Khuyến công Hà Nội: Phát huy hiệu quả các nguồn lực địa phương

Đăng ngày: 24/02/2021 , 11:37 GMT+7

Theo Sở Công Thương Hà Nội, năm 2020, các chương trình khuyến công trên địa bàn Thủ đô đã được thực hiện tốt, các hoạt động tập trung hỗ trợ, nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến, áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cải thiện môi trường làm việc và sản xuất sạch hơn; kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố với các đối tác trong và ngoài nước.

Từ nguồn vốn khuyến công, Sở Công Thương Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ 14 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT),đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất thuộc các nhóm ngành: Thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, sản xuất dược phẩm, chế biến thực phẩm, đồ uống...

Chú trọng phát triển sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ

Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn phối hợp với một số sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, hiệp hội ngành hàng trên địa bàn thành phố tổ chức 46 cuộc khảo sát, thẩm tra lựa chọn đơn vị thụ hưởng đề án khuyến công, 30 cuộc kiểm tra việc triển khai thực hiện đề án khuyến công, 16 cuộc nghiệm thu đề án khuyến công tại các cơ sở CNNT… Qua đó đã lựa chọn được các cơ sở CNNT đáp ứng đủ tiêu chí, yêu cầu để xây dựng kế hoạch khuyến công tiếp theo cũng như đánh giá kết quả công tác khuyến công trong thời gian qua.

Công tác tập huấn nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp, marketing, thiết kế mẫu mã sản phẩm... cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT được chú trọng với việc phối hợp với 7 huyện (Hoài Đức, Thường Tín, Mê Linh, Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai) và Thành đoàn Hà Nội, Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Liên minh Hợp tác xã thành phố tổ chức 10 lớp;  về chính sách khuyến công tổ chức 6 lớp tập huấn cho 600 cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, xã và các cơ sở CNNT trên địa bàn.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2021, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch khuyến công, với mục tiêu huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN),góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thủ đô. năm 2021, Hà Nội sẽ khởi công xây dựng 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập; hoàn thành ít nhất 20 cụm công nghiệp; phát triển thêm 30 - 40 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm CNNT tiêu biểu…

Mục tiêu đề ra là huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH; đồng thời khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sản xuất sạch hơn, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đối với nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 6 - 8%/năm; tạo ra 350 - 500 mẫu thiết kế mới phục vụ thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ 450 - 500 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế.

PV.

Đăng ngày: 24/02/2021 , 11:37 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác