Tác động của dịch COVID-19: Một góc nhìn từ khu vực kinh tế tư nhân

Đăng ngày: 28/10/2021 , 09:15 GMT+7

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong 02 năm qua, đặc biệt là đợt bùng phát thứ tư từ cuối tháng 4 - đầu tháng 5/2021 đến nay trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước đã, đang gây nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và tình hình việc làm, thu nhập của người lao động.

Cuộc khảo sát nhanh do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam phối hợp với Báo Điện tử VnExpress thực hiện trên 21.517 doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh và hơn 69.000 người lao động trên khắp cả nước trong tháng 8/2021 phản ánh tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh và những khó khăn của DN, tình hình việc làm và thu nhập của người lao động trong bối cảnh dịch và những mong muốn về chính sách hỗ trợ từ phía DN, người lao động.

Trong tổng số 21.517 DN tham gia khảo sát, phần lớn là DN siêu nhỏ/hộ kinh doanh dưới 10 lao động, chiếm tới 41%; số lượng DN trong khu vực Công nghiệp và Xây dựng chiếm 31%; số lượng DN khu vực Dịch vụ chiếm 63% và DN khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản chiếm 6%. Các loại hình Hộ kinh doanh và Doanh nghiệp tư nhân (DNTN), Công ty TNHH, Công ty cổ phần đại diện chính cho khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam và chiếm tới 95% đối tượng tham gia khảo sát. DN tham gia khảo sát có đăng ký kinh doanh ở tất cả các tỉnh, thành phố. Trong đó, có tỷ lệ doanh nghiệp trả lời cao nhất bao gồm: TP.Hồ Chí Minh (gần 50%),Hà Nội (hơn 26%), Bình Dương (gần 4%), Đồng Nai (hơn 2%) và Đà Nẵng (gần 2%). Đây cũng là những địa phương phải thực hiện nhiều đợt giãn cách, cách ly, phong tỏa kéo dài kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 5/2021.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn

Trong tổng số 21.517 DN tham gia khảo sát online, tỷ lệ số DN “Tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch” chiếm tỷ lệ cao nhất là 69% (tương đương 14.890 DN). Cần lưu ý là khái niệm “tạm ngừng hoạt động kinh doanh do dịch” trong khảo sát này khác với khái niệm “tạm ngừng kinh doanh” của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khái niệm tạm ngừng kinh doanh của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh là DN chủ động đi đăng ký ngừng kinh doanh với cơ quan quản lý của nhà nước còn các DN tạm ngừng kinh doanh ở đây là do yếu tố khách quan của dịch COVID-19.

Theo khảo sát, số DN cố gắng “Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh” mặc dù không thể hoạt động toàn công suất chiếm 16% (tương đương 3.355 DN). Số DN “Giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể” là 15% (tương đương 3.272 DN). Tình trạng hoạt động của các DN ở 5 tỉnh, thành phố có số ca mắc COVID-19 cao và thực hiện việc giãn cách/cách ly kéo dài có sự khác biệt đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ DN “Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh” dù dưới công suất là 11,6% ở TP. Hồ Chí Minh thấp thứ 2 sau Đà Nẵng (9%). Tỷ lệ DN “Tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch” ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai cao hơn mức trung bình chung và đều trên 71%.

So với DN cùng quy mô lao động, số DN duy trì được một phần hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch của DN siêu nhỏ chỉ chiếm khoảng 8,9% trong khi đó tỷ lệ này ở DN siêu lớn (trên 1.000 lao động) chiếm hơn 42% và ở DN lớn (từ 201 - 1.000 lao động) chiếm 34,5%. Theo Báo cáo kết quả khảo sát, điều này có thể được lý giải là các DN quy mô lớn, siêu lớn thường có ràng buộc trách nhiệm rất cao trong các chuỗi cung ứng, sản xuất, xuất nhập khẩu nên việc duy trì hoạt động trở thành vấn đề mang tính “sống còn” bằng mọi cách không được để đứt gãy. Bên cạnh đó, các DN này thông thường đều có các quy định về quy trình hoạt động hay các Bộ quy tắc liên quan đến an toàn lao động, tiêu chuẩn kỹ thuật; đặc biệt ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì họ thường có các Bộ quy tắc theo quy định của công ty mẹ để áp dụng tại các nước phát triển và điều này giúp duy trì hoạt động (hoặc một phần hoạt động) ngay cả khi bối cảnh dịch hết sức khó khăn. Các DN sản xuất quy mô lớn, siêu lớn thì thường có nhà xưởng lớn, vì vậy khi tổ chức hoạt động trong bối cảnh dịch, họ cũng có điều kiện để có thể thực hiện giãn cách tương đối theo yêu cầu của các mô hình “3 tại chỗ”, “2 cung đường 1 điểm đến” hay các yêu cầu giãn cách khác.

Tuy nhiên, khi phân tích các thông tin chi tiết hơn của DN thì khoảng 70% DN siêu lớn duy trì hoạt động sản xuất phải cắt giảm lao động. Vì thế, việc đánh giá ảnh hưởng, thiệt hại của các nhóm DN hoặc đánh giá thiệt hại của nền kinh tế không chỉ thuần túy dựa vào tỉ lệ “đóng cửa” trên số lượng DN, mà còn cần phân tích đồng thời nhiều chỉ tiêu thông tin khác.

Doanh nghiệp công nghiệp có khả năng duy trì hoạt động sản xuất cao nhất

Với quy mô doanhthu của DN được khảo sát là dựa trên doanh thu năm 2020, tỷ lệ DN giải thể/ngừng hoạt động chờ giải thể của DN siêu nhỏ với doanh thu dưới 3 tỷ đồng so với DN có cùng quy mô là gần 21%. Tỷ lệ này ở các quy mô doanh thu khác thấp hơn khá nhiều. Kết quả khảo sát cho thấy, quy mô doanh thu càng lớn thì tỷ lệ DN giải thể/ngừng hoạt động chờ giải thể càng giảm so với tỷ lệ này của các DN có quy mô doanh thu nhỏ hơn. Tỷ lệ giải thể/ngừng hoạt động của DN có doanh thu trên 200 tỷ đồng/năm là khoảng hơn 8,5% so với DN cùng quy mô. DN có quy mô doanh thu lớn thì tỷ lệ duy trì được một phần hoạt động sản xuất kinh doanh cũng vì thế càng cao hơn. Tỷ lệ này là trên 27% của số DN có quy mô doanh thu từ 50 - 200 tỷ đồng/năm, gần 37% của số DN có quy mô doanh thu từ 200 - 1000 tỷ đồng/năm và cao nhất là 47,3% của số DN có quy mô trên 1000 tỷ đồng/năm.

So sánh tỷ lệ DNtham gia khảo sát phân theo tình trạng hoạt động trong từng ngành kinh tế thì trong khu vực Dịch vụ và Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, tỷ lệ DNgiải thể là 17% so với số DN cùng khu vực kinh tế tương ứng tham gia khảo sát. Tỷ lệ này so với tỷ lệ DNgiải thể của các ngành kinh tế khác là lớn nhất vì tỷ lệ tương ứng của khu vực Công nghiệp và Xây dựng lần lượt là 10% và 13%.

Trong khu vực Công nghiệp, tỷ lệ DN có khả năng duy trì hoạt động sản xuất (dù phải cắt giảm lao động) là 24%. Tỷ lệ này của khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản cũng đạt được 22% trong khi đó DN Dịch vụ duy trì được hoạt động chỉ chiếm 14% và ở nhóm DN Xây dựng, tỷ lệ này là thấp nhất, chỉ đạt 10%. Tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong khu vực Xây dựng là 76% và cao nhất khi so với các khu vực kinh tế khác.

Cơ cấu doanh nghiệp theo tình trạng hoạt động và phân theo từng ngành kinh tế lớn (%)

Những khó khăn về tài chính và ứng phó của doanh nghiệp

Dòng tiền được ví như “máu” của DN. Theo khảo sát, để giải quyết khó khăn về dòng tiền bị thiếu hụt do tác động của dịch COVID-19, đối với cả 02 nhóm DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” và DN đang “duy trì sản xuất kinh doanh”, đại đa số đều chủ động chọn giải pháp “giảm chi phí hoạt động như cắt giảm lao động, tiền lương, tổ chức lại sản xuất”. Tỷ lệ DN chọn cách thức này tương đồng ở cả hai nhóm là khoảng 64%.

Nguồn bên ngoài để các DN có thể giải quyết khó khăn về dòng tiền là việc đi vay; trong đó vay từ ngân hàng thương mại là cách thức phổ biến nhất mà các DN lựa chọn. Tỷ lệ DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” tiếp cận nguồn vay từ các ngân hàng thương mại của là khoảng 30%, trong khi đó tỷ lệ này của các DN “duy trì sản xuất kinh doanh” là hơn 39%. Nguồn vay thứ hai đó là vay từ tổ chức tài chính vi mô hoặc cá nhân. Tỷ lệ các DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” tiếp cận nguồn vay này là hơn 22% còn ở các DN “duy trì sản xuất kinh doanh” gần 18%. Nguồn vay thứ ba mà cả hai nhóm DN này đã thực hiện là “vay gói hỗ trợ của nhà nước” để giải quyết khó khăn, với tỷ lệ khá tương đồng là hơn 17%. Tuy nhiên, trong số các DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” thì có 2,4% DN trả lời “không có cách nào khác” để giải quyết khó khăn về dòng tiền.

Về khó khăn tài chính của DN, khó khăn lớn nhất mà nhiều DN của cả nhóm DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” và nhóm DN “duy trì sản xuất kinh doanh” gặp phải là trả tiền lương cho người lao động. Trên 71% DN tham gia khảo sát của cả 02 nhóm cho biết họ gặp khó khăn này. Khó khăn thứ hai nhiều DN của cả 02 nhóm gặp phải là trả lãi vay cho ngân hàng với 61% DN ở nhóm “tạm ngừng hoạt động do dịch” và 50% ở nhóm DN “duy trì sản xuất kinh doanh”. Khó khăn thứ ba nhiều DN của cả hai nhóm gặp phải là trả tiền thuê đất/kho bãi/nhà xưởng/văn phòng cho khu vực tư nhân với 57% DN ở nhóm “tạm ngừng hoạt động do dịch” và 40% ở nhóm DN “duy trì sản xuất kinh doanh”. Khó khăn thứ tư nhiều DN của cả 02 nhóm gặp phải là đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn (BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ). Tương tự như vấn đề trả lương công nhân, tỷ lệ trả lời của 02 nhóm khá giống nhau là 51%, không có sự chênh lệch giữa 02 nhóm. Khó khăn thứ năm mà nhiều DN của cả 02 nhóm gặp phải là trả nợ gốc cho ngân hàng. Tỷ lệ DN gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ gốc cho ngân hàng là 37% trong số DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” và 31% trong số DN “duy trì sản xuất kinh doanh”. Khó khăn thứ sáu nhưng tỷ lệ khá tương đồng với khó khăn thứ năm là hơn 30% DN của cả hai nhóm đều cho biết, họ gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền điện, nước, nhiên liệu đầu vào.

Để ứng phó, giải quyết khó khăn khi dòng tiền bị thiếu hụt, biện pháp mà các DN chủ động thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động, trong đó có việc cắt giảm lao động vì tiền trả lương cho người lao động và tiền đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ là 02 khoản chi thuộc nhóm 05 gánh nặng tài chính lớn nhất hiện nay đối với các DN tham gia khảo sát. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, vẫn còn nhiều DN nỗ lực không cắt giảm lao động mà áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để giữ chân lao động trong bối cảnh dịch.

Chính sách áp dụng với người lao động tại các DN “tạm ngừng hoạt động” và DN “duy trì sản xuất kinh doanh”

Đối với DN “tạm ngừng hoạt động do dịch”, biện pháp “cắt giảm lao động từ 75% đến dưới 100%” được lựa chọn nhiều nhất với tỷ lệ 24%. Chính sách thứ hai cũng được nhiều DN nhóm này lựa chọn lại là “không cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ tạm thời không hưởng lương lúc dịch chưa được kiểm soát” với tỷ lệ 23%. Tỷ lệ DN “duy trì sản xuất kinh doanh” lựa chọn 2 chính sách tương ứng trên lần lượt là 5% và 13%.

Đối với DN “duy trì sản xuất kinh doanh”, chính sách với lao động phổ biến nhất là “không cắt giảm lao động và duy trì chính sách lương, phúc lợi như trước và “không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm/giảm lương” với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 27% và 24%. Nhóm DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” thực hiện chính sách “không cắt giảm lao động và duy trì chính sách lương” chỉ đạt tỷ lệ 6%, ít hơn 1/4 so với tỷ lệ này ở các DN “duy trì sản xuất kinh doanh”. Tỷ lệ DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” có khả năng thực hiện chính sách “không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm/giảm lương” là 16%, bằng khoảng 3/5 so với với tỷ lệ này ở các DN “duy trì sản xuất kinh doanh”.

Tính chung liên quan đến chính sách cắt giảm lao động, 52% DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” thực hiện nhóm chính sách này, ít là “cắt giảm dưới 25%”, nhiều là cắt giảm “từ 75% đến dưới 100%”. Trong khi đó, tỷ lệ DN “duy trì sản xuất kinh doanh” thì thực hiện chính sách cắt giảm lao động tính gộp là 31%. Bên cạnh đó, có khoảng 4% DN “duy trì sản xuất kinh doanh” cho biết họ “không cắt giảm lao động và tranh thủ tuyển thêm lao động”. Đây là những “điểm sáng” trong bức tranh tổng thể tình hình tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động DN và người lao động theo khảo sát này.

Riêng đối với nhóm DN “Giải thể/ngừng hoạt động chờ giải thể”, có tới 44% DN nhóm này cho biết là họ không hỗ trợ gì cho lao động; 25% DN trả lời là hỗ trợ 1 tháng lương; 22% DN hỗ trợ người lao động dưới hình thức “hướng dẫn người lao động nhận BHTN”.

Các chính sách hỗ trợ được DN đánh giá hiệu quả

Với câu hỏi khảo sát về các chính sách hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước, chính sách được nhiều DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” lựa chọn nhất là “Hỗ trợ DN vay với lãi suất 1-3%/năm để trả lương” với 62%. Vì trong bối cảnh tạm ngừng hoạt động, DN vẫn phải tìm cách giữ chân lao động chờ cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh, bởi chi phí tuyển dụng lại là rất cao đặc biệt đối với các nhóm nhân sự quản lý, nhân sự chuyên môn kỹ thuật sâu.

Chính sách “Hỗ trợ DN vay với lãi suất 1-3%/năm để trả lương” là lựa chọn nhiều thứ hai của nhóm DN “duy trì sản xuất kinh doanh” với tỷ lệ là 55%. Đây là nhóm DN đang chịu rất nhiều áp lực và chịu nhiều khoản chi phí phát sinh đối với người lao động không chỉ tiền chi lương, bảo hiểm, nhằm duy trì một phần hoạt động, đặc biệt các DN tham gia chuỗi sản xuất hàng xuất khẩu, nhằm để giữ thị trường, giữ khách hàng, không bị phạt hợp đồng.

Có tới 65% DN nhóm này lựa chọn chính sách hỗ trợ hiệu quả nhất đối với họ là chính sách “giảm thuế thu nhập doanh nghiệp” (TNDN). Khi chi phí tăng, đặc biệt chi phí lao động, hay chi phí vận chuyển hàng hóa, hay thậm chí chi phí bị phạt hợp đồng do không đảm bảo thời hạn, số lượng hàng hóa, thì nhiều DN có thể cũng “không còn lợi nhuận” và trong trường hợp này không có cơ hội để hưởng lợi từ chính sách giảm thuế TNDN. Tuy nhiên nếu DN có khả năng quản trị tốt, chèo lái được hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch để có lợi nhuận thì chính sách này là một hành động đồng hành của Nhà nước với DN, giúp DN có thêm dòng tiền để tích lũy, mở rộng đầu tư trong nước, duy trì được cầu đầu vào về nguyên, nhiên liệu, dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giúp các DN nhỏ, hoặc DN trong chuỗi cung ứng sẽ có thêm cơ hội phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn.

Chính sách hỗ trợ từ Nhà nước được doanh nghiệp cho là sẽ hiệu quả

Chính sách “giảm thuế TNDN” cũng được lựa chọn nhiều thứ hai trong nhóm DN “tạm ngừng hoạt động do dịch”, với tỷ lệ 60%. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước được DN trong cả 02 nhóm lựa chọn với tỷ lệ nhiều thứ 3 là Nhà nước hỗ trợ “giảm chi phí điện, nước, nhiêu liệu cho hoạt động kinh doanh”. Có 54% DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” và 50% DN “duy trì sản xuất kinh doanh” cho đây là giải pháp Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả và nhanh nhất, ít bị cản trở bởi các điều kiện khác về sửa đổi luật, hay các điều kiện hành chính đi kèm với các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ trong thời gian qua.

Chính sách được nhiều DN cả 02 nhóm lựa chọn nhiều thứ 4 và cho là chính sách hỗ trợ có hiệu quả là “giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)” với 48% DN “duy trì sản xuất kinh doanh” và 46% DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” lựa chọn. Mặc dù VAT là thuế gián thu, không phải thuế trực thu như thuế TNDN, tức là DN chỉ thu hộ Nhà nước nhưng các DN vẫn mong Nhà nước xem xét giảm thuế này để có thể giúp giảm giá hàng hóa (giá có cả thuế),tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, đồng thời điều này sẽ giúp tăng cầu hàng hóa của người dân. Khi cầu hàng hóa tăng thì các DN có thể duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.

Chính sách thứ năm được cả 02 nhóm DN cho là chính sách hỗ trợ có hiệu quả là “giảm tỷ lệ đóng BHXH” với 41% DN “duy trì sản xuất kinh doanh” và 33% DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” lựa chọn. Khi tỷ lệ đóng góp này giảm thì góp phần giảm chi phí cho DN, đồng thời có thể tạo một hướng mới cho DN là dùng tỷ lệ giảm đóng bảo hiểm bắt buộc để có thể đóng góp BHTN cho người lao động, một cách thức góp phần giữ chân người lao động đồng thời mang lại nguồn dự phòng đời sống cho người lao động. Ngoài 05 chính sách được lựa chọn nhiều nhất thì có gần 30% DN cho là chính sách “hoãn đóng BHXH từ 3-6 tháng” hoặc “giảm thuế thu nhập cá nhân” cũng là những chính sách hiệu quả.

Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại - Số 9+10/2021

 

Đăng ngày: 28/10/2021 , 09:15 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác