Việt Nam SuperPortTM và loạt sáng kiến hậu cần toàn diện, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới

Đăng ngày: 27/11/2024 , 09:19 GMT+7

“Với giải pháp hậu cần đa phương thức ứng dụng tiến bộ công nghệ và phát triển bền vững cùng khả năng kết nối chuỗi cung ứng trong khu vực, Việt Nam SuperPortTM sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam”, Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPortTM chia sẻ tại Diễn đàn Kết nối và Phát triển Thương mại Điện tử 2024 diễn ra ngày 26 tháng 11 tại Bảo tàng Hà Nội.

Sự kiện tập trung vào tiềm năng, cơ hội phát triển cũng như các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. Tại diễn đàn, lãnh đạo Việt Nam SuperPortTM đã chia sẻ về giải pháp hậu cần toàn diện giúp các doanh nghiệp Việt Nam cũng như khu vực Trung Quốc – ASEAN tham gia sâu hơn vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.

Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp logistics

Năm 2023, tổng doanh thu từ giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử đã đăng ký tại Việt Nam đạt khoảng 498,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok shop lên đến 233,2 nghìn tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022, theo nền tảng khai thác số liệu thương mại điện tử Metric. Theo phân tích của Deloitte, Việt Nam thuộc nhóm các nước có thị trường thương mại điện tử đang phát triển với tiềm năng tăng trưởng đều. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí logistics cao cũng như hệ thống logistics hỗ trợ cho thương mại điện tử xuyên biên giới. “Thương mại điện tử xuyên biên giới đòi hỏi hệ thống logistics minh bạch, bảo mật để đảm bảo quá trình vận chuyển, giao dịch thông suốt. Bên cạnh đó, khả năng kết nối các trung tâm cung ứng trong nước, quốc tế cũng là bài toán cần ưu tiên giải quyết. Đặc biệt, trong bối cảnh các quy định về xanh hóa chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến tay người dùng ngày càng thắt chặt, việc ứng dụng các giải pháp phát triển bền vững trong logistics cũng cần được đặc biệt quan tâm”, Tiến sĩ Yap cho biết.

Thúc đẩy thương mại điện tử xuyên suốt Châu Á

Nằm ở vị trí trung tâm của hành lang kinh tế phía Bắc, Việt Nam SuperPortTM kết nối trực tiếp hơn 20 khu công nghiệp với các cảng biển, sân bay chính và kéo dài tới Vân Nam và Côn Minh, Trung Quốc. Dự án cũng đóng vai trò là mắt xích chiến lược trong Mạng lưới Logistics Thông minh ASEAN (ASLN), kết nối Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN. Bên cạnh đó, với việc thừa hưởng gần 70 năm kinh nghiệm của Tập đoàn YCH trong lĩnh vực logistics, Việt Nam SuperPortTM còn tận dụng được lợi thế kết nối với các trung tâm cung ứng toàn cầu trên khắp Châu Á. Theo Tiến sĩ Yap, khả năng kết nối xuyên suốt Châu Á cùng cách tiếp cận đa phương thức, tích hợp đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường biển trong một điểm đến; cho phép các doanh nghiệp tiếp cận giải pháp chuỗi cung ứng xuyên suốt khu vực và có thể linh hoạt lựa chọn phương thức vận chuyển tối ưu chi phí và phù hợp với nhu cầu.

Ứng dụng tiến bộ công nghệ và phát triển bền vững

Trước đó, tại Ngày hội Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2024, doanh nghiệp này đã công bố lộ trình chuyển đổi số toàn diện nhằm tăng cường hiệu quả và tính bền vững của chuỗi cung ứng thông qua ứng dụng các tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, Việt Nam SuperPortTM sẽ hợp tác với Tập đoàn YCH phát triển ứng dụng AI trong tự động hóa, Robot vận hành kho bãi và các giải pháp quản lý vận chuyển. Các công nghệ ưu việt này sẽ nâng cao hiệu quả vận hành, đẩy nhanh tiến độ đơn hàng và cải thiện kiểm soát hàng tồn kho.

“Hệ sinh thái số tích hợp phần mềm quản lý kho, vận chuyển hàng hóa dựa trên AI,  phục vụ theo dõi hàng tồn kho theo thời gian thực, dự đoán nhu cầu, và đo lường hiệu suất vận hành. Hệ sinh thái này cũng sẽ tăng cường an ninh hàng hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa ra phương án vận chuyển và kinh doanh tối ưu”, Tiến sĩ Yap chia sẻ thêm.

Gần đây, Tiến sĩ Yap cũng tiết lộ về việc ra mắt một thị trường logistics trực tuyến trên nền tảng AI do Việt Nam SuperPort™ và các đối tác hàng đầu thế giới phát triển. Nền tảng này được thiết kế để kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), các tổ chức tài chính và các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần trên toàn thế giới, đảm bảo tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, để hỗ trợ mục tiêu trở thành trung tâm logistics đạt phát thải ròng bằng 0 đầu tiên tại Đông Nam Á vào năm 2040, Việt Nam SuperPort™ cũng sẽ phát triển hệ thống quản lý ESG bằng việc ứng dụng công nghệ blockchain để theo dõi phát thải carbon.

PV

Đăng ngày: 27/11/2024 , 09:19 GMT+7

Tin liên quan