Thúc đẩy đưa hàng Việt vào các hệ thống phân phối nước ngoài

Đăng ngày: 21/12/2020 , 10:02 GMT+7
(DNTM) Hàng Việt tăng hiện diện tại hệ thống bán lẻ nước ngoài; người tiêu dùng nhiều thị trường ưa thích hàng Việt; nhận thức của doanh nghiệp Việt về thúc đẩy đưa hàng Việt vào các chuỗi phân phối nước ngoài tăng lên… là những đánh giá được ghi nhận sau 5 năm thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”.

Ngày 17 tháng 12 năm 2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”. Đây là Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2015, giao Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

 

Hội nghị Tổng kết được tổ chức với hình thức trực tuyến, có sự tham gia của đại diện các Bộ/Ngành, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các tập đoàn phân phối lớn như Tập đoàn AEON, Wal-mart, Central Retail, Lotte, Mega Market; Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài; các Hiệp hội các ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

 

Những kết quả tích cực

 


Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh việc xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống mạng lưới phân phối của các Tập đoàn bán lẻ nước ngoài là một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững. Với sự hỗ trợ của các tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, nội thất, dệt may... đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp trên toàn thế giới. 

 

Trải qua 5 năm triển khai Đề án, các tập đoàn phân phối nước ngoài đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương, thông qua Bộ Công Thương phát triển hợp tác với một số địa phương, không chỉ góp phần thúc đẩy kim ngạch hàng xuất khẩu Việt Nam trong hệ thống của Tập đoàn ở nước ngoài mà còn hướng đến mục tiêu lớn hơn là xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững.

 

Hội nghị đã phân tích những kết quả đạt được trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 thông qua việc đánh giá tính hiệu quả của các hoạt động triển khai Đề án như: hoạt động đào tạo nâng cao năng lực doanh nghiệp; kết nối giao thương; tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu; truyền thông; mời gọi các Tập đoàn phân phối lớn trên thế giới vào Việt Nam.

 

Sau thời gian hợp tác triển khai Đề án, đại diện các tập đoàn AEON, Wal-mart, Central Retail… đều cho rằng, hàng Việt Nam được đông đảo người tiêu dùng tại các thị trường nước ngoài ưa chuộng, mua sắm nhiều thông qua hệ thống bán lẻ của các tập đoàn này tại Malaysia, Campuchia, Thái Lan... Trong đó nổi bật là những mặt hàng như: nông thủy sản, dệt may, thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất…

 

Đặc biệt các nhà phân phối nước ngoài đánh giá cao việc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Đề án đã nâng cao đáng kể nhận thức về việc đưa hàng Việt vào các hệ thống phân phối nước ngoài, nhiều doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu của thị trường quốc tế một cách kịp thời để xúc tiến cơ hội hợp tác với các nhà phân phối nước ngoài.

  

Giải quyết những “rào cản”

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được của Đề án, Hội nghị cũng đã thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết.

 

Đại diện Trung tâm Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội - một trong những đơn vị tích cực tham gia triển khai Đề án những năm qua, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, việc đưa hàng hóa Việt Nam vào các chuỗi phân phối nước ngoài phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp hai phía: nhà cung ứng hàng hóa Việt Nam và các tập đoàn phân phối nước ngoài. Qua quá trình triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được có thể thấy vẫn còn những khác biệt trong cách nghĩ, cách làm giữa doanh nghiệp hai phía nên còn rào cản cho các nhà cung ứng hàng hóa Việt Nam đưa hàng vào các hệ thống phân phối nước ngoài, trong đó có việc chưa gặp nhau giữa sự cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với nhu cầu, mong muốn của nhà phân phối nước ngoài.

 

Chia sẻ quan điểm này, đại diện Tập đoàn bán lẻ Wal-mart cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có tư duy thay đổi để phù hợp với nhu cầu của thị trường bán lẻ nước ngoài. Chính sự chậm thay đổi đó sẽ làm lỡ mất cơ hội hợp tác phân phối hàng Việt tại các thị trường nước ngoài bởi nhà phân phối cần sự thích ứng nhanh để có thể khai thác ngay nguồn hàng cung cấp cho các chuỗi bán lẻ của họ, không làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa.

 

Mặt khác, đại diện Wal-mart chỉ ra thực tế là ít doanh nghiệp Việt Nam thiết lập được chuỗi sản xuất chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa cao. Thông thường các doanh nghiệp vẫn sản xuất dàn trải nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu đều thấp, chưa chuyên sâu sản xuất mặt hàng thế mạnh, giá trị cao như các nước nguồn cung khác.

 

Hội nghị đã thảo luận đưa ra mục tiêu, phương phướng, giải pháp triển khai Đề án cho giai đoạn tiếp theo 2021 - 2030, hướng tới định vị Việt Nam trở thành một nguồn cung quan trọng trong khu vực ASEAN của các tập đoàn phân phối bán lẻ quốc tế.

 

Theo đó, trong giai đoạn tiếp theo của Đề án, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của Đề án, đặc biệt là các nhà phân phối bán lẻ đang có hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam; Phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, các địa phương lựa chọn đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt để đưa vào hỗ trợ trong các hoạt động của Đề án; Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng này; Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; Tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng.

 

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Công Thương cùng các tập đoàn phân phối đã ra mắt Bộ cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào một số hệ thống phân phối là đối tác của Đề án. Bộ cẩm nang cung cấp nhưng thông tin cơ bản, hữu ích về từng hệ thống cũng như giới thiệu quy trình lựa chọn nhà cung cấp, các yêu cầu, tiêu chuẩn của một số mặt hàng khi xuất khẩu vào từng hệ thống phấn phối như AEON, Decathlon, Lotte, Centre Retail, Mega Market. Trong thời gian tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà phân phối khác ra mắt những bộ cẩm nang nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường phân phối hàng hóa thông qua hệ thống bán lẻ của các tập đoàn lớn trên thế giới.

 

Sự phối hợp bài bản và hiệu quả của các bên tham gia sẽ giúp xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh có khả năng thâm nhập ngày càng sâu vào hệ thống phân phối khu vực và thế giới.

Đăng ngày: 21/12/2020 , 10:02 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác