Nam trong thời gian sắp tới, cần thực hiện các gói giải pháp đồng bộ về hạ tầng, thể chế chính sách, nguồn nhân lực và đặc biệt là phát triển mô hình liên kết theo mô hình 2 NHÀ với 2 hiệp hội VLA -VINAFRUIT (win-win cùng đi xa hơn); mô hình 4 NHÀ với VLA, VINAFRUIT, UNIDO và VLI (tư vấn-nghiên cứu-đào tạo).

Trong phiên thảo luận, các đại biểu cùng các chuyên gia tập trung phân tích về hiện trạng hệ thống Logistics Việt Nam; những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp Xuất khẩu nông sản liên quan đến Logistics và những giải pháp, đề xuất và các hoạt động cụ thể để tăng cường sự phối kết hợp giữa các doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả của hoạt động logistics đối với hàng nông sản, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu.

Đặc biệt, trong khuôn khổ của Tọa đàm đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) về việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác sâu rộng góp phần nâng cao nhận thức và vai trò của việc phát triển hệ thống logistics hướng đến lĩnh vực nông sản, cũng như nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu. Qua đó thể hiện rõ vai trò và sứ mệnh của VLA và Vinafruit là “cánh tay nối dài” của cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng được chiến lược phát triển hệ thống logistics phù hợp, sát thực tiễn và tối ưu nhất, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị hàng nông sản của Việt Nam.

PV.

Đăng ngày: 25/06/2023 , 14:49 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác