Quản lý và đầu tư phát triển cụm công nghiệp: Kinh nghiệm của Hà Nội

Đăng ngày: 30/08/2021 , 11:44 GMT+7

Với thế mạnh có nhiều làng nghề và nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất tại các cụm công nghiệp (CCN) chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất công nghiệp của Thành phố Hà Nội, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động; di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu dân cư tập trung. Phát triển các CCN từng bước tạo tiền đề cho việc phát triển đô thị, dịch vụ của Thành phố với tốc độ cao.

Thời gian qua, công tác quản lý CCN đã được quy định thống nhất, từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động. Bên cạnh đó, mặc dù hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho các CCN chưa nhiều, nhưng bước đầu đã góp phần tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn để đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cũng như phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong CCN

Nhận thức được việc hình thành các CCN để tạo mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tạo điều kiện xử lý ô nhiễm môi trường là một yêu cầu cấp thiết, thời gian qua Thành phố Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo và giải pháp cụ thể, tổ chức họp giao ban định kỳ hàng quý với các Sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và chủ đầu tư CCN; các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ đã tích cực, phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện và chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đáng chú ý Sở Công Thương Hà Nội đã thành lập đoàn công tác liên ngành do đồng chí Giám đốc Sở trực tiếp làm trưởng đoàn làm việc tại 09 huyện, thị xã để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quản lý, phát triển CCN, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai 43 CCN đã có quyết định thành lập; định kỳ tổ chức họp giao ban với UBND các huyện, Chủ đầu tư đánh giá tình hình triển khai công tác đầu tư, phát triển CCN; chỉ đạo cải cách thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thẩm định thành lập, mở rộng các CCN.

Lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, xã có CCN và Chủ đầu tư các CCN tích cực trong công tác chỉ đạo, phối hợp và tổ chức thực hiện quyết liệt ưu tiên giải quyết phục vụ CCN; nhiều khó khăn vướng mắc về quy hoạch, đất đai đã được giải quyết tháo gỡ đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là đối với các CCN thành lập trong năm 2020.

Nhờ vậy, công tác quản lý và phát triển CCN trên địa bàn thời gian qua đạt nhiều kết quả tốt. Sở Công Thương đã hoàn thiện và trình UBND Thành phố phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN Thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 14/3/2018 với 159 CCN, tổng diện tích là 3.204,31ha; Lập danh mục 68 CCN để kêu gọi đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ năm 2018 đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu trình UBND Thành phố quyết định thành lập 43 CCN (trong đó thành lập mới 31 CCN mới, 12 CCN giai đoạn 2) với tổng diện tích 753,3ha, tổng vốn đầu tư khoảng 16.150 tỷ đồng. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện thẩm định thành lập mới 16 CCN, bổ sung 05 CCN vào quy hoạch phát triển CCN.

Để chuẩn bị xây dựng, tích hợp phương án phát triển CCN thành phố vào Quy hoạch Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Công Thương đã phối hợp với các Sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển CCN theo Quy hoạch phát triển CCN Thành phố Hà nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch những CCN không còn phù hợp, bổ sung quy hoạch mới những CCN theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh vị trí, quy mô các CCN trong đó ưu tiên mở rộng các CCN hiện có, gắn với làng nghề; các CCN quy hoạch mới, mở rộng cần đảm bảo đủ diện tích để xây dựng đồng bộ hạ tầng, phát triển CCN theo hướng văn minh, hiện đại.

Sở Công Thương đã phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Quy chế quản lý CCN trên địa bàn thành phố Hà Nội để thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và phân công trách nhiệm giữa các Sở, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với CCN; đảm bảo sự thống nhất tránh chồng chéo nhiệm vụ, không làm giảm vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền và không cản trở công việc của mỗi cơ quan và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong CCN.

Hiện nay, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý 70 CCN đang hoạt động, tổng diện tích 1686 ha tại 17 quận, huyện, thị xã, thu hút 4.169 hộ kinh doanh, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 80.000 lao động, nộp ngân sách bình quân hàng năm khoảng 1.100 tỷ đồng, ngành Công Thương Thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đề xuất phương án chuyển đổi mô hình quản lý CCN từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện sang doanh nghiệp; thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt giá dịch vụ dùng chung trong CCN; Hướng dẫn các chủ đầu tư CCN xây dựng, phê duyệt Quy chế quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích trong CCN; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ chế độ báo cáo; cập nhật và duy trì phần mền quản lý CCN…

Sở Công Thương đã tham mưu trình UBND Thành phố ban hành Quyết định số 7209/QĐ-UBND ngày 02/12/2013 về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tại các CCN giai đoạn 2014-2015. Kết quả: Sở Công Thương đã tổ chức triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho 14 CCN. Để tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN, ngày 15/11/2019 UBND Thành phố có Quyết định 6631/QĐ-UBND triển khai đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại 11 CCN đang hoạt động bằng vốn ngân sách. Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 41 CCN đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, các CCN còn lại sẽ hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải trong quá trình hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật hoặc mở rộng diện tích theo quy hoạch được phê duyệt. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đang xây dựng Chương trình đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021- 2025 trình UBND thành phố phê duyệt để triển khai thực hiện.

Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tổ chức các cuộc kiểm tra các CCN trên địa bàn theo chức năng nhiệm vụ được giao, ngoài ra Sở Công Thương cũng đã tham gia các đoàn kiểm tra của các Sở về xử lý vi phạm quy định pháp luật về CCN như: trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, PCCC….

Một số khó khăn, vướng mắc

Mặc dù đạt được những kết quả không nhỏ nhưng công tác quản lý, phát triển CCN trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc.

Đối với các CCN đang hoạt động, về công tác bảo vệ môi trường, hầu hết các chủ đầu tư không đầu tư hệ thống thu gom, bãi tập kết, phân loại, xử lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại. Nhiều CCN không bố trí quỹ đất để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, có CCN có quỹ đất nhưng không đầu tư xây dựng.

Về xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các CCN trên địa bàn chủ yếu mang đặc thù là CCN làng nghề, xen lẫn với khu dân cư, có diện tích nhỏ, khó đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như loại hình CCN tập trung; Có những CCN đã hình thành và đang hoạt động ổn định, nhưng nằm trong khu vực quy hoạch chức năng khác theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã dẫn đến việc các CCN này không thể triển khai các hoạt động đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để hoạt động lâu dài và gây băn khoăn cho các doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất tại đây. Đặc biệt tại một số CCN làng nghề các hộ dân đã xây dựng thành nhà ở. Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào phụ thuộc vào quy hoạch phát triển của thành phố nên luôn chậm hơn so với tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong CCN.

Về công tác phòng cháy chữa cháy, các CCN phần lớn không được trang bị hệ thống, thiết bị, phương tiện PCCC theo tiêu chuẩn hoặc nếu có thì không đầy đủ hoặc không phù hợp. Các Chủ đầu tư CCN, người đứng đầu các cơ sở kinh doanh chưa quan tâm, đầu tư cho công tác phòng cháy chữa cháy, chưa chủ động chấp hành yêu cầu.

Về tình hình quản lý, sử dụng đất, nhiều CCN được hình thành với cách triển khai là giao đất cho các doanh nghiệp, hộ gia đình trong khi chưa có hạ tầng hoặc thu tiền đóng góp xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giao đất, tuy nhiên đến nay nhiều cụm đã được GPMB, xây dựng hạ tầng nhưng chưa cho thuê được do vướng mắc về Luật Đất đai. Nhiều đơn vị được giao đất để thực hiện dự án nhưng đã mua bán, hoặc cho thuê mà không theo trình tự về đầu tư, không đăng ký với cơ quan chức năng dẫn đến khó khăn trong việc quản lý.

Theo Quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, giá sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện ích được xác định trên nguyên tắc thỏa thuận thông qua hợp đồng ký kết giữa tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ và chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Trường hợp không thỏa thuận được, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN có trách nhiệm báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý do không có giá tối đa để làm căn cứ thỏa thuận.

Đối với thành lập mới, mở rộng CCN, giai đoạn đầu thực hiện gặp khó khăn vướng mắc trong việc xác định phạm vi, ranh giới, chỉ giới đường đỏ, thủ tục phê duyệt QHCT, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện,... Một số cụm gặp khó khăn trong việc cung cấp thông tin quy hoạch, khớp nối hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài cụm… dẫn đến thời gian thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư bị kéo dài.

Về đất đai, giải phóng mặt bằng, nhiều CCN có hiện trạng, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp gây ảnh hưởng đến tiến độ GPMB. Một số CCN do thời gian thẩm định kéo dài nên phát sinh vướng mắc trong việc xác định phạm vi ranh giới, chồng lấn các dự án.

Bên cạnh đó còn có sự hiểu khác nhau về thủ tục lựa chọn chủ đầu tư CCN giữa Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ với Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu.

Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư CCN trên địa bàn

Ngày 17/3/2021, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND về quản lý, đầu tư phát triển CCN trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động số 14/CTr-UBND ngày 19/01/2021 của UBND Thành phố thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021 của thành phố Hà Nội và Chương trình số 15/CTr-UBND ngày 20/1/2021 về Chương trình công tác của UBND Thành phố năm 2021 nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển CCN, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Thành phố. Tổ chức quản lý, đầu tư, phát triển các CCN trên địa bàn Thành phố theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Hoàn thiện cơ chế chính sách; tháo gỡ khó khăn vướng mắc; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng CCN theo quy hoạch đáp ứng yêu cầu cho phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố.

Mục tiêu cụ thể là 100% CCN đang hoạt động được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và được quản lý hoạt động theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, phát triển CCN; Khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 CCN đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020; Phấn đấu hoàn thành hạ tầng kỹ thuật ít nhất 20 CCN. Xúc tiến, thu hút đầu tư thành lập mới 10-15 CCN; 100% các CCN xây mới có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; 95% các CCN, CCN làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch này là đẩy nhanh tiến độ khởi công, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, bao gồm: Xây dựng Chương trình đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025. Tạo điều kiện thuận lợi cho các Chủ đầu tư để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư; Tổ chức khởi công xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án đầu tư thứ phát vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại các CCN. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2 (đối với các cụm có nhu cầu mở rộng); rà soát cải tạo, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật phần diện tích giai đoạn 1. Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn Thành phố.

Với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về CCN trên địa bàn Thành phố, thời gian tới Sở Công Thương Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với Sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; các Chủ đầu tư CCN tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quản lý, phát triển CCN, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện theo đúng quy định và yêu cầu chỉ đạo của Thành phố. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức xây dựng, trình UBND Thành phố ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách phát triển CCN trên địa bàn Thành phố, gồm: Quy chế quản lý CCN; Giá dịch vụ chung trong các CCN; Cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề vào đầu tư sản xuất kinh doanh trong các CCN; Mô hình quản lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động đối với các CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư; Chương trình đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật bên trong hàng rào và bên ngoài hàng rào các CCN. Tổ chức rà soát Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; lập Phương án phát triển CCN để tích hợp vào Quy hoạch thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư; tổ chức thẩm định, thành lập mới các CCN theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đôn đốc, hướng dẫn đảm bảo công tác quản lý, khởi công, đầu tư hạ tầng kỹ thuật… đảm bảo đúng tiến độ theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

PV.

Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại - Tháng 8/2021

------------------------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

* Bộ Công Thương: Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp, ngày 02/7/2021;

* UBND Thành phố Hà Nội: Kế hoạch số 68/KH-UBND về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021, ngày 17/3/2021.

Đăng ngày: 30/08/2021 , 11:44 GMT+7

Tin liên quan