2022 OUTLOOK - Chuỗi cung ứng và sản xuất doanh nghiệp: Những kinh nghiệm từ thực tế

Đăng ngày: 06/03/2022 , 21:27 GMT+7
Tại buổi tọa đàm khai xuân 2022 với chủ đề: “2022 OUTLOOK – Chuỗi cung ứng và doanh nghiệp sản xuất” với sự tham gia của gần 100 cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đến chuỗi cung ứng và tình hình sản xuất năm 2022.

Các câu chuyện xoay quanh người thật, việc thật với sự góp mặt của các các diễn giả: Ông Phạm Minh Thắng – Giám đốc, P&Q Solutions; Bà Trương Thị Chí Bình – Tổng thư ký Hiệp hội CNHT (VASI); Ông Vũ Tuấn Anh – Phó TGĐ, Dr SME; Bà Bùi Thị Hồng Hạnh – GĐ, NCNetwork VN; Ông Nguyễn Văn Hùng – TGĐ, An Phú Việt.

Buổi trao đổi rất sôi nổi, đã đưa ra những góc nhìn nhiều chiều thú vị về những vấn đề vô cùng nóng bỏng và xu hướng phát triển chung của chuỗi cung ứng và sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh rất nhiều cơ hội mở ra cho một năm khởi sắc như: giao thương thuận lợi, đơn hàng sản xuất tăng, sản lượng sản xuất tăng, xu hướng dịch chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam tăng... thì cũng có vô vàn thách thức, rủi ro đi kèm như dịch bệnh, vấn đề nhân sự, đối phó rủi ro, tài chính… đang diễn ra ở tất cả các doanh nghiệp sản xuất.

Các diễn giả đã trao đổi, chia sẻ bằng tất cả các kinh nghiệm quan sát và tấm chân tình mong muốn những điều tốt đẹp cho cộng đồng, đã chia sẻ các câu chuyện và cho những gợi ý sâu sắc cho việc hoàn thiện mảng hồng của bức tranh song song với việc giải quyết các vấn đề thách thức của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại diện của VASI, bà Trương Thị Chí Bình – Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch cũng đã chia sẻ rất nhiều nhưng vấn đề của doanh nghiệp hội viên trong năm vừa qua, đặc biệt là những khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 tác động tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Bà Bình cũng cho rằng, trong năm 2022, tín hiệu khởi sắc cũng sẽ đến nhiều hơn với doanh nghiệp hội viên nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Tín hiệu khởi sắc đã có từ năm 2021, nhiều cơ hội khách hàng đã đến với doanh nghiệp và chỉ còn phụ thuộc vào doanh nghiệp có đủ điều kiện, năng lực để làm hay không. Ngay từ đầu năm, khách hàng về linh kiện ô tô của Huyndai đã kết nối trực tiếp để tìm đối tác từ các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam.

VASI sẽ luôn sát cánh cùng các doanh nghiệp bằng sự nỗ lực trong các xúc tiến giao thương, hỗ trợ chính sách và liên kết với các tổ chức khác để tìm kiếm cơ hội hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp.

Nói về khách hàng trong chuỗi cung ứng, Bà Bùi Thị Hồng Hạnh – GĐ, NCNetwork VN cũng chia sẻ về những tín hiệu tốt từ khách hàng. Từ nước Nhật xa xôi, khách hàng có những cách tiếp cận khác qua việc kết nối giao thương online trước bên cạnh những cuộc gặp trực tiếp cần thiết sau đó.

Buổi tọa đàm khai xuân 2022 với chủ đề: “2022 OUTLOOK – Chuỗi cung ứng và doanh nghiệp sản xuất” diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Đại diện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện thoại, ông Nguyễn Văn Hùng – TGĐ, An Phú Việt chia sẻ, mặc dù dịch bệnh trong năm qua nhưng doanh nghiệp đã may mắn làm việc với một số công ty đa quốc gia như Samsung, Pansonic, Tập đoàn Assa Abloy của Thụy Điển… vì vậy đơn hàng của doanh nghiệp ngày càng tăng. Sang đầu năm nay, sản lượng các đơn hàng tiếp tục tăng và có thêm các khách hàng mới từ Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như một số quốc gia khác. Các đối tác đang kết nối lên kế hoạch để đưa vào hệ sinh thái của họ. Một số đang thực hiện dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam và cần sản xuất ngay và đang cần các nhà cung cấp ngay. Doanh nghiệp đang sản xuất các linh kiện điện thoại, xe máy điện và khoá cửa và một số linh kiện khác;về khuôn đang sản xuất một số khuôn mẫu cho doanh nghiệp của Nhật Bản. Năm mới 2022, doanh nghiệp đang bắt đầu với sự bận rộn và khối lượng công việc khá lớn. Lao động đang được công ty tuyển thêm để đảm bảo yêu cầu khối lượng công việc. Đây là tin vui đầu năm cho An Phú Việt nói riêng và cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung khi các sản phẩm CNHT của Việt Nam được thị trường nước ngoài tin dùng.

Ông Vũ Tuấn Anh – Phó TGĐ, Dr SME chào đón xuân mới với lời khuyên các doanh nghiệp phải sự ứng biến (resilient) với bên ngoài để nói về sự thích ứng với đại dịch COVID-19. Để giải quyết các sự việc bên ngoài thì các doanh nghiệp phải giải quyết vấn đề từ bên trong. Nếu năng lực của doanh nghiệp yếu, nguồn lực không tốt, thì phải vượt lên rồi mới tính đến việc kết nối. Về chi phí sản xuất chắc chắn sẽ tăng cao, vì thế để nâng cao hiệu quả, giảm chí phí thì phải tăng năng xuất lao động từ đó phát triển doanh nghiệp vững mạnh.

Một vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh hoành hành là sự thiếu hút lao động do bị nhiễm bệnh. Trong khi đó các doanh nghiệp CNHT phụ thuộc vào các mắt xích trong chuỗi cung ứng. Nếu thiếu một khâu nào thì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sẽ bị ngừng trệ do thiếu các nguyên liệu, linh kiện… Khắc phục vấn đề về lực lượng lao động, doanh nghiệp phải có các phương án đào tạo, bổ sung nhân sự khi xảy ra thiếu hụt lao động bất ngờ do dịch COVID-19 gây ra. Xây dựng hệ thống đào tạo lao động tối ưu tại chỗ như rút ngắn thời gian đào tạo, từ 3 tháng xuống 1 tháng, từ 1 tháng chuyển xuống 1 tuần và hiện tại đào tạo 3 ngày và thậm chí có vị trí chỉ đào tạo 1 ngày đã đưa vào làm việc. Phương thức đào tạo của An Phú Việt là 3x3, nghĩa là 1 người biết 3 việc và một việc có 3 người biết làm qua đó bổ sung kịp thời nguồn nhân lực thiếu hụt do COVID-19 từ đó ổn định sản xuất.

Trong chuỗi cung ứng hiện nay cũng có nhiều mức độ phát triển, cần phân tích để thấy rõ những điểm mạnh để các doanh nghiệp phát triển bền vững. Theo bà Bình, một số doanh nghiệp trong Hiệp hội CNHT Việt Nam đã đầu tư sâu với nhà máy mới, dây chuyền mới ngay cả trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Đây là các doanh nghiệp có khả năng thực hiện được hầu hết các công đoạn, họ đã chuẩn bị trước các tình huống để ứng phó khi dịch bệnh xảy ra và chuỗi cung ứng dịch chuyển từ đó ổn định sản xuất, có thêm nhiều đơn hàng và đặc biệt là giảm được giá thành. Tuy nhiên doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo phải gải được bài toán về năng lực, sự chuyên nghiệp mới có thể chống chọi và phát triển bền vững.

Kết nối các doanh nghiệp đầu chuỗi, bà Bùi Thị Hồng Hạnh cho biết của NCNetwork VN thường xuyên có hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài, hiện nay hoạt động kết nối chú trọng hình thức online kết hợp với trực tiếp. Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản thì thường xuyên tổ chức 2 tháng/lần với các doanh nghiệp CNHT.  

Đồng thời, trong buổi tọa đàm, phía P&Q solutions và VASI cũng đã giới thiệu nền tảng FORUM mới được thiết lập và triển khai. Đây sẽ là nơi để các doanh nghiệp thành viên, VASI cũng như P&Q và các tổ chức khác có thể gắn kết, trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và sâu hơn nữa trong các hoạt động chung, những vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như là nơi quảng cáo, giới thiệu năng lực, sản phẩm... của các doanh nghiệp.

Mọi trao đổi đóng góp có liên quan, VASI đã tổng hợp và có kế hoạch kết hợp trong các hoạt động tới của VASI.

PV.

Đăng ngày: 06/03/2022 , 21:27 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác